Quản lý an toàn thực phẩm: Vẫn còn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Thứ Tư, 03/04/2013, 08:57
Về việc cơ quan Thú y vùng II nhiều lần “xé rào” cho thông quan gần 10 tấn thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Australia, qua tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết, không chỉ làm trái các quy định trên văn bản, Thú y vùng II còn làm trái cả quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ NN & PTNT. Khi được hỏi về điều này, lãnh đạo Thú y vùng II còn trách ngược Thanh tra Bộ là chỉ làm luật “trên giấy”?!

Người làm luật “trên mây” hay người thực hiện coi thường?

Theo đúng như quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính, với vi phạm về việc nhập khẩu thực phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vào Việt Nam, Công ty Thực phẩm cao cấp đã bị Thanh tra Bộ NN&PTNT ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng.

Trong quyết định xử phạt này, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu cơ quan Thú y vùng II giám sát việc khắc phục hậu quả lô hàng nói trên, đồng thời thực hiện theo Văn bản số 1574/TY-KD ngày 18/9/2009 của Cục Thú y về quản lý, giám sát, xử lý, tiêu thụ sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu làm thực phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc phải yêu cầu chủ hàng làm thủ tục tái xuất, hoặc tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngày 11/10, Thanh tra Bộ mới ra quyết định xử phạt, thì từ trước đó 6 ngày (ngày 4/10), Cục Thú y đã có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH Thực phẩm cao cấp chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 5,5 tấn thịt bò trên làm thức ăn chăn nuôi.

Đáng chú ý, trong văn bản ngày 18/9 của cơ quan Thú y vùng II, chính cơ quan này đã đề xuất các cách xử lý: Tốt nhất là tái xuất toàn bộ lô hàng; nếu nhập khẩu phải thay đổi mục đích sử dụng cho toàn bộ lô hàng (không dùng làm thực phẩm cho người); tiêu hủy toàn bộ lô hàng; và điều cuối cùng mới là làm theo đề nghị của doanh nghiệp (DN), chọn ra 2 loại thịt không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu làm thực phẩm cho người để tiêu hủy, hoặc làm thức ăn chăn nuôi, thì phải báo cáo bằng văn bản, nêu rõ kế hoạch, cách thức chọn loại và xử lý... đảm bảo việc chọn loại thật chặt chẽ. Như vậy, không phải cơ quan Thú y vùng II không hiểu quy định, không hiểu thế nào là “tốt nhất”. Tuy nhiên, không hiểu sao họ đã chọn phương án không tốt nhất.

Trả lời câu hỏi vì sao lại cấp giấy kiểm dịch, cho chuyển đổi mục đích sử dụng và cho thông quan toàn bộ lô hàng trên khi chưa có quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ, ông Đoàn Thành Lũy - Giám đốc cơ quan Thú y vùng II cho biết: “Thanh tra toàn ngồi làm luật ở “trên mây”. Họ làm luật nhưng nhiều khi có nắm hết các quy định đâu. Có khi còn phải hỏi chúng tôi. Bắt DN phải tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thú y đó sao được? Đó đều là thực phẩm cao cấp?”. Vậy là văn bản sai hay người thực hiện sai? Nếu ra các quy định để không tuân thủ, thì quy định để làm gì?

Lực lượng liên ngành kiểm tra VSATTP một cơ sở kinh doanh. (Ảnh minh họa).

Không phải là việc cá biệt

Để làm rõ sự việc này, chúng tôi đã liên hệ ông Trần Đình Luân - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN & PTNT). Ông Luân cho biết, việc lấy mẫu lần 3 là thực hiện theo yêu cầu của công ty, để tránh tổn thất cho DN?! Căn cứ để làm việc này ông Luân trích dẫn theo điểm b, khoản 6, điều 28, Pháp lệnh Thú y năm 2004, trong đó quy định “Trả sản phẩm động vật về nơi xuất xứ, hoặc xử lý theo quy định của pháp luật; sau khi xử lý, nếu đạt yêu cầu thì cho nhập khẩu”.

Khi được hỏi, Cục căn cứ vào quy định nào để cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng số thực phẩm không đạt tiêu chuẩn đó, ông Trần Đình Luân tiếp tục dẫn điều khoản trên. Tuy nhiên, trong tất cả các văn bản trên, không có điều khoản nào nói rằng được kiểm định lần 3 và được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Việc Cục Thú y cho thông quan lô hàng không đạt chuẩn trước khi có quyết định xử phạt hành chính, cũng như biện pháp khắc phục của Thanh tra Bộ NN&PTNT được lãnh đạo Cục này lý giải không phải cố tình thực hiện sai, mà là do các đơn vị phối hợp chưa tốt. “Phía Thanh tra Bộ ra quyết định xử phạt hành chính, còn cơ quan chuyên môn như chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp xử lý về chuyên môn, kỹ thuật” - ông Luân cho biết. Không dừng lại ở đó, ông Luân còn tiết lộ một thông tin sẽ làm người tiêu dùng choáng váng: “Không phải chỉ lô hàng của DN này đâu, mọi DN khác đều vậy”!

Bộ NN & PTNT là cơ quan được giao kiểm soát về an toàn đối với các lô hàng thực phẩm nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng, với các văn bản pháp quy được chính họ xây dựng lên làm căn cứ. Tuy nhiên, cũng chính các cán bộ của họ lại sẵn sàng bẻ rào quy định để nới tay chỗ nọ, lỏng tay chỗ kia thì ra quy định để làm gì? Còn đâu là tính nghiêm minh của luật pháp

N. Yến - V. Hân
.
.
.