Quảng Ninh: Cần đổi mới công tác đấu tranh chống buôn lậu - gian lận thương mại (bài 2)

Thứ Sáu, 14/12/2007, 10:53
Nếu có ai đó thống kê tổng lượng hàng hoá nhập lậu hiện đang lưu hành trên địa bàn so với giá trị hàng hoá bị phát hiện, xử lý thì quả là khập khiễng vì chỉ là một phần quá nhỏ bé. Rõ ràng phòng tuyến chống BL-GLTM của Quảng Ninh đang bị "thủng" nghiêm trọng.

Chống buôn lậu sẽ không như... "quét lá rừng"

Với những gì đang diễn ra, đã có dư luận ngoài lề cho rằng Quảng Ninh không chú ý nhiều đến công tác chống buôn lậu - gian lận thương mại (BL-GLTM); rằng, chính cái sự buôn bán nhập nhèm này là cách đơn giản nhất để đẩy nhịp độ thương mại, giá trị hàng hoá luân chuyển qua địa bàn tăng cao chưa từng thấy. Quảng Ninh thu hút hơn và nổi tiếng hơn cũng do yếu tố này.

Tuy nhiên, chỉ khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan chính quyền, các lực lượng chức năng mới biết, chưa một lúc nào tỉnh bật đèn xanh cho các đối tượng BL-GLTM. Có điều, việc chống cứ chống, buôn lậu cứ việc buôn, thành ra cuộc chiến này giống như "quét lá rừng".

Cuộc chiến không cân sức?

Theo tổng hợp báo cáo của các ngành chức năng, từ năm 2005 đến hết 6 tháng đầu năm 2007, Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý vi phạm hành chính 10.633 vụ với số tiền phạt 20.400 triệu đồng, tịch thu phát mại trị giá 202.458 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy trên 100 tấn gia súc, gia cầm; xử lý hình sự 123 vụ/204 đối tượng mua bán, vận chuyển hàng cấm, pháo nổ, ma tuý… 

Tuy nhiên, nếu có ai đó thống kê tổng lượng hàng hoá nhập lậu hiện đang lưu hành trên địa bàn so với giá trị hàng hoá bị phát hiện, xử lý thì quả là khập khiễng vì chỉ là một phần quá nhỏ bé. Rõ ràng phòng tuyến chống BL-GLTM của Quảng Ninh đang bị "thủng" nghiêm trọng.

Theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, sở dĩ có tình trạng bất hợp lý này là do công tác đấu tranh từ khâu chỉ đạo đến trực tiếp thực hiện dù đã liên tục sửa đổi, bổ sung, thay đổi phương án nhưng vẫn chỉ là những "bài học thuộc lòng". Trong khi đó, địa hình vừa rộng vừa dài, dàn hết quân ra cũng chỉ có thể phủ kín các vị trí trọng điểm, đối tượng buôn lậu lại quá ranh ma, chính họ mới là người "bắt bài" lực lượng chức năng.

Ngoài ra, phương án, kế hoạch của người phòng chống không phải ít nhưng bắt buộc phải dựa trên những cơ sở pháp luật cho phép, trong khi phương thức và thủ đoạn của đối tượng nhiều vô kể, lại bất chấp tất cả quy định, luật lệ miễn sao "phi vụ" trót lọt. Thậm chí không ngần ngại cả việc tự trang bị vũ khí, chống trả quyết liệt để mở đường tẩu tán hàng lậu và thoát thân.

Đã có hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ xảy ra nơi biên cương của Tổ quốc. Máu của những người thừa hành nhiệm vụ đã chảy, ý chí đấu tranh trước loại tội phạm này chưa hề bị lung lay. Nhưng cái đích cuối cùng là xoá bỏ tình trạng BL-GLTM vẫn chưa thấy đâu. Có vẻ như đây là "cuộc chiến không cân sức".

Phải có chiến lược, chính sách và phương pháp mới

Không thể nêu hết những bất cập về chống BL-GLTM trong khuôn khổ bài viết, cũng không thể có ngay được kết quả như ý muốn từ kết quả giám sát của HĐND tỉnh. Song, điều cần thiết trong lúc này là cần vá víu ngay những "lỗ hổng" trên phương diện quản lý, chỉ đạo vĩ mô.

Theo đó, Ban Pháp chế đề xuất một số nội dung kiến nghị chủ yếu như sau:

Thứ nhất, đề nghị Ban chỉ đạo 127 của tỉnh tăng cường chỉ đạo sự phối kết hợp giữa các ngành trong hoạt động phòng chống BL-GLTM. Các ngành Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng có chỉ đạo tích cực khắc phục những tồn tại trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống BL-GLTM hiện nay của ngành, lĩnh vực quản lý, kiên quyết xử lý những cán bộ có sai phạm trong khi thi hành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, nhất là quản lý chặt chẽ hoạt động của các trạm kiểm soát liên ngành, quản lý việc lưu thông các loại hoá đơn hàng hoá.

Thứ hai, cần thiết phải tăng cường trang bị phương tiện, kinh phí hoạt động cho các lực lượng chức năng đủ mạnh để kiểm soát được tình hình mua bán, vận chuyển hàng hoá, nhất là trên tuyến biên giới và tuyến biển. Hỗ trợ kinh phí cho các đồn biên phòng xây nhà tạm giữ người vi phạm hành chính và kinh phí bắt giữ, tiêu huỷ các vụ pháo nổ, gia cầm. Đồng thời tăng thẩm quyền cho cấp huyện định giá hàng hoá tịch thu một vụ vi phạm hành chính trên mức 30.000.000đ.

Cuối cùng, dựa vào thực tiễn trên địa bàn có hoạt động BL-GLTM nóng bỏng nhất nước, Quảng Ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính về việc nâng mức thời hạn xử phạt hành chính của những vụ việc phức tạp, phải đấu tranh và xác minh mất nhiều thời gian.

Có như vậy, lực lượng chức năng mới đủ điều kiện tiến hành những chuyên án lớn, tìm cho ra những đầu mối, đường dây lớn, đánh thẳng vào các đối tượng cầm đầu, chủ mưu về BL-GLTM

Lê Minh Triết
.
.
.