Bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên:

Phải có những biện pháp hữu hiệu

Thứ Sáu, 07/06/2013, 23:25
Rừng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt nhưng liên tiếp nhiều năm qua, rừng ở đây bị tàn phá mạnh. Các cơ quan chức năng, ngành chủ quản đã có nhiều cuộc họp đề ra các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên nhưng thực sự vẫn không đem lại hiệu quả cao...

Rừng bị mất từng ngày

Hầu như ngày nào rừng Tây Nguyên cũng bị tàn phá. Điều này thể hiện qua những con số báo cáo vụ việc của các cơ quan chức năng phát hiện hàng năm. Dư luận ở Tây Nguyên đang thu hút những vụ phá rừng rất “nóng” tại xã Quảng Sơn, huyện Ðác Glong, Đắk Nông, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Rừng ở đây được phá bằng nhiều hình thức hết sức tinh vi để tận diệt lấy đất sản xuất, buôn bán, xây dựng trái phép chờ nhận tiền đền bù.

Nạn phá rừng cũng liên tục diễn ra ở Đắk Nông như tại địa bàn xã Ðác Ngo, Quảng Trực... Mới đây nhất là vụ phá rừng tại Dự án sản xuất nông - lâm nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới, nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức. Năm 2009, doanh nghiệp được UBND tỉnh Ðắk Nông giao 1.678ha đất để thực hiện dự án sản xuất nông-lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng tại các Tiểu khu 1.528, 1.534 xã Quảng Trực. Tuy chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án khai khoang nhưng công ty này đã hợp đồng với Công ty Vinh Hiển triển khai dự án khai hoang sản xuất nông - lâm nghiệp, tổng diện tích rừng thiệt hại ban đầu khoảng 70ha, trong đó có 38ha diện tích đất rừng khoanh nuôi bảo vệ, cấm khai thác.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðắk Nông báo cáo trong 4 tháng đầu năm 2013, ở Đắk Nông đã mất 105ha rừng tự nhiên.

Phá rừng ở Mang Yang - Gia Lai.

Tại Gia Lai, hàng chục hécta rừng ở huyện Mang Yang đang được tàn phá công khai. Cụ thể tại tiểu khu 499 thuộc địa phận làng Đê Rơn, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, nhiều diện tích rừng đã chặt phá để lấy đất trái phép.Tại tiểu khu 501 gần 176ha là nơi trồng thông gần 30 năm tuổi thuộc quyền quản lý của xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang đã bị tàn phá, san bằng từ nhiều năm qua. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang tại đây có hơn 43 ha rừng thông và đất lâm nghiệp bị 80 hộ lấn chiếm, nhưng lực lượng Kiểm lâm bất lực. Nhiều lần UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo xử lý dứt điểm việc phá rừng ở Mang Yang, nhưng đến nay chuyện đó vẫn chưa xong.

Tại Đắk Lắk, Kon Tum... rừng ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng bị lâm tặc tàn phá từng ngày. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng trồng mới và rừng tái sinh của Tây Nguyên không bù lại được diện tích rừng mất đi mỗi năm ở đây. Năm 2012, 5 tỉnh Tây Nguyên trồng được 8.367ha, bằng 45,6% kế hoạch năm.

Giai đoạn 2008-2012, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện đến những 9.000 vụ phá rừng. Trong đó, nổi cộm là các địa phương Tuy Đức, Đak Song, Đak Ngo của tỉnh Đắk Nông; Đạ Huoai của Lâm Đồng; Kon Plông của Kon Tum; Krông Năng, Ea Hleo, Ea Súp của Đắk Lắk; Mang Yang, Kbang của Gia Lai. Giai đoạn 2005-2012, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất hơn 25.700ha rừng. Hiện tại, tỷ lệ che phủ của rừng của cả khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 32,4%.

Khó khăn trăm bề cho bài toán giữ rừng

Tây Nguyên có 56 Công ty Lâm nghiệp nhà nước với tổng diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý là 998.523ha, nhưng trong tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh còn nhiều lỏng lẻo, kém hiệu quả, việc giao khoán đất và rừng không hợp lý để lại nhiều hậu quả đến nay rất khó giải quyết… Trong đó đa số các BQL rừng phòng hộ và một số BQL rừng đặc dụng không đủ năng lực bảo vệ rừng được giao… Đánh giá này được cơ quan chủ quản nhìn nhận thẳng thắn tại Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng vừa qua tại Tây Nguyên.

Theo nhiều địa phương có diện tích rừng bị tàn phá thì phải hạn chế được dân di cư tự do từ các nơi khác đến bất hợp hợp pháp thì mới hạn chế được nạn phá rừng. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng cương quyết cưỡng chế giải tỏa những điểm lấn chiếm đất rừng, phá rừng, buộc các đối tượng phá rừng phải trồng lại rừng và xử lý hình sự theo quy định những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các Công ty Lâm nghiệp cho rằng, không thể giữ rừng được bởi không có vốn hoạt động mà toàn bộ kinh phí của đơn vị là sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Do tư cách pháp lý chưa rõ ràng, chưa được cấp GCNQSDĐ nên việc vay vốn để trồng rừng là không khả thi, việc đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, phát triển rừng càng khó hơn. Các nhân viên Công ty Lâm nghiệp không có trang phục, phương tiện, thiết bị... để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Trước thực trạng, Tây Nguyên là vùng trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tình trạng suy giảm diện tích rừng còn diễn ra ở mức độ cao (bình quân giảm là 25.737ha/năm), rừng có trữ lượng gỗ có diện tích rất thấp (1.772.744ha), đạt độ che phủ là 32,4%, diện tích còn lại chủ yếu là rừng chưa có trữ lượng hoặc trữ lượng thấp…

Chính phủ đã yêu cầu, công tác bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên phải tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phần ổn định của từng tỉnh và địa phương làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phát triển bền vững… nhằm nâng độ che phủ rừng ở Tây Nguyên lên 55% vào năm 2020. Chính phủ củng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương hoàn thành đề án quản lý và khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chuẩn bị tốt các điều kiện để dừng khai thác rừng tự nhiên trong một thời gian kể từ năm 2014 trở đi.

Nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm và cán bộ quản lý bảo vệ rừng thì phải đảm bảo cuộc sống vật chất cần thiết cho họ, nhưng mặt khác, trước hết phải làm trong sạch từ đội ngũ này. Về lâu dài phải nghiên cứu tổ chức lực lượng Cảnh sát lâm nghiệp để tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên phải có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

N.Như
.
.
.