Tái cơ cấu đầu tư công:

Quyết liệt chống đầu tư công dàn trải, thất thoát trong XDCB

Thứ Ba, 06/05/2014, 09:43
Trong các nguyên nhân khiến cho nợ công ngày càng tăng cao, thất thoát trong xây dựng cơ bản, đầu tư công dàn trải luôn là vấn đề nhức nhối, dù công cuộc tái cơ cấu đầu tư công đã và đang bước đầu có những kết quả khả quan.
>> Nợ công - nỗi lo không chỉ từ những khoản nằm trong sổ sách

Canh cánh nỗi lo nợ công

Thời gian gần đây, cảnh báo về nợ công vượt ngưỡng an toàn liên tục được đưa ra. Và dù các số liệu nợ công dẫn ra có phần khác biệt nhau, nhưng lại chung một gốc: nợ công ngày càng tăng tiến.

Theo TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học KTQD, nợ công Việt Nam đã lên đến khoảng 90 tỉ USD, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước thì khoảng 180 tỉ USD. Chỉ cần tính sơ bộ vay nợ ở một nửa 45 tỷ USD, lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm nền kinh tế phải bỏ ra khoảng 4-5 tỉ USD trả lãi. Khoảng 45 tỉ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỉ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân diễn ra mới đây, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nguy cơ lớn nhất không nằm ở con số mà ở quan điểm sai về nợ công. Hiện nay nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ đọng xây dựng cơ bản. "Nếu tính đủ, nợ công phải lên tới gần 100% GDP. Tỷ lệ an toàn theo báo cáo hiện nay là 55,7% và “theo quy định”. Điều này chứa đựng nguy cơ ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro", ông Thiên cho biết.

Theo TS Trần Đình Thiên, điều đáng lo lắng là tốc độ nợ tăng nhanh hơn rất nhiều so với GDP, nhưng việc đi vay chủ yếu để trả nợ chứ không phải cho sản xuất. Chưa kể, trong cơ cấu, nợ ngắn hạn rất nhiều, khi nền kinh tế suy yếu thì khả năng trả nợ cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, từ phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định nợ công vẫn trong giới hạn cho phép. Theo Thứ trưởng Mai, ước đến ngày 31/12/2013 dư nợ công bằng 53,5% GDP, trong khi giới hạn đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công là không quá 65% GDP. Còn kế hoạch năm 2014, Chính phủ tiếp tục vay trong nước 367.000 tỉ đồng, trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng. Kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD, tương đương 95.800 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

Cùng với số tiền vay, đáng chú ý, con số phải trả nợ cũng lên tới 208.883 tỉ đồng, bao gồm trả nợ trong nước là 159.683 tỉ đồng...

Đầu tư công vẫn bị đánh giá là dàn trải.

Các địa phương vẫn “cát cứ” kinh tế

Thực ra, đối với một nền kinh tế đang phát triển, nhất là đặt trong bối cảnh Việt Nam có nhiều điểm nghẽn tăng trưởng, thì việc phải đi vay nợ để đầu tư là điều bất khả kháng. Việc phải đi vay nợ cũng giống như câu chuyện không thể không cho bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3%.

Thế nên, việc quản lý nợ công và hiệu quả vay vốn nước ngoài, diễn tiến trả nợ công ra sao là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Một đồng vốn vay nợ khi đưa ra xây dựng các công trình hạ tầng phải được lựa chọn, xét đến khả năng trả nợ và hiệu quả tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bản chất vẫn phải minh bạch và chuẩn hóa nợ công, và thông điệp nợ công được đưa ra để “nhắc nhở” Chính phủ, cần phải cân đối lại thu chi ngân sách, quản lý việc sử dụng các đồng tiền đi vay nợ, không để cho tiền đi vay nợ về đầu tư bị thất thoát, bị lãng phí, tham ô.

Theo các số liệu, quá trình tái cơ cấu đầu tư công trong 2 năm gần đây được đánh giá là có kết quả rõ rệt so với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tỷ trọng đầu tư công năm sau được đánh giá là sụt giảm khá mạnh so với năm trước. Tỷ trọng đầu tư công năm 2012 chiếm khoảng 39,5 - 40,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, còn giai đoạn hiện nay là 30%. Dẫn số liệu cụ thể hơn, bốn tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 49.730 tỷ đồng, bằng 27,5% kế hoạch năm và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Song, theo chuyên gia kinh tế, GS Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam thì do các địa phương phân vùng cát cứ lớn nên không có quỹ vùng để phát triển kinh tế. Từng tỉnh, mạnh ai nấy xin, mạnh ai nấy chi, nên các cảng biển, sân bay đua nhau mọc lên. Các tỉnh tự chi ngân sách mà không chịu liên kết lại, nên trong 1 vùng kinh tế, có tỉnh rất mạnh, có tỉnh lại rất yếu, đầu tư công vì vậy vẫn dàn trải. Cùng với đó, tình trạng nhiều công trình sử dụng vốn ODA có hiện tượng đội vốn, mà câu chuyên đình đám nhất mới xảy ra là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn đến 399 triệu USD là 1 ví dụ.

GS Nguyễn Quang Thái cho rằng việc bị đội vốn vẫn có từ xưa đến nay chứ không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên giờ đây, thông tin minh bạch hơn nên nhiều người có thể tiếp cận được, các dự án này mới bị lộ. “Tôi vẫn luôn khẳng định rằng, thất thoát trong xây dựng cơ bản đầu tư công vẫn là vấn đề lớn. Việc chống thất thoát không chỉ là hô hào mà phải cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc”, ông Thái khẳng định

Nhóm PV
.
.
.