Sóc Trăng:

Nước cốt bần… tiềm năng từ nguyên liệu sẵn có

Thứ Sáu, 01/08/2014, 19:39
Nguồn nguyên liệu là những trái bần chín sẵn có tại địa phương, một cơ sở ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã sản xuất thành công nước cốt trái bần phục vụ nhu cầu chế biến các món ăn đậm đà hương vị tự nhiên. Thành công với việc thương mại hóa sản phẩm tự nhiên tại địa phương, nước cốt bần hiện được tiêu thụ trong, ngoài tỉnh Sóc Trăng…

Với đặc điểm sông rạch chằng chịt, nhiều phù sa bãi bồi, Cù Lao Dung hiện có khoảng 1.600 ha bần mọc ven bờ sông, cửa sông và ven biển, tạo thành những rừng bần phòng hộ với diện tích ngày càng mở rộng.

Với diện tích lớn như vậy, cây bần gắn bó mật thiết với đời sống người dân, nhất là trong ẩm thực. Bởi trái bần chín có vị chua, mùi thơm, hậu ngọt đặc trưng; được bà con làm nước chấm hoặc chế biến thành những món ăn ngon mang hương vị tự nhiên của trái bần chín. Theo chu kỳ sinh trưởng, trái bần chín từ tháng 5 đến 11 âm lịch, cho sản lượng hàng trăm tấn. Người dân địa phương thu hái mang về chế biến ngay thành những món ăn trong gia đình mà không giữ được lâu do trái bần chín lên men chua nhanh.

Trái bần chín, nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có để sản xuất “Nước cốt bần” .

Xuất phát từ ý tưởng chế biến trái bần chín thành một sản phẩm có thể tồn trữ lâu, dễ dàng vận chuyển để người dân đô thị cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trái bần, anh Nguyễn Văn Hoà (ngụ ở huyện Cù Lao Dung) ấp ủ ý tưởng tạo ra sản phẩm nước cốt bần, nhằm thương mại hoá sản phẩm tự nhiên của địa phương.

Quá trình tìm tòi, thử nghiệm, anh Hòa đã thành công trong việc tận dụng nguyên liệu sẵn có để tạo nên sản phẩn nước cốt trái bần, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm tự nhiên an toàn cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Anh Hòa cho biết, thói quen của người dân ở đây là bần chín thì lượm về nấu canh chua nhưng bảo quản không được lâu. Vì vậy, tôi lấy về nấu, lược hột và cho muối vào bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, để trong 3 năm lấy ra sử dụng vẫn thơm ngon bình thường. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng thương mại sản phẩm tự nhiên sẵn có. Năm 2011, tôi gởi mẫu đi xét nghiệm sinh hoá thì các chỉ tiêu đều đạt rất tốt. Sau đó tôi lại đăng ký thương hiệu để tiêu thụ ra thị trường.

Từ nguồn nguyên liệu là trái bần chín, cơ sở sản xuất nước cốt trái bần Ngọc Hồng của anh Hoà ra đời đến nay là đã được 3 năm, sức tiêu thụ ngày càng khả quan với sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Việc sản xuất của cơ sở đã góp phần tạo việc làm cho một số hộ nghèo tại địa phương. Như gia đình ông Nguyễn Văn Hoảnh (ngụ xã An Thạnh Nam) vào mùa bần chín cả nhà đi nhặt bần để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến. Mỗi ngày thu được từ 30-40 kg bần chín, với giá bán 8.000 đ/kg, gia đình có thêm khoản thu nhập khá.

Sản phẩm “Nước cốt bần” bán ra thị trường .

Với diện tích rừng bần hiện có, người dân Cù Lao Dung có thể khai thác, thu gom hàng trăm tấn bần chín mỗi năm. Nếu quy mô sản xuất sản phẩm nước cốt trái bần phát triển sẽ cần đến nguồn nguyên liệu nhiều hơn.

Nhờ vậy, mỗi hộ dân ở ven rừng bần sẽ có thêm  thu nhập. Ưu điểm của việc khai thác trái bần chín là cây bần mọc tự nhiên không phải mua cây giống, phân bón, công chăm sóc, chỉ tốn công thu lượm. Sản phẩm “Nước cốt bần” phát triển tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; góp phần bảo vệ, chăm sóc và mở rộng diện tích trồng bần ven biển, hạn chế thiên tai, bảo vệ môi trường. Sản phẩm nước cốt bần còn đáp ứng xu hướng người tiêu dùng hiện nay sản thiên nhiên, sạch, không hóa chất, hợp vệ sinh.

Ông Phạm Văn Thu, Phó Ban quản lý dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Sóc Trăng cho biết: Đây là một trong những sản phẩn lợi thế, có tiềm năng phát triển của cơ sở nhỏ trong tỉnh. Do vậy, dự án trong kế hoạch hoạt động đã có một chương trình hỗ trợ cơ sở trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đào tạo kỹ năng, thủ tục, để hỗ trợ cơ sở ngày càng phát triển

N. Thơ
.
.
.