Quảng Ninh: Vì sao tiến độ thi công các dự án Nhà máy Nhiệt điện bị chậm trễ?

Thứ Ba, 31/08/2010, 14:15
Chỉ vì chọn nhà thầu Trung Quốc với giá rẻ, đến nay tại Quảng Ninh, quá nửa các dự án điện chạy than, cái thì quá hạn vẫn chưa xong, cái xong thì ì ạch một ngày chạy, 3 ngày sửa và sửa mãi vẫn trục trặc. Tính ra, giá rẻ đã trở thành giá đắt.

Thực trạng

Thông thường, ở những cuộc đấu thầu quốc tế, các bước giá chào chỉ hơn kém nhau tỷ lệ rất nhỏ (trên dưới 1%) cũng quyết định kẻ thắng người thua. Nhưng từ khi có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc, mọi việc đã khác.

Chỉ bằng  bí quyết bỏ thầu giá rẻ, rẻ đến mức không ngờ, họ đã thắng thầu. Trong khi đó, các nhà thầu thuộc khu vực Âu, Mỹ với thế mạnh đã được khẳng định trên toàn thế giới là công nghệ hiện đại, giải pháp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng không thể "đấu" lại giá của nhà thầu Trung Quốc. Đơn cử, khi mở thầu các dự án điện, một nước trong nhóm G7 bỏ với suất đầu tư hơn 2.000USD/KWh thì nhà thầu Trung Quốc chỉ khoảng 1.000 USD/KWh, tức là thấp hơn 50%. Bằng cách đó, các nhà thầu Trung Quốc đã có mặt ở tất cả các dự án điện tại Quảng Ninh.

Nhưng điều đáng nói là theo rà soát của Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh thì việc thi công của các nhà thầu Trung Quốc tiến độ chậm, chất lượng thiết bị, công nghệ kém và lạc hậu so với các nước G7.

Ngày 12/5, tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh I bắt đầu phát điện lên lưới. Chưa đầy 2 tháng sau đã gặp sự cố, đến giờ vẫn "đắp chiếu", chưa có khả năng hoà lưới điện quốc gia. Riêng tổ máy số 2 bắt đầu hoà lưới điện quốc gia từ ngày 2/6 nhưng phải dừng vận hành 5 lần do sự cố. Đến nay, tổ máy này mới phát lên lưới khoảng 50 triệu KWh.

Tại Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh II, tiến độ hoàn thành đã quá hạn từ lâu nhưng khối lượng thi công mới chỉ đạt 31% thì nhà thầu "án binh bất động" từ tháng 11/2009 đến nay.

Theo đúng tiến độ, tổ máy số 3 của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh II phải phát điện vào tháng 2/2010 và tổ máy số 4 dự kiến tháng 7/2010. Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (chủ đầu tư) đã xác định rằng, Tập đoàn Điện khí Thượng Hải hoàn thành các phần việc không đúng tiến độ, chất lượng công trình quá kém, mới vận hành thử và chạy tin cậy đã xuất hiện nhiều sự cố, công tác sửa chữa của nhà thầu chậm do không có sẵn vật tư, thiết bị thay thế. Nhà thầu này cũng không đủ nhân lực, buộc chủ đầu tư phải hỗ trợ.

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí - Quảng Ninh.

Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả I và II có tổng công suất 600MW (do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam và các đơn vị thành viên thuộc ngành Than trên địa bàn Cẩm Phả làm chủ đầu tư và do Công ty TNHH Công trình điện Cáp Nhĩ Tân - Trung Quốc đảm nhận thi công theo hình thức hợp đồng EPC cũng không tránh khỏi hiện tượng trên. Đến nay tiến độ xây dựng chậm hơn 9 tháng so với kế hoạch. 

Một nhà kinh tế phân tích, việc chọn giá thầu rẻ thiếu tính toán khoa học gây nên những phí tổn về sửa chữa, về vận hành gián đoạn, lãng phí thời gian chờ thì "sự rẻ" đó là rẻ ít, đắt nhiều...

Không để lặp lại tình hình

Một đặc điểm đáng chú ý khác, so sánh từ các dự án do các nước G7 trúng thầu thi công, ngoài việc họ rất chú trọng đến các giải pháp chất lượng, an toàn, kỹ thuật, môi trường, tuổi thọ… nhà thầu chính không bao giờ "ôm" trọn gói công trình. Họ chỉ quản lý ở cơ cấu cấp cao và các nhà thầu phụ được chọn luôn là doanh nghiệp Việt Nam. Lấy Nhiệt điện Phả Lại II làm ví dụ, các Cty Coma, Lilama đã sản xuất các sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn và lò hơi.

Với dự án nhiệt điện Phú Mỹ, nhà thầu Mitsubishi cũng thuê Coma chế tạo toàn bộ thiết bị cơ khí, kết cấu thép, các bồn bể lớn; thuê Lilama lắp đặt. Điều đó có nghĩa là hàng ngàn người lao động trong nước có công ăn việc làm, lao động kỹ thuật có điều kiện để tiếp cận, nâng cao trình độ chuyên.

Trong khi đó, tại tất cả các dự án mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, 100% nhân lực, vật lực, thiết bị máy móc đều… được đưa từ nước họ sang (Luật Đấu thầu hiện hành không yêu cầu về xuất xứ thiết bị), với cách thức này khiến chủ đầu tư (Việt Nam) không kiểm soát được chất lượng máy móc, thiết bị, người lao động không có việc làm.

Được biết, thời gian gần đây, những tồn tại xung quanh các dự án do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu được bàn luận sôi nổi ở Quảng Ninh. Các cấp ở địa phương cũng đang nỗ lực tìm ra cơ chế quản lý, kiến nghị cấp Trung ương nghiên cứu sửa đổi các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế và luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi chính sách mới, đề nghị các cấp ngành hữu quan cần tăng cường quản lý trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư như chất lượng công trình, lao động phổ thông là người nước ngoài, tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, không nên vì thấy giá thầu "rẻ" mà chọn nhà thầu để rồi… lợi bất cập hại

Lê Minh Triết
.
.
.