“Nỗi khổ” của khu Liên hợp xử lý rác Đa Phước

Chủ Nhật, 31/01/2010, 16:26
Theo Ban quản lý dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước thì trước đây, ông Mãn từng đề nghị trung tâm của ông được thầu khâu xử lý nước của dự án nhưng không thành, nay ông đích thân đóng giả thuyền chài để đột nhập chụp ảnh hoạt động dự án rồi tố lên HĐND thành phố nhằm gây áp lực để các ngành chức năng vào cuộc.

Cách nay ít lâu, tôi đã có bài viết: "Xây dựng nhà máy xử lý rác, muộn còn hơn không". Nội dung bài viết ấy đề cập đến một vấn đề thời sự, cấp thiết liên quan đến cuộc sống thường nhật của hàng triệu người dân ở các địa phương. Đó là tình trạng ở nhiều nơi, người dân phải sống chung với rác, chẳng những gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường sinh thái, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhiều người; đặc biệt là tại các thành phố, đô thị lớn ở nước ta.

Từ thực trạng ấy, tác giả đã kiến nghị, các địa phương cần sớm xúc tiến đầu tư và xây dựng các nhà máy xử lý rác thải; dù muộn còn hơn không. Đây không chỉ là việc làm góp phần bảo vệ môi trường, mà từ các công trình này sẽ đưa lại những nguồn lợi kinh tế khác như tận dụng khí mê tan để sản xuất điện năng, sử dụng nguồn nước đã được xử lý cung ứng cho các cơ sở công nghiệp và gia dụng v.v…

Lợi ích là thế, ấy vậy mà chừng ấy năm trôi đi, câu chuyện về rác thải xem ra vẫn còn giẫm chân tại chỗ. Các bãi rác thải ở nhiều địa phương vẫn là địa chỉ gây ô nhiễm môi trường làm mất mỹ quan thành phố, kéo theo bao hệ lụy khác. Gần đây, vì không còn chỗ chứa rác thải nên ở một vài địa phương còn mượn cả đất nghĩa trang để làm nơi chứa rác.

Với bức xúc ấy, vừa qua trong chuyến đi công tác tại TP Hồ Chí Minh, cùng với đồng nghiệp ở một tờ báo bạn, chúng tôi đã tìm đến Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Thực tình trước chuyến đi này, tôi từng được chứng kiến ở một số bãi rác thải tại các vùng ven Hà Nội, Hải Phòng và một vài địa phương. Tại các bãi rác ấy ngày ngày có hàng chục, hàng trăm người sống trên các đống rác thải lộ thiên, tiếp đó là cảnh ruồi, nhặng vây kín, mùi hôi thối, nước thải đen kịt thoát ra từ rác v.v… Còn những người dân sống trong các cụm dân cư ở gần bãi rác thì chỉ biết kêu trời.

Đó là chuyện tại các bãi rác ở nhiều tỉnh, thành mà tôi đã được thấy qua các chuyến đi thực địa. Còn bây giờ, trước mắt chúng tôi là một khu liên hợp xử lý rác nằm trên xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Quả thực nếu không được thông báo trước, chắc chắn chúng tôi sẽ nhầm tưởng: Nơi đây người ta đang xây dựng một cơ sở công nghiệp hiện đại tầm cỡ.

Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước, TP Hồ Chí Minh.

Được biết, Khu liên hợp này vừa xây dựng, vừa tiếp nhận xử lý 3.000 tấn rác/ngày, nhưng không có một bóng người sống bằng nghề bới tìm trên các đống rác thải. Tại đây cũng không hề có một con ruồi, muỗi vo ve. 3.000 tấn rác được thu gom từ các ngõ ngách của thành phố đưa về đây, qua trạm cân, qua khâu xử lý rồi được xử lý bởi các công nghệ hiện đại vào bậc nhất thế giới.

Người đầu tiên đón và tiếp chúng tôi là một chuyên gia Hoa Kỳ. Ông tên là Kevin Joseph Moore. Trước khi được chủ đầu tư công trình này mời sang với cương vị là giám đốc điều hành Khu liên hợp, ông đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng và điều hành các nhà máy xử lý rác thải ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Biết chúng tôi là nhà báo muốn đến tìm hiểu công nghệ xử lý rác, ông Kevin Joseph trực tiếp lái xe đưa chúng tôi đến các khu vực chính của dây chuyền xử lý rác thải. Qua câu chuyện của ông Kevin Joseph, chúng tôi mới chợt nhận ra rằng, Khu liên hợp xử lý rác này nguyên là một vùng đất sình lầy được bao bọc bởi các con sông rạch. Trước đây, người dân quanh vùng muốn vào cù lao này để mò cua, bắt cá và trồng cây bồn bồn phải đi bằng xuồng. Có lẽ vì lý do về địa lý và địa hình ấy mà chính quyền thành phố mới chỉ điểm cho nhà đầu tư đến đây để làm nơi đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải.

Chấp nhận các yêu cầu của chính quyền thành phố, anh David Dương, một Việt kiều nặng lòng với đất nước sau chuyến đi thị sát toàn bộ khu vực này, quyết định: Bỏ ra 90 triệu USD với mục đích biến cái cù lao này thành một khu liên hiệp xử lý rác cho thành phố.

Điều cần nói thêm là thời điểm mà gia đình David Dương đầu tư vào dự án này, TP Hồ Chí Minh đã có quyết định đóng cửa 2 bãi rác vì không đảm bảo các quy chuẩn về môi trường cũng như diện tích chôn lấp. Còn với David Dương thì việc bỏ ra một số tiền lớn vào dự án này anh coi đây là một nghĩa cử, là tấm lòng của người con đang làm ăn sinh sống ở xứ người hướng về quê hương, đất nước.

David Dương bảo: Năm 2003, qua lời giới thiệu của cơ quan xúc tiến thương mại thành phố California, anh đã tiếp xúc với đoàn doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh sang Hoa Kỳ tìm hiểu và kêu gọi đầu tư. Trong số các dự án mà thành phố kêu gọi đầu tư có dự án xử lý rác thải. Ít ngày sau, đáp lại lời kêu gọi của UBND thành phố, anh bay về nước. Tại đây, anh được đồng chí Lê Thanh Hải, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố tiếp và hứa sẽ tạo mọi điều kiện để anh thực hiện thành công dự án này.

Quan điểm của anh là không làm thì thôi, còn đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, đưa công nghệ hiện đại của thế giới về Việt Nam để làm cho người dân thấy: Đây không phải là bãi rác như họ thường thấy mà sau khi hoàn tất các giai đoạn, nơi đây sẽ trở thành một công viên phục vụ người dân.

Quyết tâm ấy, lại được chính quyền thành phố nhiệt thành ủng hộ, David Dương trở về Mỹ mời các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về công nghệ xử lý rác thải sang Việt Nam nghiên cứu thực địa và xúc tiến làm dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải. Cuối năm 2005, sau khi nhận giấy phép đầu tư, các chuyên gia Hoa Kỳ bắt tay vào thiết kế và đầu năm 2007, bản thiết kế được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Công việc tiếp theo là dọn dẹp và rà phá bom mìn, tiến hành phát quang, san lấp, xây đê bao để chống nước thủy triều xâm nhập, ngăn nước thải chảy ra rồi trải lên đó loại vải địa kỹ thuật. Hoàn tất các công đoạn ấy, nhà đầu tư đã cho đổ 600.000m3 cát và chi hàng chục tỷ đồng để xây một cây cầu dài 70m, rộng 14m phá thế độc đạo của toàn bộ cù lao này.

Đấy mới chỉ là những phần việc của giai đoạn đầu, còn để tiếp nhận và xử lý rác, tại đây người ta còn phải đầu tư một khoản tiền lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống chống lún, chống thấm vĩnh cửu, hệ thống ống nhiều tầng, nhiều lớp để thu gom nước thải và nước mưa, xây đê bao kiên cố để chống tràn và chống ngập. Các phần việc ấy nhằm mục đích ngăn không cho nước rỉ từ rác thấm vào tầng nước ngầm và không cho nó tràn chảy ra bên ngoài.

Còn rác được xử lý bằng công nghệ posi-shell (một phát minh mới xuất hiện ở Mỹ trong thời gian gần đây). Sau đó, người ta sử dụng chất phụ gia keo phun trực tiếp lên rác. Được biết, lớp phụ gia này sẽ khử mùi hôi thối phát ra từ rác và diệt các loại côn trùng.

Theo ban quản lý dự án thì hàng ngày từ 18h đến 6h sáng hôm sau các xe chở rác từ khắp nơi trong thành phố đưa 3.000 tấn rác về đây để xử lý. Toàn bộ Khu liên hợp được chia thành 3 khu vực nằm trên diện tích 128ha: Đầu vào là rác, song theo các nhà quản lý ở đây khẳng định: Dự án này sẽ không bỏ đi một cái gì, mặc dù đó là rác.

Sau khi kết thúc các phần việc xử lý rác, hàng ngày nơi đây sẽ tiếp nhận 7.000 tấn rác/ngày và sẽ là địa điểm cung cấp khí gas để phát điện phục vụ Khu liên hợp, còn nếu sử dụng không hết sẽ hòa lưới điện quốc gia. Còn nước, sau khi xử lý sẽ tái sử dụng cho sinh hoạt. Chưa hết, một nguồn lợi lớn là sản xuất phân vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp.

Lợi ích là thế, vậy mà có ai nghĩ rằng, trong lúc chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh ủng hộ, các cơ quan truyền thông tán đồng, cổ vũ cho dự án này thì chỉ vì cạnh tranh không lành mạnh, hoặc những nguyên do cá nhân mà một số người đã bày ra trò này, việc kia để gây khó dễ cho nhà đầu tư cũng như cản trở các công việc đang vận hành ở đây.

Tôi còn nhớ, trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi tại hành lang Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức vào cuối năm 2009 tại Hà Nội; anh David Dương, chủ dự án này bảo rằng: "Vấn đề bảo vệ môi trường bây giờ là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng gì ở Việt Nam, bởi nó đang gắn liền với lợi ích thiết thân của từng người, từng gia đình. Là người Việt Nam sống xa Tổ quốc, tôi thấy mình cần làm một cái gì đó để góp phần xây dựng quê hương, đất nước".

Sẵn có kinh nghiệm trong nghề xử lý rác ở Hoa Kỳ, gia đình anh đã đầu tư một số tiền lớn vào dự án xử lý rác ở TP Hồ Chí Minh. Dự án trên như một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã nói: “Ra đời trước bối cảnh cấp bách là phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất để kịp phục vụ nhu cầu thiết thân của thành phố, khi mà các bãi rác Đông Thạnh và Gò Cát phải ngừng hoạt động".

Do tính cấp bách ấy nên dự án vừa trong thời kỳ xây dựng, vừa tiếp nhận và xử lý rác cho thành phố. Đáng ra, việc làm trên phải nhận được sự ủng hộ, song rất tiếc như David Dương nói, những người làm dự án này đã vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của một số người. Họ tìm cách này, cách khác để làm mất uy tín và danh dự những người có tấm lòng thiết tha với quê hương, đất nước.

Hỏi ra mới rõ, tư tưởng cạnh tranh thiếu lành mạnh ấy như nhiều tờ báo có uy tín ở Trung ương và thành phố đã chỉ đích danh nằm ở ngay một vài người được giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường thành phố. Một đồng nghiệp của chúng tôi trong một bài viết đã nêu ra một số tình tiết mà chúng tôi thấy rất thú vị rằng, ông Lê Thượng Mãn, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, trong các kỳ họp HĐND thành phố, nhiều người rất tán đồng với những lời phát biểu của ông, bởi ông có những chất vấn với các vấn đề liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, việc ông Hội đồng "vừa chất vấn, vừa kinh doanh", đặc biệt là khi ông đích thân đóng giả thuyền chài để chụp ảnh phản ánh ô nhiễm của các bãi rác, cũng bị dư luận nghi ngại.

Theo Ban quản lý dự án Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước thì trước đây, ông Mãn từng đề nghị trung tâm của ông được thầu khâu xử lý nước của dự án nhưng không thành, nay ông đích thân đóng giả thuyền chài để đột nhập chụp ảnh hoạt động dự án rồi tố lên trước HĐND thành phố nhằm gây áp lực để mong các ngành chức năng vào cuộc.

Chưa hết tại đây, thời gian qua còn xảy ra một số vụ việc khiến dư luận rất đau lòng. Đó là những vụ đập bể chứa nước xử lý và một vài hạng mục, thiết bị khác khiến ban quản lý phải thuê mướn bảo vệ canh giữ 24/24 giờ. Rồi người ta còn vẽ ra đủ các lý do để lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại chỗ khiến cho nhà đầu tư nản lòng. Một cán bộ quản lý có trách nhiệm ở Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước nói: "Nhiều lúc, chúng tôi cảm thấy mệt mỏi, rã rời vì họ bịa ra nhiều lý do để kiểm tra lia lịa. Có khi chỉ vì ống nước xả nước mưa thôi, cũng là một cái cớ để họ kiểm tra".

Được biết, sau khi các cơ quan truyền thông cảnh báo những vụ việc này, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND TP có văn bản gửi Công an TP Hồ Chí Minh làm rõ về những phản ánh của dư luận về những việc làm của ông Lê Thượng Mãn, đại biểu HĐND "vừa chất vấn, vừa kinh doanh".

Rất mong những vụ việc trên sớm được làm sáng tỏ bởi Khu liên hợp xử lý rác này không chỉ làm lợi cho nhân dân thành phố, mà còn ngăn chặn và vạch trần những người "mượn gió, bẻ măng"

Lưu Vinh
.
.
.