Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng:

Quả đắng không chỉ cho ngân hàng

Chủ Nhật, 30/06/2013, 18:24
Cho vay ẩu, thẩm định tín dụng không đúng quy định, tiêu cực, tham nhũng, nhận tiền lót tay để giải ngân vốn không đủ điều kiện… đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Đồng thời đặt các ngân hàng (NH) trước một khó khăn lớn: nợ xấu trầm trọng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tỷ trọng lớn, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Để làm rõ những nguyên nhân của tình trạng này, góp phần đề xuất những giải pháp nhằm phòng ngừa tội phạm hoạt động trong lĩnh vực NH, bịt các kẽ hở trong hoạt động tín dụng, hạn chế, rủi ro trong nghiệp vụ NH; bảo vệ an toàn cho hoạt động tài chính - NH nói riêng và nền kinh tế nói chung, Báo CAND có chuyên đề làm sáng tỏ hơn các vấn đề trên.

Trong thực tế, hành vi vi phạm quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng xảy ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn khác nhau. Các màn “ảo thuật” được thực hiện trót lọt một phần do các đối tác vay sử dụng các chiêu trò bịt mắt cán bộ tín dụng, một phần do các NH buông lỏng quản lý, phần khác do việc kiểm soát thiếu chặt chẽ và những sơ hở của cán bộ thẩm định và cũng không loại trừ việc nhận “bôi trơn” để làm ẩu, làm bừa. Bên cạnh đó, cuộc đua tranh tăng dư nợ giữa các NH cũng là một tác nhân…

Hệ lụy của tình trạng trên là tài sản “ảo” hoặc đã được nâng cao giá trị thực để vay những món tiền lớn, dẫn đến khó đòi thành… nợ xấu. Nhiều NH phải lãnh đủ hậu quả bởi chính sự quản lý lỏng lẻo, sơ hở của mình...

Thế chấp một cho vay mười

Chúng tôi bắt đầu từ câu chuyện xảy ra tại Công ty cổ phần Thép Sông Hồng, chi nhánh đặt tại phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ). Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc kiểm soát thiếu chặt chẽ và sơ hở của cán bộ NH trong việc cho vay ẩu.

Theo thông tin từ Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV (PC46), Công an tỉnh Phú Thọ thì đến thời điểm này, Công ty cổ phần Thép Sông Hồng mất khả năng thanh khoản, lên tới 354 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản đảm bảo công ty này dùng để thế chấp 5 NH vay tiền gồm một nhà kho cùng với một đống thép bắt đầu hoen gỉ chỉ có giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Khi sự việc này bị vỡ lở, 5 NH này buộc phải cử bảo vệ “mắc võng” để trông giữ tài sản…

Sự việc xảy ra tại Công ty cổ phần Thép Sông Hồng để lại “quả đắng” cho các NH cũng là tình trạng chung của một số NH hiện nay trên cả nước, họ đang phải lãnh hậu quả từ chính sự sơ hở trong quản lý của chính mình! 

Tình trạng người vay chỉ thế chấp 1 nhưng NH cho vay đến 10, thậm chí nhiều hơn ở TP Hồ Chí Minh cũng đã được phát hiện khá nhiều thời gian qua. Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua khi Tòa phúc thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án hình sự với các đối tượng Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Thị Chí Sương, trú tại quận 2 về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ vụ việc này đã “lòi” ra sai phạm liên quan đến Chi nhánh NH NN&PTNT quận 1 trong việc thế chấp và cho vay. Cụ thể, năm 2009, chi nhánh này ký hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 với 2 đối tượng trên để cho một người khác vay số tiền 6 tỷ đồng.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông vừa là nạn nhân và là thủ phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Văn Thành)

Tháng 8/2010, chi nhánh này lại ký thêm một hợp đồng nữa để cho Tình và Sương vay thêm 6 tỷ 650 triệu đồng. Dù 2 lần ký hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo để cho vay với số tiền lên đến 12,65 tỷ đồng, nhưng phía chi nhánh NH đã không thực hiện các thủ tục đăng ký xóa thế chấp và đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo.

Chuyện thật như đùa là cả 5 thửa đất ở Đồng Nai mà 2 đối tượng Tình, Sương đưa vào thế chấp dù có tổng diện tích lên tới 102.200m2 nhưng đều là đất nông nghiệp. Chính do không thực hiện đúng quy định, nên chi nhánh này đã không hề biết rằng trước đó, tháng 11/2007, Tình, Sương cũng đã thế chấp cho bà TTHY ở phường Tân Tiến, TP Biên Hòa để vay một số tiền lớn.

Thời điểm Tình, Sương đem thế chấp cho Chi nhánh NH NN&PTNT quận 1 để vay số tiền trên, khu đất đã có thông báo quy hoạch dự án khu dân cư; thông báo bồi thường giải tỏa; đất đang có tranh chấp đã có quyết định khởi tố vụ án, nên không thuộc diện được thế chấp cho vay vốn.

Đã vậy, khu đất này còn được phía NH cho thẩm định, nâng giá trị đất thực tế từ 80.000 đồng/m2 lên 188.000 đồng/m2 để giải quyết cho vay; cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế tại thời điểm cho vay…

Nhiều ngân hàng lãnh đủ

Mấy năm gần đây, cùng với chiều hướng suy thoái chung của nền kinh tế thế giới và khu vực, kinh tế nước ta cũng rơi vào thời kỳ khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng tồn kho lớn, thị trường vàng “nhảy múa”, bất động sản, chứng khoán ảm đạm cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác đã làm gia tăng hoạt động của tội phạm kinh tế, đặc biệt là tội phạm hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Những vụ việc được phát hiện, phanh phui cho thấy thiệt hại là cực kỳ lớn, với số tiền lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Nhìn vào bức tranh tối màu này, có thể thấy hầu hết các NH thương mại đều “dính chưởng”, ít là vài trăm tỷ, nhiều lên đến cả ngàn tỷ đồng. Có thể liệt kê một số vụ nổi đình nổi đám trong thời gian gần đây, như vụ Nguyễn Đức Kiên bằng thủ đoạn "lấy mỡ nó rán nó" gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro của một ngân hàng, chi nhánh TP Hồ Chí Minh và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác gần 5.000 tỷ đồng; vụ một chi nhánh của NHNN& PTNT đã nhận thế chấp ảo (quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang mua từ nước ngoài) để DN rút ruột và nguy cơ mất trắng cả nghìn tỷ; vụ cho vay 1.058 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Ðắk Lắk - Ðắk Nông; vụ Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên Giám đốc NH NN&PTNT Chi nhánh Bến Thành, TP Hồ Chí Minh và đồng bọn lập hồ sơ, ký một số hợp đồng tín dụng trái quy định vay 31.000 chỉ vàng của chính NH này, gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng….

Những thiệt hại này không chỉ các NH lãnh đủ, mà nó còn gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước. Nhiều cán bộ tín dụng đã “cõng rắn cắn gà nhà”, làm tay trong cho các DN, dựng lên những khối tài sản thế chấp ảo để vay tiền NH gây thiệt hại cả trăm, cả ngàn tỷ đồng. Đến bây giờ nhiều người còn chưa quên vụ dự án Khu dân cư Phú Quang đã có quyết định thu hồi nhưng vẫn được đem ra thế chấp để vay hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại huyện Thuận An (Bình Dương).

Một số ngân hàng dính “quả đắng” từ sơ hở của chính mình (ảnh minh hoạ). (Ảnh: Đức Thắng)

“Người” lãnh trái đắng là Công ty Tài chính Dầu khí – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (PVFC-HCM). Chủ dự án sau đó bỏ trốn biệt tăm ôm theo khoản nợ 136,6 tỷ đồng vay của PVFC-HCM cùng cả trăm tỷ đồng của người góp vốn mua nền đất đã làm rúng động dư luận suốt một thời gian dài. 

Theo một báo cáo mới nhất của Bộ Công an, chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 6/2012, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện và điều tra hơn 104 vụ phạm tội trong lĩnh vực NH, thiệt hại hơn 9.100 tỷ đồng, thu hồi trên 2.000 tỷ đồng, trong đó khởi tố 70 cán bộ NH.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV (C46), Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, tội phạm trong lĩnh vực NH vẫn tiếp tục gia tăng, với 21 vụ, số tiền bị thiệt hại 1.440 tỷ đồng...

Điều đó cho thấy tội phạm trong lĩnh vực NH nói chung, vi phạm cho vay trong tổ chức tín dụng nói riêng đã và đang diễn biến phức tạp, trở thành yếu tố gây nguy hiểm nhất gây mất an ninh, an toàn của hệ thống NH và sự ổn định của cả nền kinh tế.

Một số vụ án lớn về tội phạm tài chính – ngân hàng gây thiệt hại “khủng” trong thời gian gần đây:

1. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro của một NH thương mại, chi nhánh TP Hồ Chí Minh và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, cho vay lãi nặng; vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng lừa đảo, chiếm đoạt của các ngân hàng khác gần 5.000 tỷ đồng.

2. Vụ Công ty TNHH Công Chính và Công ty TNHH XNK và DV Thái Nguyên tại Lâm Đồng lừa đảo chiếm đoạt khoảng 600 tỷ đồng của NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam.

3. Vụ Phan Thành Chính, Phan Thành Lập, chủ 2 doanh nghiệp đã giả mạo hồ sơ vay vốn, với sự đồng phạm của một số cán bộ lãnh đạo NH Techcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng của NH này.

4. Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (Công ty ALCII) lợi dụng chức vụ, làm thiệt hại gần 400 tỷ đồng.

5. Vụ 13 bị can trong vụ "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và nhận hối lộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền hơn 1.058 tỷ đồng xảy ra tại NH Phát triển Việt Nam chi nhánh Ðắk Lắk - Ðắk Nông, NH Thương mại cổ phần Phương Ðông và NH Thương mại cổ phần Nam Á (chi nhánh tại Hà Nội).

6. Vụ Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc NH SeaBank chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội thông đồng với một số đối tượng chiếm đoạt và gây thiệt hại 310 tỷ đồng.

M.Hà – L.Thúy – X.Mai – Đ.Thắng
.
.
.