Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3:

Quyền rơm vạ đá của các 'thượng đế'

Thứ Bảy, 14/03/2015, 11:06
Hàng loạt vụ việc khiếu kiện của người tiêu dùng trong thời qua cho thấy, người tiêu dùng cần liên kết để có giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền của mình, đồng thời luật pháp cần tạo điều kiện thực tế cho các tổ chức đại diện người tiêu dùng hoạt động.

Đó là những kiến nghị chính được đưa ra tại hội thảo “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Các vấn đề và giải pháp” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3.

Nói về việc một số doanh nghiệp lớn bị người tiêu dùng khiếu nại trong thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASTAS cho biết, Hội đã tiếp nhận giải quyết nhiều khiếu nại của người tiêu dùng với một số công ty lớn, nhưng đáng tiếc bên cạnh nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính và thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của mình thì còn không ít doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Một tỷ lệ rất nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại khi mua phải hàng kém chất lượng.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến với trên 1.200 người do iSEE thực hiện, có một tỉ lệ rất lớn người tiêu dùng có những trải nghiệm tiêu dùng không tốt: gần một nửa (46%) mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, khoảng một phần ba số người tham gia khảo sát đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, mua phải hàng giả, hàng nhái…

Trên một phần tư (27,75%) số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử “không tốt” hoặc “rất không tốt”.

Tuy nhiên, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại, số đông còn lại không khiếu nại do sợ mất thời gian, do không tin vào cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn và do cảm thấy mình đơn độc.

Đáng chú ý, có tới 90% những người tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào. Rõ ràng, người tiêu dùng - các thượng đế chỉ có “quyền rơm” nhưng phải mang vạ đá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hằng năm VINASTAS tiếp nhận trên dưới 1.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng (năm 2014 tiếp nhận 1.551 trường hợp khiếu nại), đây là con số chưa phản ánh được thực trạng thiệt hại hiện nay của người tiêu dùng, mặc dù các trường hợp khiếu nại mà Hội hỗ trợ giải quyết đạt tỷ lệ thành công trên 80%.

Vấn đề khiếu nại nhiều nhất là về chất lượng và bảo hành hàng hóa, dịch vụ như: không thực hiện bảo hành trong thời hạn bảo hành; không cung cấp hàng hóa tương tự để người tiêu dùng sử dụng; không thực hiện đổi mới hoặc hoàn lại tiền theo quy định; kéo dài thời hạn bảo hành, không thông báo rõ nguyên nhân hỏng hóc hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng; không chịu chi phí vận chuyển trong thời gian bảo hành…

Thật đáng buồn khi theo báo cáo của VINASTAS qua 4 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực nhưng việc thực thi chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Không ít doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, không có trách nhiệm với người tiêu dùng, thông tin quảng cáo một đường, thậm chí lừa đảo, hàng hóa cung cấp chất lượng không như quảng cáo, công bố; không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Khi bị khiếu nại thì lẩn tránh, từ chối.

Sở dĩ việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đạt được như mong muốn do có những quy định trong Luật nhưng thực tế chưa được thực hiện.

Do vậy, để bảo vệ quyền của người tiêu dùng, các đại biểu đều đưa ra ý kiến, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, với những vụ khiếu nại kéo dài mà “người tiêu dùng nói mình đúng, doanh nghiệp lại cho rằng mình bị “phá hoại” thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ trắng đen.

“Trong 8 quyền của người tiêu dùng có một quyền “lựa chọn tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hàng hóa”.

Đông người tiêu dùng chọn quyền này, đó là tẩy chay với doanh nghiệp làm ăn không chân chính.

Ở nước ngoài doanh nghiệp rất sợ bị người tiêu dùng tẩy chay. Vedan xả thải là một ví dụ, các cơ quan chức năng xử lý nhưng chế tài chưa đủ mạnh để doanh nghiệp này thay đổi. Chỉ khi người dân, siêu thị tẩy chay với bột ngọt Vedan thì tập đoàn này mới lần lượt bồi thường cho bà con nuôi cá lồng.

“Quyền tẩy chay là quyền lớn nhất của người tiêu dùng nếu như doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khi sai không thừa nhận và bồi thường” – ông Hùng đưa ý kiến.

Trần Hằng
.
.
.