Nỗi lo về an ninh kinh tế toàn cầu

Chủ Nhật, 13/02/2005, 07:59

Toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược trong thế giới hiện đại và khiến các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trong những dòng thác cuồn cuộn của toàn cầu hóa, an ninh kinh tế là một trong những nội dung cốt lõi của chiến lược an ninh quốc gia.

Tháng 10/2004, có một sự kiện rất đáng chú ý: phiên tòa đầu tiên được tổ chức để xem xét vụ khiếu kiện chống độc quyền của EU đối với Hãng Microsoft. Tại đó, Tòa án châu Âu đã phán quyết tập đoàn công nghệ phần mềm nổi tiếng nhất thế giới của Mỹ phải nộp phạt 497 triệu euro vì vi phạm quy chế độc quyền của EU. Đó là một sự kiện tiêu biểu trong nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề an ninh kinh tế thời hiện đại, thời toàn cầu hóa và công nghệ kỹ thuật số đang phát triển như vũ bão...

Mặt trái của toàn cầu hóa

Dù có vẻ như đây là chuyện cũ xì, lâu nay là những câu nói cửa miệng của các triết gia, các chính khách, các nhà kinh tế và các nhà... bình luận quốc tế! Song, có một điểm khó có thể bỏ qua: Phải chăng, bước vào những năm đầu tiên thế kỷ XXI, toàn cầu hóa đang chuyển vào một bước ngoặt quan trọng?

Trong khi toàn cầu hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nước trên thế giới, thì nó cũng là tác nhân làm tăng thêm khoảng cách giữa các nước giàu với các nước nghèo và giữa các nước giàu, giữa các nước nghèo với nhau. Sự bất công đến tàn nhẫn, và cả sự bất hợp lý từ các tập đoàn xuyên quốc gia hay là các tổ chức quốc tế (bị các thế lực mạnh chi phối dựa trên phép tính lợi nhuận) nhiều khi làm cho các nước nghèo, một bộ phận dân cũng cảm thấy bất công, thậm chí tuyệt vọng. Chính đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phản kháng của nước nghèo đối với nước giàu được lực lượng khủng bố quốc tế lợi dụng, thúc đẩy tư tưởng, hoạt động cực đoan nảy nở và phát triển. Suy cho cùng, toàn cầu hóa là một cuộc vận động mà ở đó chứa đầy mâu thuẫn.

Tấn thảm kịch 11/9/2001 ở Mỹ làm nổ tung một trong những mâu thuẫn đó: mâu thuẫn giữa Mỹ và lực lượng cực đoan ở các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới bị chèn ép. Có thể coi đây là một trong những cái mốc đánh dấu bước ngoặt của tiến trình toàn cầu hóa, và ẩn đằng sau những khối cầu lửa khổng lồ tại tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York và Lầu Năm Góc là vấn đề chính trị liên quan đến an ninh kinh tế chứ không phải là dấu ấn của thuyết “cuộc đụng đầu giữa các nền văn minh” như Huntington đã nói.

Các yếu tố an ninh

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã và đang nói đến các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng tác động đến sự phát triển của một quốc gia. Thực ra, đó chỉ là một cách phân chia theo tuyến về các yếu tố an ninh để có đối sách cho phù hợp. Nhưng an ninh kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng của an ninh truyền thống. Nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế của một quốc gia.

Ngày nay, yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng đan xen với các yếu tố an ninh truyền thống, đe dọa đến an ninh quốc gia nhiều nước. Các quốc gia ngày nay đều phải chịu tác động của mối đe dọa an ninh từ bên ngoài và cả bên trong như mối đe dọa về an ninh kinh tế, an ninh y tế, an ninh môi trường. Thêm vào đó, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia như lừa đảo kinh tế, tiền giả (đôla giả, euro giả và các ngoại tệ giả khác...), tính chất nguy hiểm của các yếu tố đó ngày càng tăng, thậm chí có vấn đề đôi khi còn gây ra hiệu ứng đôminô như khủng hoảng tiền tệ châu Á và những năm 1997-1998 hay dịch SARS hoặc cúm gà mới đây...

Nền kinh tế của các nước trên thế giới trong năm 2004 vừa qua đều phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, giá dầu trên thế giới tăng cao và đồng đôla Mỹ sụt giá khiến nảy sinh những diễn biến phức tạp, bất ngờ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước. Năm 2004, nhu cầu dầu lửa của thế giới tăng mạnh, xung đột còn nóng bỏng ở một số nước sản xuất dầu mỏ chính của thế giới, khiến giá dầu mỏ tăng cao, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán phải hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2004 và cả năm 2005 nữa.--PageBreak--

Năm 2004, một cuộc chiến mới đã xảy ra: có thể gọi đó là chiến tranh tiền tệ. Đây là cuộc chiến về tỉ giá hối đoái giữa các đồng tiền mạnh mà thực chất đó là một vấn đề của mặt trận an ninh kinh tế. Trong cuộc chiến tỉ giá giữa các cường quốc, xem ra các nước nhỏ nếu không có chính sách tiền tệ linh hoạt có thể là nạn nhân trong cuộc chiến tranh có vẻ kỳ lạ nhưng rất thực dụng này...

Nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, nhiều nước đã phải tăng chi phí quân sự, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế. Chi phí quốc phòng quá lớn đã tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tăng thêm thâm hụt ngân sách của các nước, ngay cả cường quốc kinh tế số một thế giới như Mỹ, theo số liệu thống kê của các cơ quan nghiên cứu quân sự, ngân sách quốc phòng của các nước trên thế giới trong năm 2004 đã lên đến gần 1.000 tỉ USD, mức cao nhất trong vòng 25 năm qua.

Các cuộc đụng đầu giành lợi ích chiến lược của các cường quốc

Thực ra, đằng sau các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới đều là những cuộc tranh giành lợi ích của các nước, các thế lực khác nhau, trong đó lợi ích kinh tế là rất quan trọng. Và dù tham gia trực tiếp hay gián tiếp, phần lớn các cuộc chiến ấy đều có bóng dáng của các cường quốc.

Mỹ bất chấp sự phản đối của thế giới xâm lược Iraq là để nắm quyền kiểm soát quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới này. Nhiều cuộc xung đột và tranh chấp khu vực hiện thường xảy ra là ở các vùng nhạy cảm về kinh tế – địa chính trị, liên quan trực tiếp đến lợi ích trực tiếp hay gián tiếp đối với lợi ích chiến lược của các nước lớn. Moskva rất đau lòng bởi không gian hậu Xôviết đang bị Mỹ và phương Tây thôn tính dần. Năm 2003 là Grudia, năm 2004 là Ukraina, còn trước đó là các nước Baltic đã gia nhập Liên minh châu Âu. Ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh cũng đang diễn ra những cuộc tranh giành ảnh hưởng về kinh tế của các cường quốc.

Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng, nhưng kinh tế của các nước đang phát triển, thường gọi là các nước nghèo, đứng trước nhiều thách thức để phát triển. Khả năng chống lại tác động của giá dầu tăng cao, sự biến động của các đồng ngoại tệ và vàng, khả năng tiếp cận và vận hành cuộc cách mạng công nghệ cao... của các nước nghèo là hạn chế hơn các nước giàu.

Năm 2004, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ được nhiều nguồn lực từ bên ngoài, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Tổng sản phẩm trong nước năm 2004 tăng 7,7% so với năm 2003. An ninh kinh tế về cơ bản được giữ vững, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định chính trị và xã hội. Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn về an ninh kinh tế, nhất là trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển.

Hiện nay, tội phạm cũng có xu hướng “toàn cầu hóa”. Tội phạm xuyên quốc gia ngày càng tăng, tính chất và quy mô ngày càng phức tạp và nguy hiểm, trong đó có cả khủng bố, lừa đảo quốc tế, buôn lậu qua biên giới, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh... Vì vậy, cuộc đấu tranh chống tội phạm kinh tế thời mở cửa luôn luôn nóng bỏng và không ngưng nghỉ.

Giữ vững môi trường hòa bình là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với an ninh kinh tế. Nước ta đã triển khai chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc chính là nhằm đảm bảo môi trường an ninh để phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức.

Kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng là nội dung rất quan trọng thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước, cảnh giác với những mưu toan thông qua hội nhập để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, trong đó có "diễn biến" trên lĩnh vực an ninh kinh tế

Nguyễn Khắc Đức
.
.
.