Nốc điện - thảm họa của thủy sinh

Thứ Bảy, 15/12/2007, 09:38
Một chiếc nốc (thuyền) nổ máy chạy từ từ trên biển hay trên sông, trông có vẻ như dạo chơi, thư thái nhưng đó là cách đánh cá kiểu mới bằng xung điện, với mức độ hủy diệt cực lớn. Kiểu đánh bắt này hiện đang thịnh hành ở tỉnh Nghệ An, tuy kiếm được tôm cá dễ dàng, nhưng cũng dễ dàng về "chầu Diêm vương" chỉ trong chốc lát.

Long, tay có thâm niên trong nghề đánh cá bằng xung điện đồng ý cho tôi cùng lên chiếc nốc đã đậu sẵn bên bờ kênh để làm chuyến ngược dòng. Chiếc nốc lắp máy Cô-le nổ đành đạch từ từ tiến.

Đi khoảng vài chục mét, tôi bắt đầu thấy cá tôm lao lên mặt nước phơi trắng bụng. Long chỉ việc lấy chiếc vợt xúc đổ xuống lòng nốc. "Bắt kiểu này ít có con nào thoát chú ạ! Con nào không xúc được thì đã có lưới hứng rồi" - Long phấn khởi quay lại nói với tôi.

Quả vậy, cứ khoảng ba mươi phút anh ta lại kéo lưới lên một lần, một mẻ như vậy cũng trên 1kg cá, tôm. Hỏi Long: "Những người đi bắt cá bằng nốc điện như anh nhiều không?". Long cười: "Ở đâu có sông, kênh, biển ở đó có nốc điện. Xã tui cũng có dăm chiếc. Ở biển thì nhiều nhưng đất có thổ công, sông có hà bá, bọn tui chỉ đánh ở sông, kênh". "Càn quét kiểu như thế này mà  không bị Công an hỏi thăm à?". "Cũng rất khó phát hiện vì như chú thấy đó, đứng trên bờ mà không chú ý thì không biết. Bắt thì bắt bọn trộm cướp tiền triệu, tiền tỉ, chứ dân nghèo như bọn tôi kiếm con tôm, con tép về bán, ai nỡ bắt"?!

Kết thúc chuyến đi ngắn, tôi áng chừng trong lòng nốc cũng khoảng trên yến cá. Long tâm sự: "Bây giờ người đánh bắt nhiều, chứ trước đây tui đi một ngày cũng khoảng dăm yến cá. Cũng may có nghề này mà tôi có thêm đồng tiền bát gạo trang trải cho con cái nó ăn học".

Tiếp cận với những ngư phủ ở vùng biển các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, tôi thấy mức độ càn quét còn kinh khủng hơn. Tôi đã theo một thuyền chài của người bà con ở Diễn Châu để chứng kiến 2-3 chiếc nốc dàn hàng ngang truy quét trên vùng biển. Các loài thủy sản to nhỏ đều không thoát được những nốc điện đánh bắt theo kiểu thảm sát này.

Một cán bộ của Phòng Nâng cao nhận thức cộng đồng, Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: "Đánh bắt cá bằng xung điện là thảm họa của sự huỷ diệt. Khi dòng điện được phóng xuống nước thì tất cả các loài động vật đều chết, nếu như không chết thì cũng bị tàn phế, ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sản. Nói chung các loài thuỷ sinh đều ảnh hưởng.

Hàng triệu vi sinh vật có lợi sẽ chết, điều đó dẫn đến thay đổi về điều kiện sống, tập quán sinh trưởng của các loài động, thực vật theo chiều hướng bất lợi, làm giảm tính đa dạng sinh học, ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng sinh thái... Đối với con người, đừng tưởng phạm vi an toàn của xung điện ở dưới nước là ngoài 2m. Đứng dưới nước cách chỗ xung điện khoảng 10-15m vẫn ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hủy diệt hồng cầu, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Điều đó cho thấy đánh bắt cá bằng xung điện là cực kỳ nguy hiểm, thảm họa thật khó lường"

Tiến Dũng
.
.
.