Pacific Airlines bay trong “bão”

Thứ Năm, 30/12/2004, 07:34

Sau gần 14 năm hoạt động, mới đây, Công ty Hàng không cổ phần Thái Bình Dương (Pacific Airlines - PA) công khai khoản lỗ 215 tỉ. Vì sao PA, nhà vận chuyển hàng không đang có tín nhiệm trên thị trường trong nước và khu vực, lại rơi vào tình trạng bi đát đến vậy?

Thông tin về tình hình thua lỗ của PA đã được báo giới bàn luận rùm beng hơn chục ngày nay. Thế nhưng phải tới chiều 20/12/2004, tại phiên họp chuẩn bị cho hội nghị cổ đông diễn ra sáng 21/12 nhằm tìm biện pháp khả thi nhanh chóng cứu PA thoát khỏi phá sản do nợ nần, thua lỗ, nhiều thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được thông báo chính thức.

Bay trong cảnh không tiền

Số vốn 39 tỉ của 7 cổ đông PA mới đạt hơn 50% vốn điều lệ 5 triệu USD, trong đó Vietnam Airlines (VNA) cùng 4 cổ đông khác trong VNA chiếm đến 94%. Ít vốn nên không có tiền đặt cọc, PA phải tìm đến những hãng cho thuê máy bay giá cao, cao đến “cắt cổ” trong lúc ngành hàng không thế giới khủng hoảng trầm trọng sau vụ 11/9.

Cái giá 3.550USD/giờ “thuê ướt” mấy năm qua đã làm cho PA mất đứt 70-80 tỉ đồng một năm nên thu chẳng bù được chi vì chi quá lớn. Đã vậy, PA liên tục mở các đường bay mới  như tuyến Tp.HCM - Đà Nẵng - Hồng Công, Ma Cao, Tp.HCM - Hải Phòng, Tp.HCM - Singapore với mục đích “khai thác triệt để giờ bay” và né tránh sự cạnh tranh của chính VNA.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch SARS, của chiến tranh và giá xăng dầu, chi phí an ninh tăng, cộng với việc điều tra, nghiên cứu thị trường không sát nên lượng hành khách đi trên các tuyến này quá ít. Càng bay càng lỗ, nhưng HĐQT và giám đốc điều hành không tỉnh táo để kịp thời cắt bỏ dẫn đến hậu quả tai hại: mỗi năm, các đường bay mới chịu lỗ 20-30 tỉ, hơn 3 năm lỗ gần trăm tỉ.

Pacific Airlines được thành lập ngày 12/12/1990 và chính thức hoạt động vào tháng 4/1991. 7 cổ đông của công ty gồm Hãng Hàng Không quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sân Nhất, Công ty Bay dịch vụ hàng không Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu hàng không và Công ty Thương mại và Đầu tư giao thông vận tải.

Đã khó khăn như vậy, nhưng ở các đường bay như Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan) có lãi một chút lại phải cạnh tranh với các hãng EVA, China Airlines và cả với VNA nên cuộc mưu sinh càng trở nên phức tạp. Không có tiền thanh toán nợ, PA buộc lòng phải tiếp tục thuê mướn máy bay với giá cao mặc dù từ  tháng 10/2004, mỗi giờ bay đã giảm 800 USD trong khi có thể thuê loại máy bay tương đương của hãng khác với giá 2.000 USD/giờ.

Những tổn thất do lỗ trong kinh doanh và khai thác máy bay khiến cho PA suy sụp từ năm 2001 đến bây giờ không gượng được. Nợ phải trả ngay cho Hãng Region Air, Công ty Xăng dầu hàng không, Ngân hàng Ngoại thương VN và nhiều doanh nghiệp khác cộng lại hơn 200 tỉ đồng. Điều này dẫn tới cơn khủng hoảng tài chính của PA vì khó có thể vay mượn của ngân hàng hoặc VNA để trang trải nợ nần, đặc biệt là khoản tiền thuê máy bay. Có vài triệu USD, PA mới mong thoát khỏi “vòng kim cô” của Region Air đang "buộc chặt" cánh bay của PA!

Các nhà quản lý nói gì?

PA là công ty hàng không cổ phần gần như “độc nhất vô nhị” ở nước ta bởi 7 cổ đông đều là doanh nghiệp nhà nước tham gia và VNA cùng các thành viên của mình chiếm cổ phần chi phối. Trên danh nghĩa, PA hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đoàn thể, chế độ đãi ngộ... chẳng khác gì một doanh nghiệp nhà nước thực thụ. Đảng bộ cơ sở PA trực thuộc Đảng bộ VNA nên trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VNA lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2003-2008) có đoạn viết về bước đường phát triển của PA như sau: “Trong giai đoạn 2001-2010, PA là công ty hàng không cổ phần do VNA và các đơn vị thành viên của VNA nắm giữ cổ phần chi phối. Vai trò của PA trong hệ thống các doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam là phối hợp, hỗ trợ VNA trên các thị trường nội địa, tuyến trục và quốc tế khu vực. Phát triển PA là hãng hàng không chi phí thấp, khai thác đường bay khu vực dưới 5 giờ bay”.

Từ  đó, người ta có thể suy luận rằng, VNA đối xử với PA như một “công ty con” trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam vì thực tế lâu nay cho thấy, PA được quyền thả sức nợ! Nợ tiền xăng dầu, tiền mua suất ăn, tiền điều hành không lưu, tiền thuê xe chuyên chở khách, dẫn máy bay... mà chẳng thấy ai đòi! Các cổ đông góp chút “tiền còm” hay tài sản vào PA cũng ít thấy quan tâm tới việc sinh lợi ra sao, có lẽ là lấy tiền của nhà nước góp vào PA, một doanh nghiệp đặc thù, hoàn toàn lệ thuộc vào VNA nên họ đều cảm thấy “yên lòng”?--PageBreak--

Giờ đây, khi được thông báo số lỗ lớn, nhiều vị trong HĐQT PA mới “ngã ngửa người”. Bản thân VNA cũng chưa đánh giá hết mọi hậu quả của sự thua lỗ này nên khi lờ mờ hiểu được PA đang lâm cảnh suy thoái nặng, VNA quyết định cử ông Lương Hoài Nam, nguyên Trưởng ban tiếp thị VNA, thay ông Dương Cao Thái Nguyên làm Giám đốc điều hành PA. Còn cựu Giám đốc được ông Chủ tịch HĐQT chọn làm phó cho mình, thường trực tại PA đồng thời vẫn kiêm chức Bí thư Đảng ủy. Sau khi mọi việc lỗ lãi bị phơi bày và thông qua kiểm tra nội bộ, Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội đã bị “ngưng chức” vì mắc nhiều sai phạm nhưng đến nay, họ vẫn là các đảng ủy viên, bí thư chi bộ. Việc chậm tiến hành kiểm điểm và xử lý của Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam đối với những người nêu trên gây cản trở đến hoạt động điều hành và ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng cán bộ, đảng viên của PA.

Kể từ khi Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo VNA kiểm điểm, tìm cách giải quyết những sai phạm ở PA, Bộ GTVT, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) một mặt khuyến khích, động viên VNA và PA cố gắng ổn định tình hình để tiếp tục duy trì tuyến  bay, lịch bay của PA bình thường nhưng cũng nhận xét về PA rất nghiêm khắc như lời ông Nguyễn Tiến Sâm – Thứ trưởng GTVT kiêm Cục trưởng Cục HKDDVN: “Để xảy ra tình trạng thua lỗ tại PA có lý do chủ quan của cả ban lãnh đạo công ty này, việc quản lý, điều hành ở đây chưa chuẩn, như việc đã mở đường bay Đà Nẵng sang Hồng Công, khai thác không hiệu quả buộc phải cắt. Giá thuê máy bay còn cao. Quản lý tài chính ở đây chưa chặt chẽ, thậm chí còn tăng khống doanh thu. Lỗi là của HĐQT và  Ban điều hành”.

Như vậy, ông Lương Thế Phúc, Chủ tịch HĐQT, và ông Dương Cao Thái Nguyên, cựu Giám đốc, phải chịu trách nhiệm chính về sự thua lỗ nặng nề của PA và VNA. Tuy vậy, nguyên nhân gây lỗ vẫn chứa nhiều điều uẩn khúc do đó rất cần có một cuộc thanh tra toàn diện mới làm sáng tỏ được những việc làm mờ ám, bất nhất của một số cán bộ trong HĐQT và điều hành PA.

Giải pháp nào cứu PA?

Hội đồng quản trị PA họp chiều 20/12 với sự có mặt của các ông Nguyễn Sỹ Hưng, Chủ tịch HĐQT VNA, và ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc VNA, đã bàn đến giải pháp xây dựng PA thành một công ty cổ phần thực chất hơn bao gồm các cổ đông là DNNN, tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài.

Sáng 21/12, Hội nghị cổ đông PA họp và đồng ý với giải pháp đó, giao cho HĐQT, Giám đốc điều hành PA lập đề án tái cấu trúc PA theo hướng mở rộng các cổ đông tham gia PA. Số vốn cần huy động sẽ căn cứ hướng phát triển đường bay, đội máy bay, đồng thời đàm phán xin giãn nợ, khoanh nợ và tìm nguồn trả bớt nợ đọng kèm với việc cố gắng thanh toán ngay các chi phí cho chuyến bay, bảo đảm công việc, thu nhập của CBCNV. Còn ai là người nắm giữ  cổ phần chi phối sẽ do các cổ đông tham gia quyết định.

Song song với việc tiếp tục củng cố tổ chức, tăng thu, giảm chi phí, tiết kiệm lao động, bước sang năm 2005, PA lập kế hoạch kinh doanh phấn đấu không bị lỗ như năm 2004 và sẽ thuê thêm một máy bay A320 của một hãng hàng không Bungari với giá xấp xỉ 2.000 USD/giờ để khai thác trên tuyến bay Tp.HCM - Hà Nội - Tp.HCM phục vụ dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày có 5 chuyến bay, mỗi chuyến bay cách nhau 2 giờ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Quyết tâm giữ gìn thương hiệu Pacific Airlines vốn được tín nhiệm trong nước và khu vực, duy trì hoạt động bình thường là một quyết định dũng cảm của tập thể CBCNV và các cổ đông tham gia PA nhưng áp lực nợ nần vẫn rất lớn khiến cho PA chao đảo. Muốn cứu PA, VNA phải nhanh tay xử lý những người đã gây ra lỗ, tìm nguồn vốn vay trả nợ cho PA, nhưng cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKDD VN để PA mau chóng vượt qua giai đoạn gian nan này

Minh Tú
.
.
.