Nông dân lo tư thương ép giá vải thiều

Thứ Tư, 27/05/2015, 08:16
Trên các ngọn đồi, trong mỗi vườn vải, người nông dân cũng khẩn trương trong công đoạn chăm bón cho những chùm vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. Với 1.690ha trồng vải thiều, do chưa có đầu ra ổn định, điều bà con xã Quý Sơn lo lắng nhất chính là tình trạng các tư thương thu mua sẽ ép giá.

Được biết đến từ lâu với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, những ngày cuối tháng 5 nắng rực lửa trên những chùm vải chín đỏ mọng, chúng tôi về vựa vải Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tận mắt chứng kiến không khí tấp nập nhộn nhịp của những lứa vải đầu tiên. Trên các ngọn đồi, trong mỗi vườn vải, người nông dân cũng khẩn trương trong công đoạn chăm bón cho những chùm vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới. Với 1.690ha trồng vải thiều, do chưa có đầu ra ổn định, điều bà con xã Quý Sơn lo lắng nhất chính là tình trạng các tư thương thu mua sẽ ép giá.

Giai đoạn “nước rút”

Những ngày này, người trồng vải Lục Ngạn đang bước vào giai đoạn “nước rút” cho vụ thu hoạch vải thiều chính vụ trong khoảng chục ngày tới. Trong ánh nắng chói chang, Lục Ngạn hiện ra trước mắt chúng tôi là bạt ngàn các sườn đồi phủ màu xanh của lá lẫn với ánh vàng đỏ. Bên cạnh những chùm vải thiều đang dần chuyển sang màu chín đỏ thì giống vải u hồng, u dây và u trứng đã bắt đầu được bà con thu hoạch để bán cho các tư thương. 

Ngay tại thị trấn Kim, huyện Lục Ngạn, cảnh mua bán vải đã diễn ra khá tấp nập. Người dân từ khắp các xã của huyện chở hàng tấn vải đổ buôn cho các thương lái. Giá vải dao động từ 15.000 đồng-18.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại vải “tu hú” đầu mùa quả nhỏ, hạt to lại chỉ có giá từ 8.000 – 9.000 đồng.

Với hơn 300 gốc vải có “tuổi đời” từ 18 đến 25 năm, chỉ khoảng gần 2 tuần nữa là vườn vải thiều của gia đình ông Nguyễn Tiến Lô, thôn Trại Cháy, xã Quý Sơn sẽ bước vào vụ thu hoạch. Để chuẩn bị cho những ngày thu hoạch tới đây, ông Lô đã cẩn thận chăm bón cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giúp cây vải tránh sâu bệnh, bệnh khô quả, đốm quả…

Ông nhận định: “Dân ta đã có câu “được mùa xoài mất mùa vải”. Năm nay, nắng nóng đến sớm nên vải không được mùa cho lắm!”. Thông thường, mỗi vụ, vườn vải nhà ông cho thu hoạch khoảng 15 -20 tấn.

Thu hoạch vải thiều. Ảnh: V.Giang.

Chăm sóc vải vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho thu hoạch rất quan trọng để quả vải không bị sâu cuống, khô quả hay đốm quả. Quả vải có đẹp mắt, căng mọng mới mong bán được giá cao. Hơn 300 gốc vải nhà anh Chu Văn Cường, thôn Đồng Giành cũng đang sắp bước vào giai đoạn thu hoạch. Nước da đen sạm, mồ hôi nhễ nhại, anh Cường cho biết, anh vừa đi mua xăng về chạy máy phun thuốc cho cả vườn vải để chống bệnh tán thư (khô quả).

Để tiết kiệm chi phí, anh không thuê người chăm sóc mà hai vợ chồng anh ngày đêm nai lưng chăm bón hơn 300 gốc vải. Đến khi thu hoạch, gia đình anh mới thuê người vặt quả với giá khoảng 200.000 đồng/ngày công. Có những năm, nhờ biết cách giữ quả vải chín lâu trên cây, có hộ dân thu được lãi cao khi giá vải lên đến 38.000 đồng/kg. Năm nay, theo anh Cường dự đoán, giá vải sẽ dao động khoảng 20.000 đồng/kg. Anh Cường cho hay, mùa vải này, mặc dù không lo ế vải nhưng tâm lý chung của người nông dân chính vẫn là sợ tình trạng tư thương ép giá.

Đầu ra vẫn bị động

Ông Nguyễn Tiến Lô lo lắng: “Tư thương từ khắp các tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh… đến tận xã để mua. Thế nhưng, thông thường buổi sáng họ mua một giá. Nhưng chỉ đến trưa thôi là giá vải đã rớt 4-5 giá rồi. Chiều lại một giá khác. Không bán cũng không được”.

Mỗi vụ, trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, gia đình ông Nguyễn Tiến Lô lãi khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ vậy, qua trò chuyện với một số người nông dân ở đây chúng tôi thấy họ còn có thêm một điều lo lắng nữa là “gian lận thương mại”. Người dân phản ánh: “Cân là của họ. Chúng tôi cân ở nhà được khoảng 1 tạ, mang ra cho người thu mua cân lên có khi mất cả chục cân mà vẫn phải chịu”.

Vải đầu mùa bán cho tiểu thương tại thị trấn Kim, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Với 1.690ha trồng vải trên tổng số khoảng 200ha trồng các loại cây ăn quả, hằng năm, sản lượng vải thiều của xã Quý Sơn lên đến khoảng 20.000 tấn, chiếm khoảng 1/4 sản lượng vải của toàn huyện Lục Ngạn.

Ông Hỷ Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn cho biết, số hộ trồng vải trong xã chiếm khoảng 90% trong tổng số 4.235 hộ dân. Vải trồng trên địa bàn xã Quý Sơn được chia làm nhiều giống khác nhau là u hồng, u trứng, u dây, vải thiều chính vụ… Hiện nay, giống vải u hồng, u trứng đã bắt đầu cho thu hoạch và tiêu thụ trên thị trường. Còn vải thiều chính vụ thì khoảng 2 tuần nữa sẽ thu hoạch.

Nói về đầu ra cho vải thiều, ông Hỷ Văn Năm cho biết, tuy đều là các hộ trồng vải lâu năm nhưng nguồn tiêu thụ vải thiều của người dân trong xã vẫn chủ yếu là tư thương về tận xã, thị trấn thu mua. Tư thương thường thuê kho bãi để tập kết hàng hoặc cho các xe “su cóc” về tận vườn để thu mua. Một số thương lái đến từ nơi khác như Hà Nam thì thu mua vải và thuê lò sấy. Cho đến nay, vẫn chưa có đầu ra ổn định cho vải thiều Quý Sơn mà việc tiêu thụ vải thiều của nhân dân vẫn mang tính tự phát.

Chính việc kinh doanh theo kiểu tự phát này đã khiến cho có những giai đoạn, vải thiều Lục Ngạn bị rớt giá thê thảm. Như năm 2004, vải thiều Lục Ngạn ồ ạt chín vào cùng một thời điểm, nguồn cung lớn nhưng cầu thì ít nên giá vải thiều bị đẩy xuống chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Rút kinh nghiệm, thời gian gần đây, người dân xã Quý Sơn nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng các giống vải cho thời gian thu hoạch cách nhau nên không xảy ra tình trạng ồ ạt chín.

Thời điểm này, vải u hồng, u dây và u trứng của bà con Quý Sơn đã cho thu hoạch. Giá vải dao động khoảng 15.000 đồng-20.000 đồng/kg. Và chỉ khoảng 2-3 tuần nữa, vải thiều sẽ bước vào chính vụ thu hoạch. Người nông dân vẫn đang thấp thỏm chờ được mùa mà không rớt giá.

Ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, hiện chỉ có ở hai thôn Kép 1 và thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn 60,38ha trồng theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP. Trong đó mới có 17/109 hộ đã có doanh nghiệp thu mua để xuất sang Anh. Còn các vùng sản xuất khác trong huyện trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap vẫn chủ yếu tiêu thụ thị trường truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc. Tỉnh Bắc Giang cũng đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với tỉnh Lạng Sơn, thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) để tạo điều kiện thông quan, tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân thuận lợi nhất.
N.Hương - Việt Hà
.
.
.