Phiên đấu giá 24 tấn tê tê vô chủ kỳ lạ

Thứ Hai, 01/09/2008, 11:59
Cuối cùng, lô hàng vô chủ gần 1 tấn vảy và trên 24 tấn tê tê đông lạnh do Hải quan Hải Phòng bắt giữ hồi tháng 2/2008 cũng đã được đem ra đấu giá. Nhưng đây là phiên đấu giá hơi lạ bởi không ít đơn vị tham gia đấu giá đã bị loại ngay từ "vòng gửi xe". Cũng chẳng có những cuộc "rượt đuổi giá" nảy lửa.

Chỉ mất chừng vài phút để 3 đơn vị, 3 lần ra giá, không ai trả treo ai. Phần còn lại chỉ là những thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ bàn giao cho người thắng cuộc.

Lật lại hồ sơ cũ

Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 2/2008, các đơn vị thuộc Hải quan Hải Phòng đã phát hiện 2 vụ nghi vấn nhập khẩu trái phép động vật hoang dã với số lượng lớn vào cảng Hải Phòng.

Qua kiểm tra hồ sơ, 2 lô hàng nói trên đều do Công ty Talu (Móng Cái - Quảng Ninh) khai báo ban đầu (tờ khai hải quan) là cá đao đông lạnh có nguồn gốc từ Indonesia, tạm nhập về Hải Phòng bằng đường tàu biển để tái xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, qua những thông tin thu thập được, các lực lượng hải quan đã xác định đây là lô hàng có "vấn đề".

Thực hiện theo quyết định của Cục trưởng Hải quan Hải Phòng, lệnh kiểm tra thực tế các lô hàng này đã dễ dàng làm sáng tỏ điều nghi vấn. Thì ra cá đao chỉ là hình thức nguỵ trang. Giá trị đích thực của lô hàng này gồm trên 24.035kg tê tê đã qua sơ chế cấp đông và 920kg vảy tê tê.

Theo công ước quốc tế Citecs, đây là nhóm hàng thuộc danh sách II nhóm động vật hoang dã cần được bảo vệ. Do đó, việc buôn bán vận chuyển chúng không kèm theo hồ sơ nguồn gốc coi như vi phạm pháp luật.

Ngay tại thời điểm đó đã có thể xác định Công ty Talu, đại diện chủ hàng phải là đơn vị chịu toàn bộ trách nhiệm về việc nhập khẩu trái phép lô hàng vảy và tê tê đông lạnh. Nhưng không hiểu sao, quá trình điều tra bổ sung, Talu từ nghi can trở thành vô can chỉ với một mẫu lời khai: Không biết!

Vai trò của chủ hàng coi như xong. Tiếp theo là giải pháp xử lý hàng hóa vi phạm. Về nguyên tắc, trong trường hợp này, hướng tịch thu tiêu hủy thường được tính đến. Nhưng vào giờ chót,  phương án cuối cùng được phán quyết là ra quyết định tịch thu để bán đấu giá.

Loại ngay từ vòng... "gửi xe"

Thực hiện hướng xử lý tang vật nêu trên, thành phố đã giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tiến hành các thủ tục cần thiết như thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, xác định giá sàn của lô hàng 5,7 tỷ đồng, tiếp nhận, phân loại hồ sơ, thành lập hội đồng và mở phiên đấu giá.

Xét thấy giá sàn như vậy là quá thấp so với giá thị trường (khoảng 2 triệu đồng một kilôgam tê tê tươi sống, vảy tê tê vô giá, thấp nhất cũng 2 triệu/kg), nhiều doanh nghiệp, thương nhân nung nấu ý định "quyết đấu" giành thắng lợi để kiếm một khoản thu nhập đáng kể.

Tiêu chí đặt ra là: ưu tiên cho các doanh nghiệp địa phương, trong nước có chức năng chế biến đông dược chứ không phải thương mại. Mặc dù vậy, vẫn có hàng chục bộ hồ sơ làm đủ các thủ tục chứng minh họ có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của Hội đồng đấu giá.

Gần sát ngày đấu giá chính thức (20/8/2008), một quy định khác được bổ sung: Đơn vị nào muốn lên "đấu trường tê tê" cần phải nộp ngay 1 tỷ đồng tiền mặt để đặt cọc tại Chi nhánh Ngân hàng Techcombank quận Kiến An. Rất nhiều người bị bất ngờ bởi quy định này, và vì quá gấp, không dễ gì xoay xở đủ lượng tiền mặt quá lớn nên không cần công bố, hàng chục nhà thầu tự biết mình đã bị loại.

Như vậy, đến giờ chót chỉ còn 3 đơn vị tham gia đấu giá gồm 1 ở Hải Phòng, 1 ở Thái Nguyên và 1 ở TP Hồ Chí Minh. Suốt cả buổi tối trước ngày chính thức mở phiên đấu giá, điện thoại của người đại diện đơn vị Hải Phòng liên tục đổ chuông bởi những số lạ.

Nội dung gọi chỉ xoay quanh việc yêu cầu Hải Phòng tự nguyện rút lui, "đối thủ" sẵn sàng bồi dưỡng một khoản tiền không nhỏ. Số tiền này được nâng dần sau mỗi lần phía Hải Phòng từ chối, từ 50 triệu lên đến 150 triệu đồng. Thấy không thuyết phục được phía Hải Phòng bỏ cuộc, các số máy lạ lại giở giọng có ý đe dọa.

Thế mới là "đấu... giá"

7h30' ngày 29/8, chiếc Santafe 7 chỗ đưa đoàn Hải Phòng đến vị trí. Đã có một "thông điệp" cho thấy: Hải Phòng muốn đấu giá thực sự. Chính vì vậy, một cuộc hội ý khẩn cấp với Hải Phòng đã được nhanh chóng dàn xếp tại quán bia cách cổng Trung tâm Đấu giá chừng 10m.

Điều khiển cuộc hội ý này là các tay "anh chị" đến từ Móng Cái để bảo vệ quyền lợi cho TP Hồ Chí Minh thắng thầu. Mở đầu, mấy "đại ca" nổi tiếng đất Cảng phân trần với đại diện Hải Phòng: Thực chất, đây là lô hàng của Móng Cái bị bắt, họ cần phải thắng để gỡ gạc lại những tổn thất quá lớn.

"Đại ca" khác đến từ Móng Cái nói trắng: để có được phiên đấu giá ngày hôm nay không phải là đơn giản. Tất cả đã xong xuôi chỉ vướng mỗi... đại diện Hải Phòng. "Đại ca" nọ giãi bày thêm rằng muốn mua lại lô hàng này cũng chỉ vì danh dự, giữ uy tín với đối tác Trung Quốc chứ không hề có lãi. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào họ cũng sẽ phải thắng. Nếu Hải Phòng thắng, chắc chắn cái dở nhiều hơn cái hay.

Dường như đến lúc đó, phía Hải Phòng mới nhận thức được rằng cuộc đấu giá này là "sân chơi" đã có chủ và chỉ có một người chơi, muốn đấu giá thực sự cũng không được nữa rồi, đành phải chấp nhận đề nghị của phía Móng Cái.

8h30' bên trong phòng đấu giá, phần mất thời gian nhất là các bước kiểm tra thủ tục hành chính. Còn phần "thi đấu" chỉ vỏn vẹn chưa đầy 5 phút. Lần thứ nhất, Hải Phòng ra giá đúng với giá sàn do Hội đồng đề ra: 5,725 tỷ đồng, bên Thái Nguyên thách giá cũng như giá sàn, TP Hồ Chí Minh (thực chất là đại diện pháp nhân cho Móng Cái) ra cao hơn 100 triệu. Lần thứ hai vẫn vậy. Hội đồng tuyên bố TP Hồ Chí Minh chiến thắng.

Là người theo dõi vụ án buôn lậu tê tê, chúng tôi rất quan tâm, háo hức mong chờ đến ngày đấu giá, vì đó là phần cuối cùng của vụ việc hy hữu này. Song, với những gì diễn ra như mô tả, dự phiên đấu giá tê tê xong cứ cảm thấy... buồn buồn

Lê Minh Triết
.
.
.