Nhái thương hiệu phân bón Năm Sao đem sang Campuchia tiêu thụ

Thứ Sáu, 15/07/2016, 08:42
Nhà máy phân bón Năm Sao ở Campuchia do Tập đoàn quốc tế Năm Sao Việt Nam đầu tư với số vốn hơn 80 triệu USD đã đi vào hoạt động từ hơn 4 năm nay. Sản phẩm của nhà máy cung cấp phần lớn lượng tiêu thụ phân bón cho bà con nông dân tại Campuchia và được Chính phủ nước bạn đánh giá cao.

Tuy nhiên, mới đây sản phẩm của nhà máy đã bị một số người lập công ty mạo danh, nhái logo, nhãn mác, bao bì... đặt hàng từ Việt Nam rồi đưa trở lại Campuchia, vốn là thị trường của phân bón Năm Sao gây dựng lâu nay để tiêu thụ, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng ở đây.

Từ lô hàng bị làm nhái

Theo đơn tố giác của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao và văn bản kiến nghị của Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam gửi đến Ban Chỉ đạo 389 Trung ương về lô hàng có dấu hiệu vi phạm nhãn mác theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, chiều 1-7, Hải quan cửa khẩu Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) dừng một chiếc ghe chở 480 tấn phân NPK 16-16-8+TE xuất phát từ Cảng Cần Giuộc, tỉnh Long An xuất khẩu sang Campuchia.  Ban Chỉ đạo 389 Trung ương yêu cầu Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra lô hàng trên do có dấu hiệu mạo danh, nhái logo, thương hiệu sản phẩm phân bón Năm Sao ở Campuchia..

Sản phẩm phân bón do ông Chonh thuê sản xuất rất dễ gây nhầm lẫn cho các đại lý và bà con nông dân Campuchia là phân bón Năm Sao.

Qua kiểm tra, lô hàng nói trên được xác định là của ông Chau Chonh (quê gốc An Giang), có quốc tịch Việt Nam và Campuchia, đặt hàng sản xuất gia công tại một Nhà máy phân bón tại Khu CN Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tuy nhiên, do khâu thủ tục thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tại chỗ gặp khó khăn, cần phải có sự tham gia của Hải quan cửa khẩu và Đồn Biên phòng huyện Hồng Ngự bằng văn bản trao đổi, nên cuối cùng lô hàng được thông quan.

Vì sao ông Chau Chonh lại là chủ nhân của lô hàng trên, khi chính ông đang là Phó Tổng giám đốc Nhà máy Phân bón Năm Sao Campuchia đặt tại xã Somrong, huyện Kiên svay, tỉnh Kandal. Được biết Nhà máy này thành lập vào năm 2012, sản xuất phân NPK một hạt bằng công nghệ Urê hóa lỏng, khi đó ông Chonh được tiếp nhận làm cán bộ, rồi đến tháng 7-2014 được giao giữ chức Phó TGĐ phụ trách kinh doanh tiếp thị, quản lý một hệ thống đại lý vật tư nông nghiệp phân phối rộng khắp 24 tỉnh thành Campuchia.

Thời gian gần đây, lợi dụng uy tín và thương hiệu phân bón Năm Sao Campuchia cùng với hệ thống đại lý phân bón truyền thống lâu nay, ông Chonh đã thành lập một Công ty “sân sau” có tên Pharlit Peanichkam Phkay Meas Antarakcheat Co.Ltd (trụ sở số 78 đường số 7, cư xá Borey Thmey Urban, Phnompenh) và cùng với ông  Đỗ Văn Long, cũng là Phó TGĐ Nhà máy phân bón Năm Sao-Campuchia phụ trách vật tư thực hiện việc thiết kế bao bì có lôgô tương tự phân bón Năm Sao-Campuchia. Sau đó hai ông về  Việt Nam thuê in, sản xuất, đóng gói với hai dòng sản phẩm NPK là 16-20-0-9.4S+2TE và NPK 16-16-8 +13S, sau đó đưa về thị trường Campuchia tiêu thụ.

Cần làm rõ và xử lý nghiêm

Tìm hiểu các cơ quan chức năng được biết, ông Chonh qua giới thiệu của ông Long, đã đến một nhà máy phân bón tại Khu CN Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, do đây đã và đang sản xuất phân NPK một hạt cũng bằng công nghệ Urê hóa lỏng. Ông Chonh đặt hàng với nhà máy này sản xuất phân NPK với giá bình quân là 7.800 đồng/kg. Ông Chonh chịu trách nhiệm cung cấp bao bì mẫu mã, còn phía nhà máy lo chi phí đầu vào (nguyên liệu, lao động, kỹ thuật) và sản xuất dựa trên công thức đã ký trong hợp đồng.

Tất nhiên khi sự vụ vỡ lở, giám đốc nhà máy phân bón này  lấy làm tiếc vì không hề biết ông Long là người của Nhà máy phân bón Năm Sao-Campuchia, đang giữ chức vụ cao trong Tập đoàn. Ông cam kết, từ đây sẽ chấm dứt mọi việc mua bán gia công sản xuất với đối tác là ông Chau Chonh.

Tuy nhiên theo chúng tôi sự việc không dừng lại ở đó. Thời gian qua, và ngay trong tháng 6-2016, ông Chau Chonh thông đồng với một số khách hàng bán ra một lượng lớn phân bón của Nhà máy trị giá hơn 430.000USD không thu được vì danh sách khách hàng mà ông đưa ra không hề có địa chỉ.

Việc làm của hai ông Long và Chau Chonh không chỉ làm thiệt hại cho nhà máy trước mắt cũng như lâu dài mà nghiêm trọng hơn nó làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp trong hợp tác kinh tế hai quốc gia Việt Nam – Campuchia. Đề nghị cơ quan chức năng hai nước phối hợp điều tra làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc này.

PV
.
.
.