Nông dân có bị “mắc bẫy” mua cây sưa đỏ?

Thứ Năm, 19/09/2013, 00:03
Một tuần nay, nông dân trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã mua trồng hàng chục nghìn cây sưa đỏ do Công ty TNHH MTV Hưng Yên (gọi tắt là Công ty Hưng Yên), đóng tại tỉnh Hưng Yên bán. Điều bất thường là ngay sau nhận tiền, công ty này đã vội vã rút lui, “quên” cả làm cam kết với người dân, rằng sau 7 năm sẽ thu mua gỗ cây trên tận nhà với giá 500-800 nghìn đồng/kg gỗ tươi. Chính vì thế, người dân lo lắng là bị lừa…

Ông Lê Tiên Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phúc, huyện Đakrông, cho biết: Sau khi đại diện Công ty Hưng Yên đưa giấy giới thiệu của Phòng NN-PTNT huyện Đakrông, UBND xã đồng ý cho họ (người đại diện) họp dân để tuyên truyền hiệu quả kinh tế của giống cây sưa đỏ. Theo những người đại diện Công ty Hưng Yên, thì giống một cây sưa đỏ giá 26 nghìn đồng, người dân chỉ thanh toán một nửa số tiền, số còn lại khấu trừ sau khi thu hoạch cây bán cho công ty. Thấy nói hiệu quả kinh tế cao nên người dân đã trồng rất nhiều...

Trong khi đó ông Lê Quang Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phúc tỏ ra rất lo lắng: “Nếu tính dân thanh toán một nửa số tiền cây giống (13 nghìn đồng/cây) thì đã quá đắt đỏ rồi, vì tôi xem giá cả rao trên mạng không đến mức này. Vừa rồi, chúng tôi hỏi mấy người quen ở Quảng Bình, họ cho biết ngoài kia hô giá lên 60 nghìn đồng/cây. Tôi thắc mắc thì người đại diện công ty trả lời là, vì ở Quảng Bình mới xảy ra vụ chặt trộm cây sưa đỏ tiền tỷ, nên phải hô giá lên như thế dân mới mua nhiều cây giống(?).”

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrông là người khá am hiểu về loại cây sưa: “Cây sưa có rất nhiều loại, lại khó phân biệt. Chỉ có sưa đỏ mới quý hiếm, nếu trồng phải sưa trắng thì không có hiệu quả kinh tế. Cách đây vài năm, một số người dân ở đây đã trồng thử giống sưa trắng, nhưng bị rỗng ruột, lại không có đầu ra. Người dân chặt bỏ vô số”…

Tìm hiểu sự việc, ông Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Đakrông khẳng định: Ngay sau biết sự việc, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra các doanh nghiệp, tư thương bán cây giống sưa đỏ trên địa bàn. Cụ thể yêu cầu xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến chất lượng giống cây trồng như: Nguồn gốc xuất xứ lô hạt giống; giấy chứng nhận lô cây con do ngành chức năng cấp; giấy đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp của Sở NN-PTNT sở tại cấp… Việc làm này nhằm ngăn chặn sự lừa đảo người dân nếu có, tránh thiệt hại cho bà con. Nhưng được biết, khi cơ quan chức năng huyện Đakrông tiến hành kiểm tra giấy tờ trên đối với đại diện Công ty Hưng Yên, thì họ nhanh chân rút êm…

Đề nghị UBND huyện Đakrông cần có biện pháp phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra chủng loại cây mà Công ty Hưng Yên đã bán cho người dân trồng để phòng tránh thiệt hại kinh tế cho người dân về sau…

Thanh Bình
.
.
.