Quá nhẹ trong xử phạt sản xuất, kinh doành rượu và thuốc lá

Thứ Bảy, 24/05/2008, 09:10
Theo ông Nguyễn Thái Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam: Nguyên nhân chính vẫn là do mức xử phạt hành chính trong sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá hiện nay còn quá nhẹ, chỉ mới dừng lại ở tính chất răn đe khiến các đối tượng vừa bị phạt xong lại tiếp tục tái phạm.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng như hiện nay, các chuyên gia dự báo, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các loại tội phạm khác sẽ có những diễn biến hết sức phức tạp, thủ đoạn tinh vi và mang nhiều yếu tố nước ngoài.

Hơn nữa, thuế suất nhập khẩu rượu và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu và thuốc lá đều tăng sẽ là một trong những yếu tố làm gia tăng nạn buôn lậu đối với hai mặt hàng này.

Để tiếp tục hạn chế những bất cập và hoàn thiện cơ chế chính sách, sáng 23/5 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.

Công nghệ nhập lậu và "làm giả như thật"

Theo kết quả điều tra của Cục Quản lý thị trường, các biểu hiện chính đối với rượu nhập lậu vẫn là rượu không dán tem, sử dụng tem quay vòng, tem giả, sử dụng tem của các loại nồng độ thấp và dán vào rượu có nồng độ cao. Hiện nay, nguồn rượu lậu được nhập từ các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái về Hà Nội; từ Đông Hà (Quảng Trị), các cửa khẩu phía Tây Nam đưa về tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, loại rượu này thường không có tem.

Trong quá trình vận chuyển, các chủ hàng thường sử dụng tem rượu giả sản xuất và nhập lậu từ Trung Quốc với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/chiếc. Đối tượng tập kết hàng ở các vùng ven biên giới, sau đó xé nhỏ rồi đưa vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hợp thức hoá bằng các tem rượu giả, tem quay vòng để bày bán tại cửa hàng, nhà hàng, vũ trường.

Công tác kiểm tra của các lực lượng chức năng cũng cho thấy, đến nay, trên cả nước vẫn chưa phát hiện được vụ sản xuất thuốc lá giả nào mà chủ yếu là thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan… được nhập lậu qua biên giới phía Bắc.

Thủ đoạn vận chuyển vẫn là mang, vác, xé lẻ cất giấu trong người, cắt đường rừng hoặc cất giấu trong các loại hàng hoá khác rồi mang về nội địa bằng nhiều phương tiện như xe khách, xe tải, tàu thủy và cả xe gắn máy. Đặc biệt, việc vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe gắn máy phân khối lớn với tốc độ rất cao, khó bắt giữ vì dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của các lực lượng chức năng và người đi đường.

Thủ đoạn sản xuất rượu giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng làm giả chủ yếu là dùng một số rượu rẻ tiền bán trên thị trường, pha với hương liệu, nước đường nấu lên để tạo màu, tạo mùi đặc biệt.

Nhiều đối tượng làm rượu ngoại bằng cách pha trộn rượu của Công ty Rượu Hà Nội (Halico) với khoảng 20% rượu ngoại thật và chất tạo màu làm từ kẹo đắng, đóng vào vỏ các chai rượu ngoại, dán tem rượu thật quay vòng hoặc tem rượu giả.

Cá biệt, còn có đối tượng mua men rượu pha với hương liệu axitaxetic, cồn 90 độ, nước lã rồi ủ khoảng từ 2 đến 3 ngày, sau đó đóng vào chai. Một số loại rượu bổ, rượu rắn Trung Hoa, các đối tượng cũng làm giả bằng cách dùng cồn thực phẩm 90 độ pha với nước lã, một ít thuốc bắc rẻ tiền và thêm ít rượu rắn thật để thành "rượu thứ thiệt" và đóng vào các chai rượu "xịn" đã qua sử dụng.

Càng ngày cách làm giả còn tinh vi hơn với việc các cơ sở làm rượu lậu nhập nút chai và sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc. Cũng có đối tượng làm rượu giả bằng cách rút ra 50% rượu thật rồi pha 50% rượu giả vào. Với cách thức sản xuất này, hàng nghìn chai rượu ngoại hiệu Hennessy, Chivas, Johnnie Walker… đã được làm giả.

Nguồn cung cấp chai cho các lò rượu giả hiện nay chủ yếu ở các vũ trường, nhà hàng. Chỉ cần với một máy ép bằng tay với bộ khuôn và nhôm cán mỏng, sơn nhũ vàng hoặc xanh, đen tuỳ theo loại rượu, mỗi người thợ có thể cho ra cả trăm sản phẩm mỗi ngày.

Những tiết lộ của những người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh rượu ngoại nhập lậu cho thấy: Rượu giả tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh với khoảng 100.000 chai/tháng, trong đó 3/4 rượu này được bán tại nhà hàng, vũ trường.

Xử lý xong, đâu lại vào đấy

Theo thống kê của Hiệp hội Rượu - Bia và Nước giải khát Việt Nam (VBA), mỗi năm lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam ở mức 462 triệu lít, chủ yếu là rượu dân nấu, rượu sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 17,7% (đã bao gồm cả rượu cốt nhập khẩu đóng chai tại Việt Nam); rượu ngoại được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam chiếm 19 triệu lít, trong đó 60% là rượu giả và nhập lậu.

Riêng các sản phẩm của Công ty Rượu Hà Nội, tính đến thời điểm này đã có hơn 50 cơ sở làm giả, làm nhái. Thuốc lá nhập lậu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Thái Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng: Nguyên nhân chính vẫn là do mức xử phạt hành chính trong sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá hiện nay còn quá nhẹ, chỉ mới dừng lại ở tính chất răn đe khiến các đối tượng vừa bị phạt xong lại tiếp tục tái phạm.

Theo Nghị định, các đối tượng vận chuyển buôn bán thuốc lá lậu có giá trị hàng hoá trên 100 triệu đồng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên các đối tượng buôn lậu thường xé lẻ hàng hoá để đối phó. Và trên thực tế là trong suốt những năm qua, trên cả nước chưa khởi tố được vụ án buôn lậu thuốc lá nào trên 100 triệu.

Mặt khác, các lực lượng chức năng chống buôn lậu chưa đánh trúng được các "chủ đầu nậu, đường dây, ổ nhóm" buôn bán rượu ngoại, thuốc lá ngoại nhập lậu. Việc kiểm tra xử lý mới chỉ dừng lại ở mức các hộ buôn bán nhỏ lẻ, cửu vạn tại các vùng biên giới. Tại các khu vực chợ biên giới, cửa khẩu, công tác quản lý các hộ kinh doanh buôn chuyến còn thiếu chặt chẽ.

Tại các đô thị, trung tâm thương mại, rượu nhập lậu, thuốc lá ngoại nhập tuy không công khai nhưng khi khách hàng cần thì vẫn được "cung ứng" tức thì. Các chợ bán buôn vẫn lén lút mua bán và cấp hàng cho các tỉnh.

Tình hình buôn lậu chỉ giảm xuống khi có chiến dịch kiểm tra nhưng kiểm tra xong, đâu lại vào đấy. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore… đều áp dụng mức phạt rất nặng đến mức các đối tượng vi phạm không còn cơ hội và không dám tái phạm.

Các ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Hội thảo đều thống nhất, cần nâng cao mức xử phạt đối với các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả và bổ sung thêm những mức hình phạt mới.

Thực tế những năm gần đây đã cho thấy, ở các tỉnh phía Nam như Sóc Trăng, Hậu Giang đã xuất hiện nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc rượu. Do vậy, cần phải có quy định thêm về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu sự việc xảy ra nghiêm trọng như gây ảnh hưởng đến tính mạng cần phải xử lý ở mức độ cao hơn, chứ không thể chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị mức thuế TTĐB sắp tới sẽ được điều chỉnh ở mức độ hợp lý để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển kinh doanh, đầu tư thiết bị và công nghệ, tăng sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Nhà nước không bị thất thu thuế, đảm bảo an ninh lương thực

Hoàng Mai
.
.
.