Nông dân phấn khởi với chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:18
Sau khi Chính phủ triển khai thu mua 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2014-2015, từ ngày 1/3, giá lúa tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhích lên đáng kể, nhiều nông dân phấn khởi. Điều này cho thấy, chính sách thu mua đã phần nào tác động đến giá lúa.

Đi dọc đường nối Vị Thanh (Hậu Giang) - Cần Thơ những ngày này nhộn nhịp máy gặt đập liên hợp hoạt động trên các ruộng lúa đang chín vàng. Ông Trần Văn Sơn (ngụ xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) mừng rỡ: “Trước Tết, thương lái đặt cọc mua 5 công lúa IR50404 của tôi với giá 4.000 đồng/kg. Nay họ tới mua lúa tươi tại ruộng đã nhích lên được 4.200 đồng/kg. Với giá này, tôi lời 200 đồng/kg nên rất phấn khởi”.

Nông dân Nguyễn Công Lý (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, giá lúa IR50404 tại địa phương đã nhích lên 4.300 đồng/kg, lúa thơm có giá 4.900 đồng/kg. Trong khi trước Tết, 2 loại lúa này có giá lần lượt là 4.000 đồng/kg và 4.500 đồng/kg. Theo nhiều chuyên gia, giá lúa nhích lên có sự tác động tích cực của chính sách thu mua tạm trữ.

Trong cuộc họp triển khai chính sách thu mua tạm trữ trong vụ đông xuân 2014-2015 được tổ chức ngày 1/3 tại TP Cần Thơ, chỉ tiêu phân bổ cho các tỉnh, thành ĐBSCL như sau: Cần Thơ thu mua tạm trữ hơn 175.000 tấn, Cà Mau 2.400 tấn, Sóc Trăng 26.000 tấn, Hậu Giang 18.000 tấn, Vĩnh Long 28.000 tấn, Kiên Giang 79.000 tấn, Long An là 118.000 tấn, Bến Tre 13.000 tấn, Trà Vinh 13.000 tấn, An Giang 250.000 tấn, Đồng Tháp khoảng 155.000 tấn, Bạc Liêu 8.000 tấn và Tiền Giang khoảng 83.000 tấn.

Thời gian thu mua tạm trữ sẽ được thực hiện từ ngày 1/3 đến hết ngày 15/4/2015. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận 17 ngân hàng thương mại cấp vốn cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo, tăng một ngân hàng so vụ đông xuân trước. Theo đó, việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Nông dân phấn khởi khi được hưởng lợi từ chính sách thu mua tạm trữ.

Lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không được vượt 7%/năm. Thời gian giải ngân cho vay mua tạm trữ thóc gạo từ ngày 1/3 đến ngày 15/4. Thời hạn cho vay mua tạm trữ tối đa là 6 tháng (đến hết ngày 31/8), thời hạn được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay tối đa 4 tháng (đến hết ngày 30/6). Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ.

Thực tế trong nhiều năm qua, chính sách thu mua tạm trữ đã bị nhiều nhà kinh tế cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, mỗi khi giá gạo xuất khẩu tăng hay giảm thì nông dân đều chịu thiệt. Chính phủ bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng “đổ” vào chính sách thu mua tạm trữ nhưng người hưởng lợi không phải là nông dân, mà là doanh nghiệp và thương lái.

Vì vậy, trước đây các địa phương ở ĐBSCL kiến nghị Chính phủ giao cho các địa phương chủ động thu mua tạm trữ thay vì giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận: “Thu mua tạm trữ lúa gạo là giải pháp can thiệp thị trường, ngăn ngừa giá lương thực giảm khi vào thu hoạch rộ, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa. Và tới nay chưa có giải pháp nào tốt hơn giải pháp thu mua tạm trữ khi giá lúa thị trường thấp hơn giá lúa định hướng”.

Đây cũng là năm thứ 6 Chính phủ triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ và là năm đầu tiên triển khai thu mua từ đầu vụ. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA cho rằng: “Năm 2014 còn tồn kho 700.000 tấn gạo hàng hóa, vụ đông xuân này có khoảng 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa nữa là 5 triệu tấn, nhưng khả năng đến hết quý II-2015 chỉ bán được 3 triệu tấn. Vì vậy, việc thu mua tạm trữ lúa gạo phải thực hiện đồng bộ với tìm thị trường xuất khẩu gạo mới mang lại hiệu quả thiết thực, giảm áp lực lúa vụ trước đè lên vụ sau, gây ra ùn ứ cục bộ”.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.