Nỗi niềm tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn

Thứ Năm, 23/06/2011, 08:53
Tuyến đường sắt từ Ga Cầu Giát lên Nghĩa Đàn (Nghệ An) được xây dựng từ thế kỷ XX nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá giữa đồng bằng và các huyện miền núi. Khoảng mấy chục năm về trước, tuyến đường này được xem như huyết mạch thông thương giữa miền xuôi và miền ngược. Nhiều năm trở lại đây, tuyến đường này đã bị lãng quên.

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn mấy chục năm về trước mang trong mình nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá, góp phần thức dậy tiềm năng kinh tế của cả vùng Phủ Quỳ. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, tuyến đường này đã vắng bóng những con tàu qua lại.

Hỏi dò mãi chúng tôi mới tìm được đường vào Ga Nghĩa Đàn bây giờ thuộc địa phận thị xã Thái Hòa. Hình ảnh sập sệ, đìu hiu, cỏ dại mọc um tùm xung quanh ga là điều dễ nhận thấy. Bươn chải vào trong dân, tôi mới tìm gặp được ông Trương Văn Dũng, Trưởng Ga Nghĩa Đàn.

Là cán bộ gắn bó với tuyến đường sắt từ năm 1981, hỏi về thực trạng hoạt động của Ga Nghĩa Đàn hiện nay, ông Dũng ngao ngán cho biết: Tuyến đường sắt từ Ga Cầu Giát lên Ga Nghĩa Đàn dài gần 30km, được xây dựng từ năm 1966 có nhiệm vụ tập kết vật liệu, trung chuyển về dưới xuôi, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Phủ Quỳ một thời tấp nập hàng hoá qua lại.

Tuyến gia đường sắt và Ga Nghĩa Đàn gần như bị lãng quên.

Đến nay, mặc dù vẫn thường xuyên có đội tuần đường làm công tác đảm bảo được mặt an toàn, kỹ thuật nhưng một tháng vẫn không có toa hàng nào để vận tải. Không có việc làm, không có thu nhập, anh em công nhân ở đây chỉ còn cách đóng cửa nhà ga đi làm việc khác.

Cũng theo ông Dũng, xét về mặt an toàn cũng như chi phí thì hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt rẻ bằng 1/3 so với việc vận chuyển bằng đường bộ. Thế nhưng, do không có toa xe chuyên dụng cộng với địa bàn tập kết hàng hoá còn bất cập nên các doanh nghiệp khai thác khoáng sản muốn vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tại Ga cũng đành lắc đầu.

Cụ thể, gần 500 tấn đá bazan của Công ty TNHH Vinh Long sau khi tập kết được hàng tại ga thì số tàu xe không có đành đắp chiếu từ tháng 2/2010 đến nay. Số toa tàu, đầu xe không có nên khối lượng vận tải hàng hóa của ga đề ra hằng quý cũng chỉ nằm trên giấy.

Còn ở Ga Cầu Giát thì không kém phần vắng vẻ. Không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa lên Nghĩa Đàn mà đây là điểm ga nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, nay "vắng tanh như chùa Bà Đanh".

Lý giải cho thực tế năng lực vận tải trên tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn giảm sút, Trưởng ga Hồ Xuân Mai cho hay: "Mấy năm trở lại đây, đầu xe để vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường này rất ít. Có năm số lượt xe để phục vụ vận chuyển trên tuyến đường này chỉ đếm đầu ngón tay. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị lên trên tăng đầu xe để phục vụ vận chuyển nhưng không có. Số toa xe phục vụ vận tải cũng không còn phù hợp với loại hàng rời như bột đá, quặng thiếc, chất phụ da. Khách đặt hàng vận chuyển từ đó cũng không đoái hoài gì tới nữa".

Dọc dài theo tuyến đường sắt từ Cầu Giát lên Nghĩa Đàn là cả một bình nguyên trù phú, phủ kín một màu xanh của rừng, của bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê tít tắp mạn Phủ Quỳ. Chưa kể, ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu với cơ man nguồn tài nguyên khoáng sản như đá Bazan, đá trắng, quặng…

Rồi đây những vùng đất đỏ của Nghĩa Đàn sẽ đi vào hoạt động nhà máy sữa có tổng giá trị đầu tư lớn, quy mô tầm cỡ Đông Nam Á. Và, sau này chính Phủ Quỳ sẽ sinh sôi, nảy nở các nguồn hàng hóa cộng với việc khai thác tài nguyên cung cấp cho các vùng, miền không chỉ trong tỉnh mà có hướng vươn rộng ra cả nước.

Cũng theo ông Dũng, tiềm năng hàng hóa ở vùng Phủ Quỳ có nhu cầu vận tải rất lớn, đặc biệt là nguồn khoáng sản các loại. Trước sự phát triển của giao thông đường bộ thì đường sắt vẫn có thể đáp ứng được năng lực vận tải của mình. Theo tính toán, đường sắt vẫn có nhiều ưu điểm so với việc vận tải bằng đường bộ.

Đó chính là giá thành vận tải bằng đường sắt vừa rẻ lại có thể trung chuyển với khối lượng lớn và độ an toàn lại cao. Muốn phát huy được hết tiềm năng của ngành Đường sắt, việc trước mắt là phải đầu tư, nâng cấp toa xe và tăng số lượng đầu xe kịp thời. Để bắt nhịp với nhu cầu vận tải đa dạng, phong phú như hiện nay, ngành Đường sắt có nên bỏ quên tuyến Nghĩa Đàn - Cầu Giát?

Hơn nữa đây là tuyến đường mà Nhà nước đã tốn không ít công sức, tiền bạc để đầu tư xây dựng. Là tuyến đường phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giữa đồng bằng và miền núi. Đến nay, tuyến đường sắt này chỉ nằm dài phơi nắng, phơi mưa và ngày một xuống cấp nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, trước thực trạng trên, các cấp cần có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm phát huy hết năng lực vận tải của tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn. Bỏ quên năng lực vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt này không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước, mà còn bỏ quên một nguồn vận chuyển khách du lịch bằng đường sắt vào không gian văn hóa Làng Vạc và các địa danh khác cũng rất thuận tiện, hấp dẫn như Pù Huống, Cát Mộng, bảo tàng dân tộc Quỳ Châu, hang Bua...                      

Tuyến đường sắt và Ga Nghĩa Đàn gần như bị lãng quên

Trần Ngọc Thái
.
.
.