Quảng Trị - “Điểm nóng” buôn lậu động vật hoang dã

Thứ Tư, 22/11/2006, 08:42
Từ sông Sê Pôn đến thị trấn Lao Bảo dài trên 50 km có hàng chục điểm neo đậu thuyền dễ dàng, đây chính là con đường lẩn trốn qua bên kia biên giới của đám "cửu" chuyên "cõng" động vật hoang dã, mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi.

Trung tá Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã qua biên giới tồn tại từ cách đây nhiều năm nhưng rất khó chống, bởi bọn buôn lậu thuê người gùi cõng hàng qua đường sông và hàng trăm con đường tiểu mạch xuyên núi rừng.

Trong đó, sông Sê Pôn qua địa phận huyện Hướng Hóa dài trên 50km, bắt đầu từ xã Xi thuộc vùng Lìa của huyện Hướng Hóa đến thị trấn Lao Bảo có hàng chục điểm neo đậu thuyền dễ dàng, do vậy ở đó không chỉ là điểm tập kết hàng lậu, mà còn là con đường lẩn trốn qua bên kia biên giới của đám cửu vạn mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi.

Những bến Long Qui, Long Phụng, Long Yên thuộc xã Tân Long từ lâu đã trở thành tên gọi thân thuộc của bọn chúng. Tại những điểm này, sau khi hàng đã về được phía Việt Nam, dân cửu vạn thường chia nhỏ lô hàng, gùi cõng và tập kết dọc QL9, bốc lên các xe khách chờ sẵn.

Ở khu vực miền Trung, nhất là 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, đặc sản rừng có ở khắp nơi, có quán nhiều đến nỗi, chủ quán làm riêng một kho chứa toàn rắn, ba ba, trút, kỳ đà và… rùa vàng. Phần lớn những con thú quí đó bị săn bắn, sập bẫy ở rừng Lào, bị bọn buôn lậu tìm cách đưa vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và vô số con đường tiểu mạch qua địa bàn huyện Hướng Hóa.

Riêng đường tiểu mạch thì hầu như không chống được, bởi đám cửu vạn rất "dày công", có khi chỉ gùi một lô hàng, với tiền công bèo bọt nhưng sẵn sàng luồn rừng hàng trăm cây số, vòng ra cả ngoài Đồn Biên phòng Cù Bai, cách cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo hơn 150km, giáp với tỉnh Quảng Bình để mang hàng đến điểm hẹn…

Trạm trưởng Kiểm lâm thị trấn Lao Bảo Nguyễn Văn Khánh lắc đầu bảo, có hôm đang tuần tra, từ đâu trong bụi rậm, bọn lục lâm thảo khấu ném liền một loạt đá làm anh em tháo chạy toát mồ hôi.

Dọc QL9, nạn vận chuyển động vật hoang dã tồn tại từ nhiều năm nay, đặc biệt từ Lào về nhưng chưa bao giờ trở thành điểm nóng như từ đầu năm đến nay. Chỉ trong một tháng có đến hàng chục vụ vận chuyển mặt hàng này, song phần lớn bọn chúng đều chạy thoát…

Trao đổi về giải pháp ngăn chặn hiệu quả, ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, lực lượng Kiểm lâm huyện, Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý trên dọc tuyến QL9; tuy nhiên, do lực lượng mỏng, trong khi các điểm chốt quan trọng như cổng B, Trạm kiểm soát liên ngành lại không được phép tham gia nên khó đạt được kết quả tốt.

Qua 10 tháng của năm 2006, Kiểm lâm và Công an huyện đã bắt và xử lý hàng chục vụ vận chuyển động vật hoang dã quí hiếm có nguồn gốc từ Lào, với tổng trọng lượng gần 500kg. Song, số vụ đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với con số thực tế diễn ra hàng ngày nhưng do những khó khăn chung nên công tác ngăn chặn và tiêu diệt vấn nạn này còn gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, lực lượng Kiểm lâm huyện đã phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, đặc biệt là lực lượng CSGT làm rất mạnh tay và kiên quyết xử lý nên bọn vận chuyển, buôn bán loại mặt hàng này đã tìm cách trả thù. Mặc dù chưa gây thương tích nhưng hành động côn đồ và lăng nhục lực lượng thi hành công vụ diễn ra thường xuyên, có chiều hướng gia tăng phức tạp.

Ngoài việc các cấp chính quyền cần sớm đưa ra một cơ chế riêng cho ngành Kiểm lâm, Kiểm lâm huyện rất cần nhận được sự hợp tác tích cực hơn nữa của các lực lượng vũ trang

Phan Thanh Bình
.
.
.