Nơm nớp nỗi lo tăng giá

Thứ Sáu, 25/01/2008, 21:45
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Mậu Tý, ở nhiều địa phương trong cả nước, giá cả các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ đang leo thang từng giờ, từng ngày.

Tuy nhiên ở Thủ đô Hà Nội, dù chưa bước vào thời kỳ cao điểm sắm Tết, sức mua của người dân còn hạn chế nhưng giá các mặt hàng chuyên dùng cho ngày Tết như rượu, bia, bánh kẹo, và thực phẩm thì đã tăng.

Càng gần Tết, giá càng leo thang

Mặt hàng có mức tăng mạnh hiện nay có lẽ là bia với mức chênh lệch so với trước đến 20.000 - 50.000 đồng/két, tuỳ loại so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, theo giới kinh doanh bia rượu, bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, Hàng Da, trong các loại bia tăng giá mạnh nhất hiện là bia Hà Nội. Từ 130.000 đồng/két (bia lon) của năm ngoái, nay giá bán ra đã lên tới 180.000 đồng.

Không chỉ giá cao mà việc mua đủ hàng đối với các hộ kinh doanh lúc này cũng không đơn giản. Bên cạnh bia một số loại đồ uống đang trong tình trạng không có hàng như cam ép, nước yến tổng hợp; có khả năng giáp Tết, nhiều loại sẽ hết hàng. Không chỉ các cửa hàng nhỏ, lẻ, thông tin từ một đại lý của bia Hà Nội cho biết, do tập trung bán buôn, trong khi lượng hàng chỉ được cấp theo chỉ tiêu, nên về đến đâu, san sẻ hết cho các mối đến đấy.

Thường các đại lý cấp I, cháy hàng đầu tiên và không bao giờ có bia để lại trong kho. Tương tự, chị Hồng - chủ cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm cho biết thêm, những loại bánh, kẹo mà giá ổn định nhất, thì nay cũng đều tăng thêm từ 5.000 -10.000 đồng. Đắt hơn, nhưng những người buôn như chúng tôi muốn mua hàng mà cũng không có sẵn. Mọi năm các loại kẹo xuất xứ Trung Quốc lúc nào cần là gọi thoải mái, nhưng nay, gọi 1, 2 thùng cũng khó khăn. Khách nào đặt nhiều là không có hàng.

Do Tết, lượng tiêu dùng tăng nên bên cạnh đồ uống, bánh kẹo, thì những mặt hàng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày cũng được đẩy giá lên khá cao. Tại những khu chợ xanh, hay chợ Hàng Bè, các mặt hàng rau, củ, quả… mấy ngày nay cũng từ từ lên dần. Rau muống từ 3.500đồng/mớ lên 5.000 đồng/mớ, cà chua tăng từ 2.000-2.500 đồng/kg, dưa chuột, bắp cải, cải bẹ cũng tăng từ 1.000-2.000đồng/kg.

Đặc biệt, các mặt hàng măng khô, miến, nấm hương, đồ hải sản… giá cả cũng tăng với tốc độ chóng mặt từ vài nghìn, đến hàng chục nghìn/kg. Giá tăng thế, nên mấy ngày gần đây, nhiều bà nội trợ là cán bộ công chức đã tranh thủ giờ làm việc để đi sắm Tết… chạy giá.

Nếu ngày bình thường khách hàng là thượng đế thì vào những ngày cao điểm này nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng đuổi khách không thương tiếc, nếu phạm lỗi kỳ kèo mặc cả.

Theo thống kê, trong dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng các loại thịt (trong đó có thịt lợn) tăng từ 20 - 30%. Nhiều khả năng, trong dịp Tết Nguyên đán, giá thịt lợn sẽ tăng cao hơn mức 10 - 20% như mọi năm.

Bộ Tài chính: Sẽ không để đột biến giá trong dịp Tết

Trả lời báo chí vào sáng 25/1, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Vấn đề về giá được Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan tâm. Ngay từ cuối năm 2007, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 05 ngày 26/12/2007, về việc bình ổn giá trong dịp Tết Mậu Tý và năm 2008. Công tác bình ổn giá là giao cho các Giám đốc Sở Tài chính chủ trì với các Sở, ban, ngành, báo cáo với UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương triển khác các biện pháp bình ổn giá cả hàng hoá, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, quan trọng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trên cơ sở giá cả trên địa bàn để đề xuất các biện pháp bình ổn giá, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện, không để xảy ra tình trạng đột biến giá tại các địa phương. UBND các địa phương phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đồng thời kiểm tra, kiểm soát các phương án giá, các mặt hàng dịch vụ...

Cục Quản lý giá cũng phối hợp với Bộ Công thương để tìm ra các giải pháp liên quan đến cung cầu hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá phục vụ Tết. Phương châm điều hành giá năm 2008 là tính đủ giá, xoá bù lỗ đi đôi với trợ cấp hợp lý đối với sản xuất, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng là người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách để giảm thiểu sự tác động của việc tăng giá đến đời sống.

Giá hoa tươi tăng từ 20 - 30%

Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hoa tại Hà Nội cho biết, do nhu cầu hoa tươi năm nay tăng cao đột biến nên ngay từ thời điểm này, giá các loại hoa tươi đã tăng từ 20 - 30% so với năm ngoái và dự báo đến sát Tết còn tăng tiếp. Hiện tại, giá hoa địa lan dao động từ 300.000 - 320.000 đồng/cành.

Hồ điệp giá 200.000 - 230.000 đồng/cành; lan hoàng thảo, hoa màu vàng, bông to, cánh dày, cành cao khoảng 1,4m có giá 420.000 đồng/cành; hoa hồng Đà Lạt 5.000 đồng/bông, hoa hồng thường có giá 2.000-2.500 đồng/bông, hoa Ly giá 20.000-30.000đồng/cành...

Dự báo, sức mua hoa Tết năm nay có thể tăng hơn 25% so với Tết năm ngoái.

Lệ Thúy - Thanh Huyền
.
.
.