“Phút 89” cho dự án 6,7 tỷ USD sau nhiều năm bị “treo”

Thứ Tư, 31/07/2013, 23:55
Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang vào ngày 29/7 vừa qua cho biết đang hoàn tất thủ tục trình Chính phủ xem xét xử lý dứt điểm đối với dự án (DA) Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương (tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) do Công ty CP năng lượng Tân Tạo (ITACO, thuộc Tập đoàn Tân Tạo) làm chủ đầu tư, theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh.

Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã có Thông báo số 82/TB-VP truyền đạt kết luận của Thường trực UBND tỉnh, cho biết đến ngày 30/6, ITACO phải có quyết định cuối cùng về việc triển khai tiếp tục đầu tư hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư DA. Thế nhưng hết thời hạn kể trên, nhà đầu tư vẫn chưa có động thái tích cực nào…

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, đầu tháng 7/2007, ITACO xin đầu tư KCN, Khu đô thị, Nhà máy Nhiệt điện than (4.400 MW) và cảng biển nước sâu tại Khu kinh tế huyện Kiên Lương. Từ tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, tháng 8/2008, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư DA Trung tâm Nhiệt điện than Kiên Lương.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư mà UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp cho ITACO, DA nằm trên diện tích gần 556 ha, trong đó, khu vực Trung tâm Nhiệt điện than Kiên Lương 203,5 ha, diện tích mặt nước cảng biển 300,6 ha và bãi thải xỉ 51,8 ha.

Siêu dự án vẫn hoang phế sau nhiều năm.

DA được thiết kế với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh gồm sân đậu trực thăng, công viên cây xanh, khu tái định cư 18ha, nhà ở chuyên gia. Theo kế hoạch lúc bấy giờ, đến cuối năm 2013, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1, công suất 1.200 MW sẽ phát điện để hòa vào lưới điện quốc gia.

Thế nhưng thực tế, sau 5 năm triển khai, DA nhiệt điện Kiên Lương 1 vẫn là một khu đất hoang. Báo cáo gần đây nhất của ITACO cho biết sau khi được giao DA, ITACO đã tiến hành san lấp khoảng 88 ha diện tích mặt bằng, đóng 6,5/8km cừ vây tạo đê bao tuyến biển, đồng thời tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân phải di dời thuộc khu vực DA. Tuy nhiên, từ tháng 8/2010 đến nay, DA đã “ngủ yên”.

Giải thích với địa phương về sự “ngủ yên” của siêu DA, trong một văn bản gửi UBND tỉnh, Tổng Giám đốc ITACO, ông Thái Văn Mến cho biết, một số ngân hàng ở nước ngoài đã đồng ý cho vay, thống nhất về điều khoản vay với Tập đoàn Tân Tạo để tiếp tục triển khai DA. Thế nhưng yêu cầu từ phía đối tác là phải có sự thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU) Việt Nam và hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (?).

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang ban đầu, DA Trung tâm Điện lực Kiên Lương do Công ty Tài nguyên Ensham (Australia) khởi xướng; nối tiếp sau đó, cùng liên kết điều hành là Tập đoàn Sojitz và Tổng Công ty Điện lực Kyushu (Nhật Bản). DA được UBND tỉnh Kiên Giang chính thức trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư vào năm 2006.

Theo đó, tổng vốn đầu tư cho DA này là 5,57 tỷ USD, với hình thức BOT. Thời gian thực hiện DA chia làm 3 giai đoạn, trong đó dự kiến giai đoạn đầu khởi công xây dựng vào cuối năm 2008, đưa vào vận hành năm 2012. Vốn đầu tư giai đoạn đầu của DA (1.200 MW), kể cả đầu tư kênh nước sâu và cảng than là 2,07 tỷ USD.

Sau khi DA được giao về cho Tập đoàn Tân Tạo, Tập đoàn Sojitz và Tổng Công ty Điện lực Kyushu vẫn kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận cho đầu tư giai đoạn 1 Trung tâm Nhiệt điện than Kiên Lương 1.200 MW, với 100% vốn nước ngoài.

Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Kiên Giang, ông Lê Khắc Ghi cho rằng dù theo hình thức BOO (tức đầu tư xây dựng - vận hành - sở hữu) hay BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), theo quy định thì chủ đầu tư phải đủ 20% vốn tự có (hơn 1,4 tỷ USD) mới có thể được xem xét vay vốn. Hơn nữa, việc bảo lãnh của Chính phủ cho DNTN vay vốn nước ngoài không nằm trong quy định của pháp luật và chưa có tiền lệ. Chính vì thế, trong buổi làm việc vào cuối tháng 2-2013 với ITACO quanh việc này, lãnh đạo UBND tỉnh từng đề nghị DN chủ động làm việc với Bộ, ngành TW để báo cáo Chính phủ quyết định.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết tại buổi làm việc với Kiên Giang vào giữa tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng dự án nhiệt điện Kiên Lương chậm tiến độ đã ảnh hưởng rất lớn đến Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 bởi theo nhận định việc cấp điện cho khu vực phía Nam sẽ hết sức căng thẳng trong thời gian tới.

Trong buổi làm việc này, ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết theo lộ trình, DA nhiệt điện Kiên Lương đã phải xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để có thể bắt đầu phát điện từ năm 2018 hoặc 2019. Thời gian qua, Bộ Công thương đã nhiều lần gặp gỡ, và có gửi văn bản yêu cầu Tập đoàn Tân Tạo trả lời có triển khai hay không nhưng từ tháng 5/2012 đến nay, Bộ chưa nhận được phản hồi.

Từ thực tế vừa kể, Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu Kiên Giang có văn bản đề nghị Chính phủ tìm nhà đầu tư khác cho DA.

Bộ trưởng Bộ Công thương còn cho biết hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có đủ tiềm lực tài chính đến từ Pháp, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc... quan tâm đến dự án này. Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang vào chiều 30/7 xác nhận thêm, tính đến thời điểm này đã có ít nhất 4 nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông, Anh, Pháp chính thức có văn bản thể hiện mong muốn được đầu tư vào DA Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương. Gần đây nhất là Tập đoàn Điện lực Pháp vừa sang thăm, làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang vào sáng 26/7 vừa qua

Binh Huyền
.
.
.