Nông dân đồng bằng sông Cửu Long liên kết vươn lên làm giàu

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:42
Hiện nay, nhiều nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tập hợp lại với nhau trong hợp tác xã (HTX) hoặc tổ hợp tác, câu lạc bộ để có số lượng nông sản lớn đáp ứng cho công ty, siêu thị hoặc xuất khẩu. Những mô hình này không những giúp nông dân có sản phẩm đồng nhất mà còn dễ dàng có đầu ra khi được doanh nghiệp (DN) bao tiêu.

Nhận thấy nếu để nông dân tự trồng ớt thì khó có “cửa” để DN “ngó tới” nên anh Từ Ngọc Ngà (34 tuổi, ngụ xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, Trà Vinh) đã thành lập HTX thu mua ớt nhằm có chất lượng đồng nhất bán lại cho DN. 

Anh Ngà kể: “Năm 2014, tôi thành lập HTX Thành Công và chỉ thu mua ớt. Ban đầu có 7 thành viên tham gia với diện tích 50ha. Khởi đầu cũng khó khăn lắm vì tôi đi “gõ cửa” nhiều DN tại ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh nhưng ai cũng lắc đầu từ chối do sản lượng mình cung cấp quá ít”. 

Sau đó, HTX Thành Công đã chủ động cung cấp giống, phân thuốc cho nông dân. Nông dân sau khi sản xuất và thu hoạch ớt được HTX bao tiêu hoàn toàn. Từ đây, một vài DN cũng tìm đến anh Công và ngỏ ý hợp tác thu mua nguyên liệu ớt. Đến nay đã có 4 DN tại TP Hồ Chí Minh thu mua ớt của HTX xuất sang Hàn Quốc và Singapore. 

HTX Thành Công của anh Ngà bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đảm bảo có lời.

“HTX có 20 thành viên, diện tích trồng ớt hiện lên đến hơn 200ha. Một công (sào) trồng ớt tốn khoảng 15 triệu đồng, cho năng suất 2,5 tấn, với giá sàn bao tiêu 11.000 đồng/kg thì nông dân lãi trên 12 triệu đồng/công. Nếu trường hợp giá có giảm thấp hơn giá sàn thì chúng tôi vẫn mua bằng với giá sàn theo thỏa thuận ban đầu để nông dân đảm bảo có lãi”, anh Ngà bày tỏ. 

Trong năm 2015, doanh thu của HTX Thành Công trên 30 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Dự kiến, anh Ngà sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt thêm khoảng 100ha nữa.

Tin vui cho bà con trồng xoài ở Bến Tre, khi mới đây Công ty Thuận Phong (có nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu tại tỉnh Bến Tre) đã ký hợp đồng với 185 nhà vườn trồng xoài cát chu ở địa phương, có thời hạn lên tới 40-50 năm trên diện tích 51 ha. Công ty này sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cố định từ 12.000-15.000 đồng/kg (xoài sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu). 

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX xoài cát Hoà Lộc (xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc mua bán với các đối tác. Xoài cát Hoà Lộc là loại trái cây có thương hiệu từ trước nay nên rất nhiều đối tác tìm đến đặt hàng lâu dài và bao tiêu sản phẩm. 

HTX thành lập từ năm 2002 nhưng thời gian đó, xoài cát Hoà Lộc chưa được chú ý đến do chưa có thương hiệu và sản xuất sạch. Đến năm 2012, HTX chuyển sang làm VietGAP cho gần 21ha xoài và vào năm 2014, toàn bộ diện tích này đều đạt chuẩn GlobalGAP. Kể từ đây, mỗi năm HTX đều xuất khoảng 50 tấn xoài đi Nhật Bản thông qua một công ty tại TP Hồ Chí Minh. 

“Năm nay, xoài mất mùa, có lúc giá thị trường từ 65.000-70.000 đồng/kg xoài (loại 2 trái 1kg) cao hơn giá bao tiêu của DN. Khi giá thị trường tăng thì DN cũng tăng một mức nhất định cho chúng tôi. Có lúc gom không đủ hàng, như năm nay, có bao nhiêu HTX giao bấy nhiêu, không lấy hàng mua bên ngoài, ảnh hưởng đến uy tín và để DN làm ăn lâu dài với mình”, ông Nhơn chia sẻ.

Những mô hình trên cho thấy, việc sản xuất, nhỏ lẻ manh mún trong nông dân đã lỗi thời. Bởi ngoài việc nó không tạo ra được sản phẩm chất và lượng mà DN cần. Hơn nữa, Việt Nam đã bắt đầu gia nhập các hiệp định thương mại thì việc liên kết giữa nông dân với DN là hết sức cần thiết để cạnh tranh với hàng ngoại. 

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, hiện nay nông sản ĐBSCL khi vào mùa thu hoạch rộ là trúng mùa rớt giá. Điều này do trúng mùa thì dư cung, trong khi nhu cầu hoặc dung lượng thị trường ở một mức giới hạn thì giá phải xuống là quy luật kinh tế và thị trường là hiển nhiên. 

Nguyên nhân khác do phía thương lái làm giá khi sản lượng cung tăng lên thì dễ trả giá rẻ hơn đối với nông dân sản xuất nhỏ lẻ và thiếu tổ chức. Đặc điểm hàng hóa nông sản ở ĐBSCL là tiêu thụ thô, thiếu khả năng chế biến và tồn trữ vì thế giá cả dễ lên xuống. Thiếu thương hiệu và chất lượng hàng hóa cũng là nguyên nhân.

Để giải quyết đầu ra cho nông dân, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách liên kết chuỗi. Nhưng trong thực tế về thị trường, lợi nhuận các tác nhân tham gia chuỗi thì khác. Hiện nay, chuỗi mở (qua nhiều thương lái) là phổ biến vì giao thông nông thôn và sông ngòi chằng chịt, kết hợp nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì vai trò thương lái rất quan trọng để gom hàng về cho công ty. Công ty kinh doanh qua hệ thông này thì ít tốn nguồn lực về thời gian, tài chính và nhân lực để nối kết hộ nông dân nhỏ lẻ như hiện nay. 

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh cũng đề xuất, đối với người sản xuất nhỏ lẻ thì thứ nhất, nâng cao năng lực qua tổ chức nông dân theo kinh tế hợp tác, tác động khoa học và kĩ thuật để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ chế tín dụng cho nông dân để ứng dụng kĩ thuật. 

Từ đó, nếu nông dân có sản phẩm tốt theo 4 đúng (chất lượng đồng nhất, lượng đủ khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường cần và hạ giá thành sản xuất) thì dĩ nhiên DN sẽ tìm đến để liên kết với nông dân vì họ cũng phải cần nguyên liệu cho kinh doanh của họ. Thứ hai, chính sách tích tụ ruộng đất để có quy mô trang trại lớn hơn, thứ ba là hệ thống đầu tư công liên quan thực hiện 4 đúng nêu trên.

Như Anh - Văn Vĩnh
.
.
.