Quản lý giá sữa: Đừng chỉ áp trần phần gốc, bỏ quên phần ngọn

Thứ Hai, 01/09/2014, 15:00
Từ hôm nay, 1/9, sẽ có thêm 4 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Công ty TNHH Nestle Việt Nam được đưa vào danh sách áp trần. Như vậy, “tiến độ” áp trần giá sữa vẫn được thực hiện đều đặn. Tuy nhiên, nhìn lại sau 3 tháng thực hiện áp trần giá sữa, vẫn còn nhiều điều đáng để bàn.

Theo công bố của Bộ Tài chính, 4 sản phẩm sữa mới đăng ký của Công ty TNHH Nestle Việt Nam được áp giá trần bán buôn và bán lẻ, thực hiện từ ngày 1/9/2014, gồm: S-26 Gold loại 900g, giá áp trần là 469.632 đồng/hộp; S-26 Promil Gold loại 900g, giá áp trần là 447.890đ; S-26 ProgressGold loại 900g, giá trần 395.709đ/hộp; S-26 Promise Gold loại 900g, giá áp trần 334.830đ/hộp. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa sẽ là giá trần quy định cộng thêm 15%.

Với việc công bố thêm 4 sản phẩm áp trần mới, đến thời đểm này, đã có trên 500 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nằm trong diện bình ổn giá được Bộ Tài chính áp trần giá bán. Tuy nhiên, quy định là một chuyện, thực tế thực hiện thế nào lại là chuyện khác. Những lùm xùm xung quanh “hậu” áp trần giá sữa vẫn tiếp tục, dù các cơ quan chức năng cho biết rất quyết tâm ra tay dẹp bỏ. Một trong những vi phạm chủ yếu vẫn là “lách” giá: vẫn giảm giá, nhưng giảm nửa vời để đánh lừa khách hàng.

Khảo sát của PV Báo CAND về một sản phẩm được rất nhiều bà mẹ lựa chọn cho con là sữa Nan của Nga thì thấy mỗi nơi bán một giá, mỗi hàng buôn một kiểu, mạnh ai nấy bán. Cụ thể, theo quy định giá trần của sản phẩm sữa Nan 3 loại 900g mà Bộ Tài chính áp trần, sau khi cộng thêm 15%, giá sản phẩm này đến tay người tiêu dùng tối đa chỉ là 384 nghìn đồng mỗi hộp. Tuy nhiên, tại đại lý sữa ở Thanh Xuân, giá của mặt hàng này là 390 nghìn đồng/hộp, cao hơn giá trần 6.000 đồng/hộp. Đây là mức giá mà cửa hàng này thực hiện từ ngày đầu tiên áp trần và “cố thủ” cho đến tận bây giờ, dù báo chí đã nhiều lần phản ánh. Trong khi đó, cũng là sản phẩm này, nhưng tại Siêu thị sữa 247 ở Mỹ Đình, Từ Liêm (Hà Nội), giá bán chỉ còn 365 nghìn đồng/hộp, thấp hơn giá trần quy định gần 20 nghìn đồng/hộp. Nhưng việc tuân thủ giá trần và bán thấp vì quyền lợi người tiêu dùng như cửa hàng này không phải nhiều, bởi tại một số cửa hàng “trên phố”, giá sản phẩm này được hét “trên trời”. Tại một đại lý trên phố Nguyễn Khuyến, giá được “hét” tới 590 nghìn đồng/hộp. Trong khi đó, một hộp sữa Nan 3 loại 900g bán tại Citimart trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), cũng lên tới 464.600 đồng, cao hơn giá trần quy định tới 80 nghìn đồng/hộp. Điều đáng nói, đây không phải là sản phẩm vượt trần duy nhất trên kệ của siêu thị này, vì bên cạnh cũng có một sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khác là Enfamil A+1 được ghi giá bán là 275 nghìn đồng, trong khi giá trần bán buôn theo quy định của Bộ Tài chính là 187 nghìn đồng, cộng 15% giá bán lẻ đến người tiêu dùng chỉ là 215 nghìn đồng…

Giá sữa vẫn loạn “hậu” áp trần.

Câu chuyện lách trần không mới, nhưng sau 3 tháng, nó vẫn nguyên tính thời sự. Thế nhưng, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho thấy, hầu hết các cửa hàng, đại lý được kiểm tra đều chấp hành tốt quy định giá trần do các doanh nghiệp cung cấp sữa niêm yết. Mức giá bán lẻ các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sau khi áp giá trần giảm trung bình từ 8 - 16%.

Theo tìm hiểu riêng của Báo CAND, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn cố tình “neo” giá cao vì chi phí tiếp thị quảng cáo quá lớn. Có doanh nghiệp, số người được gọi là “hoạt náo viên”, mặc những bộ đồ ngộ nghĩnh, nhảy múa gây sự chú ý cho các “thượng đế nhí”, hòng lôi kéo những khách hàng này hướng sử dụng sang sản phẩm của mình lên tới 2.000 người. Tiền để trả lương cho những hoạt náo viên này là những con số rất lớn, mà chỉ tính riêng thuế thu nhập họ phải đóng cho ngân sách nhà nước hàng năm lên tới khoảng 170 tỷ đồng. Con số này nếu đem nhân với 5 doanh nghiệp lớn và một cơ số doanh nghiệp khác, thì hàng năm, số tiền lương phải chi có thể lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Bình luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngại việc thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính là “làm cho có”, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. “Cứ cho là thanh tra Bộ Tài chính không thể đến xuể các ngóc ngách của thị trường, các cửa hàng nhỏ lẻ trong hẻm, trong ngõ, nhưng họ sẽ vẫn có tai, có mắt và đặc biệt vẫn nhận được thông tin phản ánh từ báo chí nên không thể nói là không biết. Khi thanh tra chưa công tâm, khi cơ quan quản lý còn ngồi một chỗ để phán xét sự việc thì mọi biện pháp bình ổn sẽ không bao giờ phát huy hiệu quả”, một chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng còn một ý kiến lo ngại nữa, đó là việc áp giá trần theo quy định sẽ được thực hiện trong một năm, khi hết thời hạn đó, giá sữa có thể sẽ lại tăng trở lại. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, biện pháp bình ổn giá là không mong muốn của cơ quan quản lý, trong tương lai, khi thị trường sữa thực sự trở lại lành mạnh, giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giá cả được xác định công khai minh bạch của các yếu tố đầu vào, thì mặt hàng sữa sẽ được điều tiết theo hướng với đúng nghĩa của thị trường cạnh tranh lành mạnh. “Trước mắt, vẫn thực hiện bình ổn giá theo quy định và khi hết thời gian một năm sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ. Thời điểm đó, nếu thị trường diễn biến tốt thì có thể tính tới gỡ việc áp giá trần, còn nếu thị trường vẫn xấu thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian bình ổn giá”, ông Tuấn khẳng định.

TP. HCM: Hơn 1.400 điểm bán sữa bình ổn giá

Tính đến nay, trên địa bàn TP. HCM, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa có 1.405 điểm bán hàng, tăng 212 điểm so với đầu chương trình, giá sữa vẫn giữ ổn định từ đầu chương trình đến nay với tổng doanh thu đạt 286,9 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ.

Hà An
.
.
.