Quảng Ngãi: Hàng chục tỷ đồng bỏ biển

Thứ Bảy, 19/06/2010, 13:36
Cửa biển Sa Huỳnh được xem là vùng trọng điểm thủy sản phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Xây dựng cảng cá và kè chắn cát ở đây là điều hết sức cần thiết. Đáng tiếc, công năng sử dụng của dự án với mức kinh phí hàng chục tỷ đồng này vẫn chưa được phát huy.

Cảng Sa Huỳnh nằm trên địa phận xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ được ngành Thủy sản Quảng Ngãi đầu tư xây dựng kè chắn cát, nạo vét luồng lạch, và xây dựng cảng cá từ năm 2002 đến nay với tổng mức đầu tư giai đoạn I trên 49 tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều hạng mục công trình chính hiện nay đưa vào sử dụng rất kém hiệu quả. Tại khu cầu cảng đã có hàng chục hecta đất đang bỏ hoang phí; luồng lạch bị cát bồi lấp đã khiến hàng trăm chiếc tàu đánh cá ở đây ra vào cảng đã gặp nạn liên tục. Nhiều tàu có công suất từ 150 CV trở lên thường xuyên vào cảng gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho biết: Huyện đã nhiều lần cử đoàn cán bộ về kiểm tra thực tế kè chắn cát Sa Huỳnh và kết luận kè chưa bảo đảm các giải pháp kỹ thuật.

Lạch Sa Huỳnh, tàu bè không vào được làm nơi vui đùa của trẻ.

Ông Nguyễn Học, chủ tàu QNg 4269-TS, ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh đưa chúng tôi ra tận cầu cảng và chỉ tay về phía bờ kè chắn cát nói: Họ đầu tư làm cầu cảng, bờ kè này tốn kém rất lớn nhằm để ngăn cát, nạo vét luồng lạch, nén dòng cửa biển phục vụ cho tàu ra khơi đánh bắt hải sản thuận lợi. Nhưng qua thực tế mới thấy bộc lộ việc đầu tư bạc tỷ ở đây, nhưng công trình sử dụng rất kém hiệu quả. Chẳng hạn kè chắn cát làm nửa vời, giải pháp kỹ thuật không hợp lý (mới xây dựng 400/800m so thiết kế) Hệ thống đèn chớp trên cảng cá mới đưa vào sử dụng vài tháng đã hư hỏng hết.     

Người dân ở xã Phổ Thạnh lâu nay phát triển mạnh nghề khai thác, chế biến hải sản (có khoảng 80% số dân trong xã sống bằng ngư nghiệp). Toàn xã có 720 chiếc tàu đánh cá với trên 100 nghìn mã lực (trong đó đội tàu 350 CV trở lên có 200 chiếc). Ông Trịnh Nhân, chủ tàu 600 CV nói: Ngư dân chúng tôi đã bỏ ra tiền tỷ để đóng tàu lớn mà luồng lạch, cảng cá không bảo đảm an toàn cho tàu ra vào cảng, khi gặp tai nạn, tàu phải sửa chữa nằm bờ cả vài tháng dẫn đến làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất thì chỉ còn cách là bán tàu, chuyển nghề khác kiếm sống.

Rõ ràng, tiềm năng của vùng thuỷ sản Sa Huỳnh là rất lớn và việc đầu tư lớn cho khu vực này cũng là điều cần thiết. Nhưng với cách đầu tư kém hiệu quả như hiện nay thì thủy sản ở Sa Huỳnh kém phát triển sẽ là điều chắc chắn và hàng chục tỷ đồng của Nhà nước cũng đang dần trôi ra biển

Đông Hải
.
.
.