Chuyện người quản lý:

Nỗi buồn chợ đêm phố cổ Hà Nội

Thứ Hai, 16/01/2012, 11:06
Với mong muốn tái hiện không gian văn hóa đậm chất truyền thống của người Hà Nội, chợ đêm phố cổ được kì vọng sẽ  mở ra một không gian giao lưu văn hóa, trung tâm du lịch lớn của Thủ đô. Tuy nhiên, kết quả chưa thấy đâu, càng gần Tết chợ đêm phố cổ lại càng cho thấy sự bát nháo và thiếu bản sắc?

Hàng nhập lậu từ Trung Quốc, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không hạn sử dụng, bao bì, hàng giả, hàng nhái chất lượng kém…vẫn được bán tràn lan ở khu chợ đêm Phố cổ Hà Nội. Những ngày cận Tết, chợ đêm phố cổ thu hút hàng triệu người trong đó có một lượng lớn là các du khách nước ngoài. Tuy nhiên, bất cứ ai qua chợ thời điểm này đều phải ngán ngẩm “văn hóa Hà Nội rẻ tiền quá”.

Có một ý tưởng rất hay khi quyết định mở khu chợ đêm phố cổ đó là nơi giới thiệu văn hóa làng nghề Thăng Long – Hà Nội, nét ẩm thực độc đáo của người Tràng An. Thật tuyệt nếu như một du khách nước ngoài đi chợ đêm có thể tìm thấy được những sản phẩm như: gốm Bát Tràng, ô mai Hàng Đường, vải Hàng Đào...

Tuy nhiên, điều đó giờ chỉ còn là phù phiếm khi mà chính người dân Việt đến chợ đêm cũng không thể nhận diện được văn hóa Hà Nội được giấu ở đâu trong một “rừng” các sản phẩm nhập lậu kém chất lượng.

Trải dọc các tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào, sau hơn 8 năm đi vào hoạt động (thành lập 2003) thay vì giới thiệu về văn hóa người Hà Nội, chợ đêm Phố cổ đã bị biến tướng và mang tính thương mại hóa cao độ. Người bán có thể thích gì bán nấy không cần phải là “đặc sản Hà Nội” hay phải có chất lượng tốt, chỉ cần có lợi nhuận là được ban quản lí chợ cho phép kinh doanh.

“Chợ đêm lộn xộn thiếu bản sắc”.

Chính vì vậy, chợ đêm phố cổ giờ đây là điểm tập kết bán hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp. Theo ghi nhận của phóng viên ngày 13/1, hàng hóa ở chợ đêm phố cổ những ngày giáp Tết đặc biệt phong phú và đa dạng. Người mua có thể bắt gặp đủ các loại hàng từ các vỏ bọc điện thoại, thắt lưng da, điện thoại, đồng hồ, kính mắt, quần áo, túi xách, quà lưu niệm, đồ chơi trẻ em đến các mặt hàng phục vụ Tết như giỏ quà Tết, hoa và cây cảnh, bánh kẹo các loại.

Cầm một chiếc khăn mỏng trên tay có giá 65 nghìn đồng chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc sản phẩm thì được anh Thanh thẳng thắn thừa nhận đây là hàng nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc). Anh còn cho biết thêm “toàn hàng Trung Quốc thôi, vài chục ngàn lấy đâu ra hàng thủ công truyền thống chứ. Đến 90% hàng hóa ở đây đều là hàng nhập từ bên cửa khẩu Lạng Sơn và các vùng giáp biên Trung Quốc về”.

Chợ đêm phố cổ còn là điểm tập kết của bánh kẹo “siêu rẻ” đến từ Trung Quốc. Hàng loạt các loại kẹo cân, kẹo dẻo, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt dẻ cười, ô mai nho xanh, táo tàu… đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các mặt hàng này được đóng vào các bao tải to, giao hàng đến tận nơi. Thậm chí, một số người bán hàng còn cố tình che đậy bằng cách đóng vào các bao bì có ghi nhãn mác là hàng Việt. Theo khảo sát của phóng viên, các loại kẹo này có giá rất rẻ, chỉ khoảng từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, ô mai nho xanh có giá 120 nghìn đồng/kg, táo tàu khoảng 110 nghìn đồng/kg…

Theo bà Tứ, một chủ cửa hàng bán bánh kẹo lâu năm trên phố Hàng Buồm cho biết “bánh kẹo, ô mai, nhãn lồng… đều có người chở đến tận nơi giao hàng, rồi sau đó mới đóng gói riêng từng gói cho dễ bán”. Những mặt hàng kẹo “nhiều không” này vẫn bày bán công khai trên chính những con phố cổ nhất ở Việt Nam đã vô tình quảng bá thương hiệu cho một nền văn hóa khác

Huệ Bạch - Kiều Linh
.
.
.