Thủ tục hải quan và chính sách thuế:

"Nóng" những bức xúc của doanh nghiệp

Thứ Năm, 16/04/2009, 08:47
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo đòn bẩy để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đủ sức cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu cũng như nội địa thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp kêu ca về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan…

Theo ông Hồ Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong, để phát triển thị trường giao nhận hàng hóa (logistics) của khu vực phía Nam nói chung và TP HCM nói riêng, nơi có hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thì vấn đề cốt lõi là phải quy hoạch lại hạ tầng giao thông để phát triển dịch vụ logistics.

Để các công ty giao nhận của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu, hiện ta còn thiếu các điểm phân phối phù hợp - tuyến vận chuyển (thủy nội địa, đường sắt…) kết nối cảng biển với các trung tâm phân phối hàng hiệu quả. Hệ thống thông tin, hải quan, nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động này cũng phải cải tiến để phù hợp với quy định và trình độ phát triển của thế giới. Đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt tại Việt Nam.

Bức xúc về thủ tục hải quan, bà Lê Thị Bé Tuyết - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Công ty Yazaki Eds Việt Nam cho rằng: Công ty Yazaki Eds chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị chuyên dùng trong lắp ráp phụ tùng ôtô. Thông thường, cơ quan Hải quan buộc công ty phải khai chi tiết các linh kiện máy móc thiết bị trong khi chính doanh nghiệp cũng không biết hết các chi tiết đó. Điều này, thật sự gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị xin được khai báo đồng bộ thay vì phải khai chi tiết như hiện nay.

Thuế - một trong những vấn đề "nóng" mà nhiều doanh nghiệp rất bức xúc.

Ngoài ra, cũng có điều nghịch lý là khi công ty nhập máy móc thiết bị về đều có kèm catalogue bằng sách hoặc đĩa mềm hướng dẫn sử dụng. Nhưng khi mở tờ khai chi tiết tại Chi cục Hải quan quản lý xuất nhập khẩu ngoài KCN (Cục Hải quan Bình Dương) thì cơ quan Hải quan đề nghị phải giám định, kiểm tra tại cơ quan văn hóa ở địa phương(?)…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Túc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp giám định, kiểm tra catalogue tại cơ quan văn hóa là hoàn toàn sai so với quy định. Ông Túc cũng cho biết thời gian tới, ngành Hải quan sẽ đầu tư máy móc, trang thiết bị để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Còn trong lĩnh vực thuế, đây cũng là vấn đề "nóng" những bức xúc của doanh nghiệp. Ông Đỗ Phước Tống - Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết: Thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị điện để lắp máy. Khi doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu một thiết bị đồng bộ thì thuế xuất nhập khẩu (XNK) bằng 0%. Nhưng nếu thiết bị đó được chế tạo tại Việt Nam thì thuế suất các nguyên vật liệu thép công cụ, đặc biệt là thiết bị điện như: Mô tơ hộp số, mô tơ servo, bộ điều khiển CNC… là những linh kiện Việt Nam chưa chế tạo được nhưng phải nhập khẩu với thuế suất rất cao nên giá thành sản phẩm khó cạnh tranh...

Bà Thái Thị Minh Hoa, Công ty Giày Ching Luh Việt Nam cũng băn khoăn, hiện nay công ty đang gặp rắc rối trong việc áp mã hàng hóa trong tờ khai Hải quan hàng hóa nhập khẩu. Đó là mặt hàng dao cắt vải. Doanh nghiệp không biết phải khai báo như thế nào cho hợp lệ mà cũng không bị thiệt thòi vì thực tế trong catalogue bằng tiếng Anh mặt hàng này dịch nghĩa là bút cắt có thuế suất 35%, nhưng tiếng Hoa dịch nghĩa là dao cắt lại có thuế suất đến 70%...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp là hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ TP HCM cũng nêu lên những bất hợp lý. Đó là việc áp dụng nhiều hình thức tính thuế như: Thuế khoán, thuế GTGT…  nên cùng một mặt hàng nhưng lại có mức thuế được khấu trừ, hay chịu thuế GTGT khác nhau...

Trước hàng loạt bức xúc của doanh nghiệp, lãnh đạo các ngành Thuế, Hải quan, Tài chính… cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe những bức xúc của doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc phản hồi các ý kiến từ các Bộ, ngành, hiện còn rất hạn chế…

K.Ngân
.
.
.