Quản trị tài chính tốt, doanh nghiệp tự chủ hơn về vốn

Thứ Năm, 18/07/2013, 03:15
Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng thua lỗ, kinh doanh bết bát, dẫn tới nguy cơ phá sản, giải thể. Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để các DN “xốc” lại bản thân, cải tổ tất cả lĩnh vực hoạt động, trong đó quản trị tài chính là một vấn đề then chốt để vực dây hoạt động của DN.

Nêu vấn đề tại buổi tọa đàm “Quản trị tài chính – Thách thức và cơ hội” do Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) tổ chức mới đây, ông Phan Đằng Chương, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho DN đó là thời gian qua, nhiều DN đầu tư vào những lĩnh vực không có chuyên môn, kỹ năng quản trị như bất động sản, tài chính, trong khi bỏ quên nhiệm vụ chính của DN là sản xuất. Điều này xuất phát từ việc DN không có chiến lược quản trị tài chính hợp lý để định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, khi DN chưa phân định rõ ràng chức năng kế toán với tài chính, nhiều việc sẽ bị chồng chéo, khó giải quyết, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động chung... “Vai trò của giám sát tài chính có thể giúp DN hạn chế được những rắc rối nói trên. Ngoài ra, một vấn đề cực kỳ quan trọng quyết định sự tồn vong của DN đó là vốn. Hiện nay, các DN thường xuyên kêu thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng, nhưng nguồn vốn này đang bế tắc. Quản trị tài chính không trực tiếp mang được vốn về cho DN, nhưng quản trị tài chính tốt có thể cải thiện dòng vốn lưu động, bởi tài chính có thể đưa ra những chỉ số, hoặc cải thiện quy trình về các khoản phải thu, phải trả, cũng như cải thiện hoạt động với những nhà cung cấp và khách hàng”, ông Chương khẳng định.

Để chứng minh tính hiệu quả của công tác quản trị tài chính tốt, ông Chương dẫn ví dụ một DN thuộc top 10 công ty đứng đầu trên sàn chứng khoán, sản xuất mặt hàng tiêu dùng, không có ưu đãi gì đặc biệt, nhưng lại không phải vay vốn ngân hàng. Công ty này cho biết, nhờ bộ phận tài chính đưa ra những kế hoạch rất cụ thể và chiến lược trong vòng 2-3 năm, sau đó tổ chức tiếp xúc với các nhà cung cấp nguyên vật liệu để trình bày kế hoạch này. Nhờ đó chỉ có 5 nhà cung cấp quyết định tăng giá bán nguyên vật liệu, còn các nhà cung cấp khác cam kết giữ nguyên giá bán. 

Song, đáng tiếc là đại đa số DN tại Việt Nam chưa thành lập chức năng quản trị tài chính và vị trí giám đốc tài chính riêng biệt khỏi vị trí kế toán trưởng. Ngoài ra, các DN cũng thiếu các công cụ hỗ trợ cần thiết để đảm bảo công tác quản trị tài chính hiệu quả. Điều này có thể thấy rõ ở việc, trừ một số DN liên doanh, DN có 100% vốn nước ngoài, còn lại đại đa số các DN đều chưa chia thành bộ phận quản trị tài chính và chức danh giám đốc tài chính. Kết quả khảo sát do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, có 80% công ty được khảo sát có mức điểm trung bình về quản trị.

Còn trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), có tới 42% DN niêm yết không nộp báo cáo tài chính đúng hạn. Các vi phạm công bố thông tin khác cũng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 8-31%. Nguyên nhân chính là do các DN thiếu nhìn nhận đúng đắn về chức năng tài chính DN, bên cạnh đó, các DN còn nhầm lẫn về chức năng giữa bộ phận kế toán và bộ phận tài chính…

“DN muốn tồn tại và vượt khó trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, nhất thiết phải có cái nhìn tổng quan về quản trị tài chính, cùng với phương thức tối ưu hóa các công cụ tài chính, để hoạch định chiến lược kinh doanh, nắm bắt các cơ hội tiềm năng để phát triển”, đại diện Ngân hàng Techcombank nhận định

Lệ Thúy
.
.
.