PCI - Cảm hứng và áp lực cải cách ở địa phương

Chủ Nhật, 01/04/2018, 09:00
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã tạo được tiếng vang lớn với điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh cùng "dàn hàng ngang" tăng điểm số. 

Điều này cho thấy môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian, đặc biệt là trong năm vừa qua. 

Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật tuần này, Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI. 

PV: Thưa ông, chưa bao giờ PCI lại khởi sắc và được quan tâm như năm nay. Vậy hành trình của PCI thời gian qua có dễ dàng không? Tác động của PCI liệu có phải là thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các địa phương? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Kể từ năm 2005, khi VCCI bắt đầu thực hiện PCI, lúc đó chúng tôi muốn cung cấp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) những thông tin về chất lượng điều hành, thủ tục hành chính của các tỉnh, điều mà họ rất khó có đầy đủ khi tìm hiểu cơ hội làm ăn tại một địa phương. 

Những thông tin độc lập, khách quan này dần trở thành nguồn thông tin quan trọng cho chính quyền các tỉnh, thành phố để nhận biết vấn đề, làm căn cứ để thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường kinh doanh. 

Từ việc đơn thuần là một bộ chỉ số chỉ có tính chất khuyến cáo và kiến nghị địa phương tham gia một cách tự nguyện, dần dần PCI đã trở thành một yêu cầu bắt buộc được ghi trong các nghị quyết của Chính phủ, Điều này cũng đã thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ về sự đóng góp của bộ chỉ số PCI cho chương trình cải cách môi trường kinh doanh tại cấp tỉnh ở Việt Nam.

Giai đoạn đầu tiên, từng có lãnh đạo địa phương đề nghị đưa tỉnh họ ra khỏi bảng xếp hạng PCI bởi tỉnh bị xếp hạng thấp. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các địa phương đã sử dụng khá tích cực bộ chỉ số này. 

Theo thống kê của nhóm PCI thì cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã ban hành các văn bản chỉ đạo và chương trình hành động về cải thiện PCI, đây là một tác động cải cách rộng khắp từ PCI. Rất nhiều địa phương chọn việc cải thiện các tiêu chí của PCI làm nền tảng cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. 

Đặc biệt, trong dịp đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố đã đưa mục tiêu cải thiện chỉ số PCI làm mục tiêu phấn đấu của hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền cấp tỉnh vào văn kiện Đại hội Đảng bộ. 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định rằng: "Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm thấy công trình nào có sức thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy". 

Ông Đậu Anh Tuấn.

PV: PCI năm nay phản ánh một bức tranh khởi sắc. Liệu có mức độ tương quan giữa tình hình kinh doanh tích cực và PCI khởi sắc? 

Ông Đậu Anh Tuấn: PCI là tập hợp tiếng nói của DN từ thực tiễn kinh doanh. Điều tra trong năm 2017 vừa rồi, kết quả kinh doanh của DN nhiều khởi sắc. Quy mô vốn trung bình của một DN đạt 17,4 tỷ đồng, so với mức 7,5 tỷ đồng của năm 2006. 

Tỷ lệ DN cho biết tuyển dụng thêm lao động trong năm gần nhất đạt mức 12%, gấp đôi con số 6% của giai đoạn 2012-2013. Những con số này cho thấy tình hình kinh doanh của các DN dân doanh đang bắt đầu phục hồi trở lại, sau một thời kỳ khó khăn trước đó. 

DN cũng gia tăng mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh: Điều tra PCI năm 2017 cho thấy có tới 52% DN dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. 

Tỷ lệ DN dân doanh trả lời rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động với quy mô hiện tại là 40%, trong khi số lượng các DN có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. 

Tâm lý lạc quan về triển vọng tăng trưởng thậm chí còn rõ rệt hơn ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm nay, có tới 60% DN FDI có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011. 

Chính sự thuận lợi và lạc quan của DN đã có sự tương quan với khởi sắc của PCI. Điều tra PCI năm 2017 ghi nhận những cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền địa phương một cách rộng khắp trên cả nước. Điểm số PCI trung vị (điểm của tỉnh bình quân) năm 2017 đạt 62,2 điểm, mức cao kỷ lục trong 13 năm điều tra PCI của VCCI. 

So sánh riêng kết quả điều tra của năm 2017 với năm 2016, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành đều có cải thiện về điểm số PCI. Còn nếu tính toán mức thay đổi trung bình của điểm số PCI qua 41 chỉ tiêu liên tục được sử dụng từ năm 2006 cho tới nay, hầu như tất cả các tỉnh, thành phố (62/63) được cộng đồng DN ghi nhận có cải thiện về chất lượng điều hành theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.  

Còn ở cấp độ quốc gia đã ghi nhận thấy những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính. Gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính đối với các DN dân doanh trong năm 2017 đã giảm đáng kể, đặc biệt là so với giai đoạn 5 năm trước đó. 

Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết phải dành trên 10% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính chỉ còn là 31,5% năm 2017, trong khi những năm trước đó, con số này luôn xung quanh mức 36%. Tình trạng chi trả chi phí không chính thức cũng có xu hướng giảm. 

Cụ thể, năm 2017, trung bình có trên 59% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức, đây là mức giảm khá mạnh so với mức 66% của năm 2016 trước đó. P.V: Có vẻ năm nay, các tỉnh đều có bước tiến mạnh mẽ về chỉ số PCI. Bức tranh về sự thay đổi của các tỉnh năm nay có gì đáng lưu ý không? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Trong bảng xếp hạng năm nay, Quảng Ninh lần đầu tiên đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI. Đồng Tháp lập kỷ lục 10 năm liền nằm trong top 5 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng. Những địa phương được đánh giá cao khác còn có Đà Nẵng, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long hay Quảng Nam… 

Đáng lưu ý, trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh này, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã nhiều nỗ lực cải cách ấn tượng. 

Cụ thể, điểm số PCI của tỉnh thấp nhất chỉ là 36 điểm vào năm 2006, thì năm 2017, con số này đã lên tới 55 điểm, cao nhất trong 13 năm điều tra PCI. Các tỉnh nhóm dưới đang nhanh chóng bắt kịp nhóm trên, khi khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất trong PCI 2017 còn chưa đến 16 điểm, nhỏ nhất trong 13 năm qua. 

Cùng với đó là những cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đang diễn ra các hoạt động kinh tế sôi động nhất. Lần đầu tiên trong 13 năm tiến hành điều tra PCI, cả 5 trung tâm kinh tế lớn này đều có mặt ở TOP 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.  

PV: Dù đạt được những thành công, nhưng theo báo cáo PCI 2017, vẫn có những điều đáng lo ngại? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Mặc dù đã có nhiều chỉ số môi trường kinh doanh tốt, có cải thiện nhưng báo cáo PCI vẫn chỉ ra những điểm cần quan tâm hơn như tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu... 

Điều tra năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% DN cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức. DN cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều DN…  

Về đất đai, theo các DN được khảo sát, khó khăn lớn nhất không phải là thiếu quỹ đất sạch (chỉ 16% DN lựa chọn nhận định này) mà là DN gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng hay các thủ tục quy định thủ tục hành chính về đất đai (44% DN trả lời). 

Khoảng một phần ba (32%) DN đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, khiến nhiều lô đất xa cơ sở hạ tầng hiện có hoặc ở các địa điểm thuận tiện, chẳng hạn như lân cận các cơ sở gây ô nhiễm hoặc quá gần các khu dân cư. 

1/4 các DN nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng. Đất đai đang cản trở việc mở rộng quy mô kinh doanh. Chỉ có 25% DN tham gia điều tra trả lời rằng họ không gặp khó khăn khi muốn mở rộng mặt bằng kinh doanh. Đây là mức thấp kỷ lục ghi nhận được trong lịch sử điều tra PCI. 

Báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy mức độ ổn định trong quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp đang xấu đi. Tỉnh trung vị chỉ đạt 1,6 điểm trên thang 5 điểm. Những lo ngại này có tác động rất tiêu cực đến đầu tư vì DN khi phải đối mặt với những rủi ro này sẽ dè dặt đầu tư hơn.

PV: Qua 13 năm thực thiện, ông đánh giá báo cáo PCI giúp tạo áp lực cải cách địa phương như thế nào? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Qua "kênh" chuyển tải độc lập như PCI, các DN có thể dễ dàng phản ánh những vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh tại địa phương, vượt qua được những e ngại, tế nhị khi phản ánh trực tiếp khó khăn của mình với các cơ quan tại chính quyền địa phương.  

Lãnh đạo tỉnh có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng DN để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh, có sức ép và động lực để tiến hành những cải cách, đôi khi khó khăn. 

Nhiều lãnh đạo tỉnh đã dùng PCI như là nguồn thông tin độc lập bên ngoài, thúc đẩy bộ máy của mình vận hành, không vừa lòng với những nhìn nhận như "ngành, lĩnh vực chúng tôi vẫn rất tốt", "vẫn đang có nhiều cải thiện". 

Những sở, ngành của tỉnh bị phản ánh thiếu tích cực qua kết quả phân tích chỉ số PCI thường chịu những sức ép lớn phải thay đổi. Tương tự như vậy, các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể sử dụng những thông tin điều tra PCI cho các hoạt động giám sát và chất vấn của mình, một nguồn thông tin độc lập và thường gai góc hơn thông tin từ UBND và các sở, ngành cung cấp. 

Việc công bố PCI thời gian qua đã thúc đẩy quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tốt lẫn nhau giữa các địa phương trong cả nước. Những tỉnh được công bố có PCI cao là điểm đến học hỏi của nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Những thành công đã được chứng minh trên thực tiễn rõ ràng có sức thuyết phục và lan toả hơn với các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Nhờ quá trình này, các kinh nghiệm xây dựng mô hình "một cửa" trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN của Bình Dương, Đà Nẵng trước đây; thực tiễn cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng cho nhà đầu tư của Bắc Ninh, Bình Định; mô hình "cafe doanh nhân" của Đồng Tháp; mô hình trung tâm hành chính công tập trung của Quảng Ninh, Bình Dương; xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành địa phương của Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhiều địa phương khác trong cả nước học tập và vận dụng.

PV: Còn ở cấp độ quốc gia? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Trên phương diện quốc gia, điều tra PCI cung cấp các số liệu định lượng, tổng quan và định kỳ hàng năm để đánh giá môi trường kinh doanh. Rõ ràng những thay đổi về chất lượng điều hành tại một số chính quyền địa phương đã tạo ra những hiệu ứng tốt và Chính phủ nhận thấy rõ điều này. 

Mong muốn, "tiếng nói" của các DN đang kinh doanh tại địa phương và sức ép từ chỉ đạo của Trung ương sẽ thúc đẩy quá trình cải cách ở cấp tỉnh nhanh hơn nữa. 

Từ tháng 3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và gần đây là Nghị quyết 01 đầu năm 2017 của Chính phủ đều có một nội dung giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố phải rà soát, đưa ra các giải pháp để cải thiện PCI. 

Như vậy, từ một hoạt động được công bố của VCCI, với những tác động tích cực mà nó mang lại, Chính phủ đã chính thức chấp thuận PCI như là một công cụ nhằm thúc đẩy môi trường cạnh tranh ở cấp quốc gia.

Phía sau bảng xếp hạng với điểm số và thứ hạng cụ thể, rõ ràng PCI là công cụ hữu ích để cộng đồng DN địa phương thể hiện đánh giá của họ về thực tế môi trường kinh doanh ở Việt Nam, cung cấp cho chính quyền các cấp các thông tin cụ thể, xác thực về nguyện vọng của DN để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, góp phần đắc lực vào công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông! 

Lệ Thúy (thực hiện)
.
.
.