Sáng tối thương trường:

Quá nhiều văn bản pháp luật, vi phạm vẫn tràn lan!

Thứ Năm, 01/03/2012, 16:00
Theo thống kê của Bộ Tư pháp hiện có hơn 300 văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được ban hành. Mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này cũng đã được nâng lên tới 500 triệu đồng. Tuy nhiên trên thực tế vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn rất bức xúc.

Tương tự, một lĩnh vực khác hiện cũng rất nóng là vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện có hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh lĩnh vực này như Luật Thương mại, Luật Tiêu chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay có nguyên nhân từ sự bất cập của các văn bản pháp luật về lĩnh vực này. Tình trạng một sản phẩm thực phẩm chịu sự quản lý và giám sát cùng lúc của 3-4 bộ, ngành khác nhau dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Thống kê của Vụ Pháp chế  - Bộ Y tế chỉ ra rằng riêng lĩnh vực này đã có tới hàng trăm văn bản khác nhau để điều chỉnh. Trong đó riêng các bộ, ngành đã ban hành tới 211 văn bản và các địa phương cũng ban hành tới… 930 văn bản chỉ đạo.

Văn bản chồng lên văn bản. Ngoài tình trạng chồng chéo và thiếu thống nhất, vấn đề quan trọng là hiệu quả quản lý thấp, không đi vào cuộc sống. Một ví dụ nhỏ như nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, họp chợ đang gây nhiều bức xúc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM theo quy định có thể bị xử phạt tới 25-30 triệu đồng/lần.

Tuy nhiên thực tế theo lãnh đạo một Đội CSGT Công an TP Hà Nội chia sẻ: rất ít khi các cơ quan chức năng có thể xử phạt được đúng như quy định nên vi phạm này vẫn tràn lan. Rồi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã được ban hành. Trên thực tế tại các địa điểm công cộng, đặc biệt như bến tàu, bến xe, bệnh viện, công sở… vi phạm này vẫn diễn ra và không có ai kiểm tra, phạt.

Hay như quy định về việc các cơ sở kinh doanh hàng hóa phải niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết đã có từ lâu, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Thế nhưng thực tế tại hầu hết các cơ sở kinh doanh, các chợ vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến…

Nhiều văn bản thiếu tính thực thi nên kỷ cương, phép nước vẫn chưa nghiêm. Bên cạnh việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sát với thực tiễn cuộc sống thì việc triển khai thực hiện là vấn đề rất quan trọng cần được đẩy mạnh. Có như vậy thì luật mới có thể đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi tích cực đối với xã hội

Hà Thành
.
.
.