Nỗi lo từ lò bánh Trung thu "tay trần, chân đất"

Thứ Năm, 25/08/2011, 09:14
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến rằm Trung thu... Trên thị trường mặt tiền đường nào đẹp nhất đã được các đại lý tận dụng thuê mướn sẵn sàng phục vụ khách với đủ loại bánh. Thế nhưng bên cạnh nhiều sản phẩm của các công ty sản xuất bánh lâu năm có thương hiệu thì còn có vô số bánh Trung thu "chợ", bánh Trung thu "ngoài luồng" mà "xuất xứ" của nó chúng tôi đã từng được mục kích.

Nơi đó tít sâu trong những con hẻm, hay khu chung cư cũ kỹ, họ mua nguyên liệu và dùng quy trình công nghệ sản xuất chẳng theo một kiểu nào, được áp dụng theo cái cách của riêng… gia chủ. Điều lạ là dù tồi tàn như vậy, dù sản xuất không phép, nhếch nhác nhưng họ vẫn duy trì được nghề nhiều năm nay mà cơ quan chức năng không hay biết.

Nghe chúng tôi thổ lộ muốn làm đại lý bán bánh Trung thu, một cô bạn sốt sắng giới thiệu cho tới gặp chủ một cơ sở làm bánh Trung thu tại khu vực quận 6 và rỉ tai: "Lấy bánh này mới có lời!". Chúng tôi đề nghị cho tới tận nơi sản xuất và được chấp thuận.

Cơ sở nằm ngay gần khu bán hóa chất chợ Kim Biên. Bà chủ người Hoa. Qua một dãy cửa hàng bán các hóa chất, chúng  tôi đi vòng ra sau vào một con hẻm nhỏ xíu, chỉ vừa lọt một người đi. Ngay đầu hẻm một mùi chua của bột ngâm đã bốc lên nồng nặc.

Một góc để nguyên liệu làm bánh tại cơ sở trong hẻm không số thuộc quận 6, TP HCM.

Xưởng bánh là một khoảng trống giữa những căn nhà cao tầng rộng chưa đầy 3m2. Thêm một căn phòng hơn 10m2 được chia làm 2: một bên để những lò nướng bánh và một bên làm công đoạn hoàn tất bánh và đóng gói. Một nhóm thợ nam cởi trần, mặc quần đùi đang tay không nhào nặn bánh cho vào khuôn, bên cạnh là cái cối nhào bột cũ kỹ với từng mảng bám màu đen và gỉ sét đã ăn mòn gần hết cái thanh nhào bột.

Dưới nền đất nhèm nhẹp nước, hai người phụ nữ đang băm thái nguyên liệu làm nhân. Ngoài những chiếc khay đựng bánh, những chiếc chậu, nồi chảo lớn, tất cả đều cáu bẩn. Xúc xích băm nhỏ làm nhân được gia chủ để trong một cái mâm được bày ngay dưới sàn nhà ruồi bâu đen. Bên cạnh chiếc bể lớn đựng nước nhìn ở trên thì trông nước trong vắt, nhưng khi nhìn xuống đáy bể thì có cả lá cây, gián, cặn…

Có khoảng 4 - 5 xô nhựa loại tận dụng từ thùng sơn Nippon đang ngâm bí đao đã đóng mảng vàng phía trên mặt. Bà chủ cho biết đó là bí làm nhân bánh thập cẩm. Nơi này cũng thật ái ngại vì từ dụng cụ đến khuôn viên sản xuất đều xập xệ, ẩm thấp, bột bánh vung vãi khắp nơi.

Hai nhân viên nữ tại đây đang phơi những rổ bí vừa được thái chuẩn bị cho việc trộn nhân bánh còn ướt nhẹp. Tôi thắc mắc, một chị cho biết: "Làm bí khô thì dùng máy sấy khó gì! Nhưng phơi là để làm trắng nhân bí mới cần. Nhưng đã nướng lên rồi thì bánh nào mà chẳng như nhau".

Ở khâu đóng gói nặng nhọc hơn nên nhân viên nam đảm nhiệm. Những chiếc bánh được nướng ra lò, những người đàn ông cho chúng vào một cái thau lớn cho nguội và tiếp tục đổ ào xuống dưới tấm bạt trải dưới đất. Đợi khi nguội, họ dùng tay không nhặt cho vào hộp. Và toàn bộ quy trình "tay trần, chân đất" trên đã được "hô biến" bằng chiếc hộp bánh với mẫu mã đủ loại bắt mắt. Nhưng phía sau nó mấy ai biết được chúng ra đời trong một quy trình sản xuất tệ hại như thế nào.

Tìm hiểu trên thị trường bánh Trung thu năm nay chúng tôi được biết, với một chiếc bánh thập cẩm loại 180g hiệu Bibica đã có giá 40.000đ, hiệu Kinh Đô cùng loại có giá 60.000đ. Loại nhân đậu xanh đắt hơn từ 10.000 - 20.000đ tùy loại. Loại có  1 hay 2 trứng còn có giá cao hơn.

Trong khi ấy hiện tại một số cơ sở trong khuôn viên sản xuất gia đình như trên thì loại bánh nướng và bánh dẻo (có nhân sen, thập cẩm, đậu xanh, khoai môn từ 180g, 200g đến 400g) chỉ có giá từ 8.000 tới 10.000đ/cái. Không chỉ rẻ bằng 1/3 so với những loại bánh từ dây chuyền công nghiệp chính thống mà nó còn được "khoác" thêm bên ngoài đủ loại bao bì mang tên các thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Đồng Khánh, Như Lan… theo yêu cầu của người tới đặt hàng.

Ngoài việc loại bỏ những khâu bắt buộc của quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để cho ra lò bánh "siêu rẻ" này tất yếu các chủ cơ sở phải có "chiêu" bằng cách "thu gom" nguồn nguyên liệu từ nhiều nơi. Ví như với lạp xưởng, nhân đậu xanh thì chỉ cần gom ở những cơ sở sản xuất, tạp hóa, các siêu thị mini tìm mua loại đã hết hạn sử dụng với giá chỉ còn một nửa. Sầu riêng có thể lấy từ những cửa hàng trái cây, kém chất lượng do bị chín nẫu chỉ với giá từ 15.000đ/kg thay vì sầu riêng ngon với 35.000 - 40.000đ/kg.

Để sản phẩm bánh chợ của mình có thể sống được trên thị trường, bên cạnh những mặt hàng có thương hiệu, các chủ cơ sở cũng có cách tìm nguồn khách hàng riêng của mình bằng cách treo một tấm bảng ngoài các chợ, tiệm bánh trong ngõ, hẻm… kèm số điện thoại để cho khách có nhu cầu liên hệ. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu chụp giật chỉ hoạt động từ 4h chiều đến 7h tối và từ khoảng 3h sáng đến 6h sáng.

Trong khi đó hiện tại, thống kê mới nhất của Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng số cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm đã có trên 4.000 cơ sở. Vào mùa dịch vụ Trung thu số lượng các cơ sở phát sinh còn tăng hơn, vì vậy đây thực sự là một thách thức không nhỏ với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thanh tra cũng như xử lý các cơ sở sản xuất bánh Trung thu mất vệ sinh

Hà Nội: Phát hiện 2 tấn thực phẩm làm nhân bánh Trung thu nhập lậu

 

Ngày 24/8, ông Phan Thanh Phong, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 11 Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) và Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Tây Hồ bắt quả tang xe ôtô chở 2 tấn thực phẩm và 50 nghìn lòng đỏ trứng muối do nước ngoài sản xuất không có nguồn gốc, hoá đơn chứng từ nhập khẩu.

 

Chủ hàng là ông Nguyễn Huy Cường, ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương khai nhận, 2 tấn thực phẩm gồm nhân đậu xanh, nhân đậu đỏ và 50 nghìn lòng đỏ trứng muối được bán cho các cơ sở sản xuất để làm nhân bánh Trung thu. Ông Phong cho biết, tất cả số thực phẩm trên đều là hàng nhập lậu, không có kiểm dịch thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trần Hằng

Một tiểu thương chuyên bỏ sỉ các loại bột làm bánh ở chợ An Đông còn giải thích cho chúng tôi cặn kẽ: Muốn làm bánh Trung thu rẻ sẽ có 2 cách: một là trộn bột tạp trong đó kể cả tận dụng làm từ bột bánh mì. Giá thành rẻ hơn hẳn. Hai là vẫn dùng nguyên liệu làm vỏ bánh từ loại bột xịn nhưng bớt nhân đi, tăng phần bột làm vỏ bánh lên gấp đôi.

Còn để tăng thêm "uy tín" của mặt hàng, khách hàng thích nhãn thương hiệu nào là chủ cơ sở sẽ đáp ứng ngay với thêm giá từ 5.000đ - 10.000đ/bao bì tùy theo nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Giá thành lúc này cho bánh "xịn" sẽ dao động từ 15.000đ - 30.000đ/cái bánh.

Huyền Nga
.
.
.