Sau 5 năm thực hiện Quyết định 127/QĐ-TTg:

Phát hiện, xử lý gần 63.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Thứ Tư, 13/12/2006, 08:06

Theo phân tích của ngành Công an thì trong 5 năm qua, hai mảng đặc biệt nổi trong loại tội phạm kinh tế là buôn lậu và buôn bán hàng cấm, với số lượng khoảng 40.000 vụ việc.

Sáng 12/12 tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan liên quan mở Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Các đồng chí: Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Phó trưởng Ban chỉ đạo 127 TW; lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cùng nhiều cán bộ lãnh đạo các ban, ngành khác đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

"Tôi đánh giá cao vai trò của lực lượng Công an!"

Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Phó trưởng Ban chỉ đạo 127 TW Phan Thế Ruệ đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng lời tâm sự như vậy. Cũng trong lời nói đầu này, ông đã chính thức ngỏ lời thăm hỏi tới toàn thể gia quyến, người thân của những cán bộ Công an nói riêng và cán bộ thuộc lực lượng tham gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung, có con em đã xả thân vì công tác gian nan, vất vả này trong thời gian vừa qua.

Với tư cách người tiếp cận một cách đầy đủ nhất về diễn biến tình hình chung của công tác chống buôn lậu trên phạm vi cả nước, ông Phan Thế Ruệ cho rằng: "Các vụ bắt giữ hàng lậu, hàng giả và hàng hoá gian lận thương mại nếu không có lực lượng Công an thường rất khó thành công".

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thì trong 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an cả nước đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 62.543 vụ với 64.693 đối tượng có hành vi buôn lậu, buôn bán, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại. Lực lượng Công an cũng đã thu giữ số hàng hoá với tổng trị giá xấp xỉ 2.100 tỷ đồng, truy thu phạt thuế buộc nộp vào ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.

Đã có gần 40.000 đối tượng trong 39.000 vụ việc bị xử lý hành chính, 2.680 đối tượng trong 1.641 vụ việc bị khởi tố bị can và đưa ra truy tố trước pháp luật. Lực lượng Công an cũng là đơn vị đã bắt giữ và chuyển cho các ngành khác xử lý hơn 21.000 vụ việc và 22.295 đối tượng liên quan đến hành vi nói trên.

Cũng theo phân tích của lực lượng Công an thì trong thời gian qua, hai mảng đặc biệt nổi trong loại tội phạm kinh tế này là buôn lậu và buôn bán hàng cấm, với số lượng khoảng 40.000 vụ việc. Các mảng khác như kinh doanh trái phép, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tuy ít hơn nhưng cũng nằm ở mức từ 2.000 đến 8.500 vụ việc.

Mặt hàng phổ biến thường xuyên bị buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại được chỉ rõ như hơn 310 tấn quần áo, gần 1.000 tấn vải, 12,2 triệu bao thuốc lá và 917,3 tấn thuốc lá rời, gần 1,2 triệu lít xăng dầu các loại. Hàng loạt vụ việc đã gây thiệt hại số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước đã bị các lực lượng Công an trong cả nước triệt phá.

Điển hình như vụ Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện Trần Thị Dung trú ở Trần Phú, Móng Cái (Quảng Ninh) cùng đồng bọn buôn lậu vàng và vận chuyển ngoại tệ qua biên giới trái phép, trong thời gian 2 năm đã vận chuyển ra nước ngoài khoảng 4 tấn vàng, trị giá trên 1.000 tỷ đồng; vụ buôn lậu tại Công ty Đông Nam (TP Hồ Chí Minh), phát hiện hành vi trốn thuế khoảng hơn 200 tỷ đồng của "đại gia" Nguyễn Gia Thiều...

Mới đây, hàng loạt vụ án kinh tế nổi cộm liên quan tới lĩnh vực buôn lậu và gian lận thương mại cũng đã được lực lượng Công an khám phá mà điển hình như vụ vận chuyển hơn 4.000 viên kim cương, đá màu các loại có trị giá hàng trăm tỷ đồng của các đối tượng Trần Bỉnh Tâm (66 tuổi, trú tại phường 12, quận 11) và Nguyễn Hữu Tài (40 tuổi, trú tại phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Vụ Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV phá chuyên án trốn thuế nhập khẩu với xe ôtô Hàn Quốc. Một số cá nhân ở Công ty TNHH Hà Hương, Công ty cổ phần Hoàng Loan và Công ty cổ phần Hưng Thịnh, đã lợi dụng chính sách ân hạn thuế nhập khẩu của Chính phủ để tiến hành nhập 93 xe ôtô các loại đã qua sử dụng về Việt Nam nhưng trốn thuế, gây thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng cho Nhà nước...

"Mặt trận" không tiếng súng nhưng... khắc nghiệt và đầy nguy hiểm

Trong lời tổng kết Hội nghị, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhắc tới một khái niệm có đại ý như vậy để nói về công việc của các cán bộ, chiến sỹ đang tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

Tính trong 5 năm vừa qua, đã có hàng chục cán bộ, chiến sỹ Công an phải hy sinh tính mạng, phải đổ máu cho việc giữ vững sự trong sạch và phát triển bền vững của nền kinh tế. Hàng loạt vụ chống người thi hành công vụ, tấn công lại lực lượng liên ngành đã xảy ra ở nhiều địa bàn như biên giới Tây Nam, An Giang, Kiên Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... Tất cả cũng là từ sự đụng chạm đến quyền lợi kinh tế của những đối tượng buôn gian bán lận, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm bản quyền, tác quyền mà người chiến sỹ Công an đang đứng ra bảo vệ.

Ví như 50 vụ bắt buôn lậu, xử lý hàng trốn thuế của lực lượng ANĐT Công an Hà Nội trong thời gian qua, nhiều vụ đã nhuốm máu đào của anh em cán bộ khi thực thi nhiệm vụ. Hàng chục vụ xử lý buôn lậu trên tàu trên tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ Công an đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình với những kẻ hung hãn.

Bên cạnh khen ngợi những chiến công, Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng phê phán và cảnh báo những cạm bẫy bất ngờ và đầy ngọt ngào mà người cán bộ Công an làm công tác chống buôn lậu luôn phải cảnh giác.

Theo Thứ trưởng thì những cạm bẫy đó, có lúc, có nơi đã khiến nhiều cán bộ của chúng ta phải trả giá đắt, bởi cuộc chiến này tuy thầm lặng, không tiếng súng nhưng đầy gay go, quyết liệt

Nguyễn Long
.
.
.