Phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng dự trữ trong dân

Thứ Sáu, 05/10/2012, 09:39
Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, chỉ cần huy động được một nửa số vàng trong dân và hoán đổi thành ngoại tệ, nền kinh tế sẽ có được ít nhất 10 tỷ USD vốn để đầu tư cho phát triển. Vì vậy, để quản lý thị trường vàng và huy động vàng trong dân, NHNN cần sớm triển khai việc phát hành chứng chỉ vàng.

Trước thực trạng giá vàng miếng SJC trong nước đã sốt giá kéo dài và có mức chênh kỷ lục 3,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng nguyên liệu thế giới, ngày 4/10, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và kinh doanh vàng đã tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân” do Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tổ chức tại TP HCM.

Theo TS Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên gia tài chính IMF, từ tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tính đến vấn đề huy động vàng dự trữ trong dân thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Dù cách thức triển khai đã được tính toán khá kỹ, song hậu quả từ việc cho phép một số ngân hàng bán số lượng lớn vàng đã huy động để bình ổn thị trường cách đây vài tháng đã khiến các ngân hàng mắc phải món nợ vàng lớn; gây xáo trộn thị trường vàng miếng SJC trong nước gần đây đã khiến việc này phải chững lại.

Vàng miếng SJC dập ngày đêm vẫn không đủ bán gây sốt giá.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, chỉ cần huy động được một nửa số vàng trong dân và hoán đổi thành ngoại tệ, nền kinh tế sẽ có được ít nhất 10 tỷ USD vốn để đầu tư cho phát triển. Vì vậy, để quản lý thị trường vàng và huy động vàng trong dân, NHNN cần sớm triển khai việc phát hành chứng chỉ vàng.

Để đảm bảo có nguồn lực dài hạn và tránh gây xáo trộn cho thị trường vàng khi người gửi đồng loạt rút ra bán lúc giá cao… ông Hùng cho rằng, chỉ cần quy định không cho phép người gửi rút vàng ra trước kỳ hạn như hình thức gửi vàng tiết kiệm đang áp dụng. Lượng vàng huy động được, đem bán ra thị trường quốc tế một phần để thu về ngoại tệ, đồng thời cân đối mua lại lượng vàng tương ứng trên tài khoản thông qua việc ký quỹ 10% để đảm bảo thanh toán và phòng tránh rủi ro, biến động về giá. Nhưng để làm được điều này, NHNN còn một loạt các vấn đề cần giải quyết, nhất là khi trong nước chưa có thương hiệu vàng nào đạt chuẩn quốc tế, ngay cả thương hiệu vàng SJC.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Công ty Vàng bạc đá quý PNJ cũng cho rằng, việc NHNN sử dụng chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân có ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi... Người dân chỉ cần mang vàng đến ngân hàng đổi lấy chứng chỉ vàng hoặc muốn đầu tư vào vàng thì mua chứng chỉ vàng theo giá thị trường; khi muốn bán cũng sẽ đến ngân hàng bán lại chứng chỉ vàng để lấy tiền. Thậm chí, người gửi có thể đem cầm cố, thế chấp chứng chỉ vàng để lấy tiền. Khi đó, nguồn lực vàng trong dân sẽ được tập trung về NHNN, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm ngoại tệ mạnh phải bỏ ra nhập khẩu vàng. 

Gía vàng trong nước đang ở mức cao. Ảnh: Thiện Hoàng.

Để phục vụ nhu cầu đầu tư vàng, ông Hoàng Huy Hà, thành viên HĐQT Ngân hàng BIDV đề xuất rằng cần phải tổ chức lại hoạt động của thị trường vàng thông qua giải pháp thành lập sở giao dịch vàng quốc gia.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán khi Việt Nam gia nhập WTO cũng góp ý, nên để vàng như những loại hàng hóa có giá trị cao, lưu thông bình thường; là một trong những danh mục đầu tư của người dân. Bởi khi các thị trường BĐS, chứng khoán sôi động, người dân thờ ơ với vàng còn hiện nay khi kinh tế khó khăn, người dân khu trú tài sản vào vàng là nhu cầu hiển nhiên.

TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng bổ sung, việc thành lập sàn vàng quốc gia sẽ góp phần kiểm soát việc tích trữ vàng và ngoại tệ của dân chúng; giúp ngân sách thu thuế từ các giao dịch vàng và xóa bỏ được sự chênh lệch với giá vàng thế giới và có thể dễ dàng huy động được vàng từ trong dân.

TS Nguyễn Đại Lai, chuyên viên NHNN khẳng định: Việc thành lập sàn vàng sẽ vừa phục vụ nhu cầu đầu tư, vừa hỗ trợ kiểm soát hoạt động mua bán. Tình trạng sốt giá xảy ra thời gian qua là do thị trường thiếu vàng miếng SJC chứ không phải thiếu vàng. Thời gian qua, người dân cứ nghĩ NHNN “buôn” vàng với công chúng. Nhưng thực tế, thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt xa với giá thế giới là do SJC đã tận dụng triệt để cơ chế “duy nhất hóa” các loại vàng miếng khác thành vàng SJC trước khi chuyển giao thương hiệu này lại cho NHNN.

Hiện các xưởng dập vàng của SJC đang dập hết công suất để đưa các thương hiệu vàng miếng phi SJC trở thành SJC, nhưng cũng không đủ bán. Vì vậy, theo TS Lai, để ổn định giá vàng cũng như thị trường vàng, NHNN chỉ nên quản lý vàng trong cơ cấu dự trữ bằng vàng thỏi đạt chuẩn quốc tế. Tất cả các loại vàng khác đều phải được coi là hàng hóa có giá trị cao. Việc đo đếm giá trị và giá cả vàng căn cứ vào tuổi vàng chứ không phải thương hiệu vàng

Đ.T.
.
.
.