Ổn định sản xuất, tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Thứ Năm, 25/02/2021, 07:48
Sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, đến nay hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Bình Dương và Đồng Nai đã trở lại sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này công nhân trở lại làm việc cũng đã đạt trên 95% (Bình Dương) và 98% (Đồng Nai).

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, cả công nhân và DN trên địa bàn rất nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh để ổn định sản xuất.

Ngày 23/2, hơn 4.000 công nhân Công ty CP May Đồng Tiến tại KCN  Amata (Đồng Nai) đã trở lại làm việc sau tết. Toàn bộ công nhân trong ngày đầu tiên trở lại làm việc đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn ngay từ cổng công ty cũng như khai báo y tế hành trình trước, trong và sau Tết. Ngày đầu tiên đi làm, công nhân được DN lì xì đầu năm nhằm động viên tinh thần. 

Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty CP may Đồng Tiến cho biết, năm nay do tình hình dịch phức tạp đúng vào dịp trước Tết nên anh quyết định ở lại Đồng Nai đón Tết và chờ ngày công ty sản xuất trở lại để tiếp tục làm việc. Với mức lương hiện nay khoảng 8 triệu đồng/tháng, cộng các chế độ khác theo quy định nên anh Hùng cho biết bản thân rất yên tâm để gắn bó lâu dài với công ty và đang rất phấn khởi khi công ty luôn có đơn hàng để công nhân làm việc mặc dù trong năm 2020 và đầu năm 2021 tình hình dịch COVID -19 trên thế giới cũng như trong nước làm ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.

Người lao động tại các doanh nghiệp đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Tương tự, không khí sản xuất những ngày đầu năm của Công ty CP may Hoàng Việt ở TP Biên Hòa cũng khá tất bật. Nhờ thực hiện tốt các chế độ phúc lợi cho người lao động cũng như công tác chăm lo kịp thời của tổ chức công đoàn cơ sở công ty thời gian qua nên hơn 300 công nhân lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, đạt tỉ lệ 100% lao động. Để ổn định sản xuất, tạo sự an toàn trong công nhân, doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc. 

Anh Lê Khắc Thắm, một công nhân Công ty CP may Hoàng Việt cho biết, anh và gia đình không đi đâu du lịch trong Tết do tình hình dịch khá phức tạp. Dù vậy, khi tới công ty làm việc, anh cùng các công nhân khác đều tự giác thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch với tinh thần 5K. 

Ông Đỗ Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP may Hoàng Việt cho hay, việc phòng dịch vẫn là quan trọng nhất tại nơi sản xuất nên phía công ty thực hiện đầy đủ các bước như đo thân nhiệt từng người lao động khi đến làm việc; 100% công nhân đeo khẩu trang khi đi làm và trong lúc làm việc. Ngoài ra, công đoàn phát cho mỗi công nhân một chai nước rửa tay sát khuẩn để rửa thường xuyên trong quá trình làm việc.

Năm nay, lượng công nhân ở lại Đồng Nai đón Tết để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khá đông nên tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc trong những ngày đầu năm khá cao, nhiều DN đạt đến 98-100% đã giúp các DN ổn định nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo các DN và các đơn vị, sở ngành liên quan triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 sau Tết Nguyên đán 2021.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai đánh giá, tỉ lệ người lao động  trở lại làm việc ở Đồng Nai sau kỳ nghỉ Tết là khá cao. Đặc biệt là tại các DN tập trung đông lao động. Cùng với khí thế lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN cũng được thực hiện nghiêm ngặt.

Tại Bình Dương, ngày 23/2, LĐLĐ tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều DN cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài ngày, nhưng hầu hết DN đã trả đủ lương và hơn 2.500 DN thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người lao động với mức thưởng bình quân 1 tháng lương theo hợp đồng lao động (từ 3 - 6,5 triệu đồng). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn dừng các hoạt động tập trung đông người như chương trình "Tết sum vầy", "Chuyến xe xuân nghĩa tình"… và chuyển sang hình thức hoạt động khác phù hợp. 

Có khoảng 500.000 lao động ngoài tỉnh ở lại Bình Dương đón Tết. Tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ gần 27.000 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón Tết với số tiền gần 14 tỷ đồng. LĐLĐ tỉnh đã vận động các DN, “Mạnh Thường Quân” chăm lo cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19 với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 44 DN tổ chức làm việc trong Tết với 6.752 lao động tham gia làm việc. Các DN đã chủ động phối hợp, bố trí sản xuất đảm bảo khoảng cách an toàn, thực hiện khử trùng diệt khuẩn, khẩu trang y tế, đảm bảo công tác phòng dịch, an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ.

Đến ngày 22/2, DN trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động sau Tết, với trên 95% lao động trở lại làm việc. Các DN đã rà soát, báo cáo số lượng công nhân lao động đi và về từ các tâm dịch, đồng thời bố trí hoạt động sản xuất đảm bảo khoảng cách, khử trùng diệt khuẩn nơi làm việc, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế… để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID -19. 

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Bên cạnh đó, đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm giúp ổn định việc làm, thu nhập của người lao động. Bình Dương hiện có gần 30 KCN và hơn chục cụm công nghiệp, cũng là một trong những tỉnh có lượng công nhân đông của cả nước.

Bảo Sơn - Nguyễn Cảnh
.
.
.