Ồ ạt khuyến mãi các mặt hàng điện tử để... "chạy hàng"

Thứ Hai, 08/12/2008, 08:51
Chỉ còn chưa đầy một tháng, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho hàng điện tử nước ngoài nhập vào với thuế nhập khẩu bằng 0 theo cam kết của lộ trình gia nhập WTO. Việc mở cửa theo lộ trình này sẽ có tác động lớn đến thị trường phân phối trong nước, đặc biệt là đối với mặt hàng điện tử. Có lẽ vì thế, tại thời điểm này, các nhà kinh doanh ồ ạt khuyến mãi các mặt hàng điện tử để chạy hàng.

"Sản phẩm giá giờ vàng"

"Sản phẩm giá giờ vàng", "lễ hội khuyến mãi", "giá cực sốc", "xả hàng tồn kho"... là những chiêu quảng cáo hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Dạo qua thị trường điện máy thời điểm này, hình ảnh những tấm băng rôn đỏ rực trước các cửa hàng, siêu thị là không thể thiếu.

Cũng chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần lướt qua các trang web trên mạng Internet là thấy đủ sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm khuyến mãi. Siêu thị điện máy Chợ Lớn tung ra hàng loạt sản phẩm giảm giá, thậm chí còn đưa ra mức giảm tới gần 50%: Ti vi LCD LG 42'' - 42LG60FR giá cũ 28.990.000 đồng, giá mới 19.990.000 đồng, dàn máy LG Hifi -T752TB được giảm giá từ 6.990.000 đồng xuống còn 3.490.000 đồng...

Hệ thống siêu thị điện máy Việt Long còn hoành tráng hơn khi quảng cáo: "Đại giảm giá trước giờ G" với nhiều phần quà hấp dẫn, tỷ lệ giảm giá ở mức cao với những từ "nóng": "tin khẩn cấp", "mua ngay kẻo hết", "giá cực rẻ"...

Phong trào khuyến mãi mặt hàng điện máy đang rầm rộ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện khuyến mãi theo đúng luật và đúng những gì mình quảng cáo. Một số doanh nghiệp do vẫn mang nặng tính câu khách, bán hàng chụp giật nên việc đưa ra chiêu thức quảng cáo chỉ là động tác ảo.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng khi khảo sát giá thì có hiện tượng doanh nghiệp bán lẻ tăng giá lên rồi giảm. Đó cũng là kiểu bán chạy hàng trước giờ G (1/1/2009), nhưng họ phù phép để vẫn thu được lợi nhuận cao, mà vẫn bán được hàng. Việc ồ ạt đưa ra những thông tin khuyến mãi của các doanh nghiệp bán lẻ chứng tỏ thị trường điện máy đã bão hòa, doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang chịu sức ép lớn trước thời khắc đặc biệt đang đến gần.

Các doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình

"Các doanh nghiệp trong nước không còn cơ hội nếu không tự cứu lấy mình"- đây là nhận định của Tiến sỹ Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam về thị trường sản xuất cũng như phân phối các mặt hàng điện tử trong nước trước ngày Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết của lộ trình WTO.

Chỉ vào xấp báo liên tiếp đăng tải các thông tin quảng cáo khuyến mãi hàng điện tử trong những ngày qua, ông Hùng cho biết: "Thị trường hàng điện tử Việt Nam đang ở trong tình trạng cung nhiều hơn cầu, bằng chứng là liên tiếp các doanh nghiệp, cửa hàng đăng thông tin giảm giá và khuyến mãi hấp dẫn".

Theo ông Hùng, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do sức mua của người dân đang chững lại vì sự suy thoái kinh tế, đồng tiền mất giá và tâm lý chờ ngày 1/1/2009 các hãng điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ nước ngoài vào.

Theo điều tra của chúng tôi, người tiêu dùng hiện đang có tâm lý chờ đợi mua sắm sau ngày 1/1/2009, bởi đây là thời khắc chuyển biến mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, trong đó người tiêu dùng trong nước được lợi về sự lựa chọn sản phẩm đa dạng hơn, tốt hơn, giá hạ, chất lượng dịch vụ, bảo hành, khyến mãi tốt hơn.

Bên cạnh lợi ích mà người tiêu dùng được hưởng là sự lo lắng của các doanh nghiệp trong nước trước một sân chơi rộng lớn, trước những đối thủ mạnh, có phương thức kinh doanh chuyên nghiệp và cung cách phục vụ cũng rất chuyên nghiệp.

Ông Hùng không giấu nổi lo lắng cho biết, trước đây một vài doanh nghiệp trong nước do độc quyền, bán hàng giá thành cao, đặc biệt nhiều nhà bán lẻ kinh doanh theo kiểu chụp giật, phong cách phục vụ không tốt đã ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.

"Tất cả những kiểu kinh doanh manh mún, chụp giật trên sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường kể từ ngày 1/1/2009"- ông Hùng nhận định.

Theo ông Hùng thì xác định rõ khó khăn này, ngay từ 2 năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị như liên kết các doanh nghiệp phân phối lại với nhau. Đến nay đã có 2 câu lạc bộ các nhà phân phối sản phẩm IT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được thành lập, và tới đây là một câu lạc bộ ở miền Trung.

Kể từ 1/1/2009, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối điện tử trong nước không còn được hưởng ưu đãi của Nhà nước như trước đây, tự họ phải "bơi ra bể lớn". Theo ông Hùng thì không phải chúng ta mất hoàn toàn ưu thế, các nhà phân phối Việt Nam có lợi thế là có cửa hàng nhỏ, gần dân. Nhưng muốn cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài thì họ phải cải tiến phương thức làm ăn, phải thực sự đưa khách hàng lên làm thượng đế. Ông Hùng cảnh báo lớn: "Không ai khác, các doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình"

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.