Nỗ lực đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng

Thứ Sáu, 21/12/2012, 01:34
Với hơn 86 triệu dân, sức mua đang tăng mạnh, Việt Nam là một thị trường vô cùng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất. Tuy nhiên, tiềm năng lớn đó chưa được các nhà sản xuất trong nước tận dụng khi hàng hóa nội địa chưa tìm được cách đến được tay người tiêu dùng.

Trước tình hình này, ngày 19/12, Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội tổ chức Hội nghị Chắp nối cung cầu hàng hóa các tỉnh phía Bắc nhằm tìm ra các giải pháp đưa hàng của các DN, nhà sản xuất nội địa đến được tay người tiêu dùng.

Tại hội nghị này, các nhà sản xuất trong nước đã chia sẻ những khó khăn mà họ đang gặp phải, phần lớn trong số đó là chưa xây dựng được mạng lưới phân phối của riêng mình, trong khi vô cùng khó tiếp cận với mạng lưới phân phối hiện đại là các siêu thị.

Bà Hạ Hồng Nhung - Giám đốc bán hàng Công ty Tràng An chia sẻ: Từ năm 2010, công ty đã thay đổi hướng kinh doanh với mục tiêu tập trung vào các siêu thị. Hiện nay sản phẩm của công ty đã có mặt tại rất nhiều siêu thị trên cả nước. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các hệ thống lớn gặp rất nhiều khó khăn, vừa đòi hỏi về việc phải có tiềm lực vì các siêu thị thường nợ đọng lớn, vừa đòi hỏi về việc xây dựng đội ngũ marketing chuyên nghiệp.

Nhiều hàng Việt vẫn khó chen chân vào siêu thị.

Cũng với những trăn trở về kênh phân phối, ông Đinh Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty Ladoda cho biết: Hiện có rất ít kênh để DN nội phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhiều làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ do bán hàng tự phát. Có thể kể đến trường hợp của HTX miến Việt Cường - Thái Nguyên. “Sản phẩm của chúng tôi hiện tiêu thụ được khoảng gần 20 tấn/tháng. Tháng Tết còn bán tốt hơn. Tuy vậy để vào siêu thị lớn là rất khó. Các giấy tờ cần thiết như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa, chúng tôi đã làm cơ bản đủ và mong muốn ban lãnh đạo các siêu thị nghiên cứu, xem xét hướng dẫn chúng tôi làm thế nào vào được các hệ thống siêu thị, cần gặp ai ...” – ông Nguyễn Văn Ba – Chủ nhiệm HTX chia sẻ.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc Công ty Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết: Đúng là có những mặt hàng như hóa - mỹ phẩm, sản xuất trong nước còn hạn chế, nên người tiêu dùng thường tìm đến sản phẩm của các đơn vị liên doanh hoặc nhập khẩu cao cấp. “Nhà sản xuất phải chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí giá thành phải thấp nhất có thể để giá đưa ra thị trường hợp túi tiền người tiêu dùng. Phải có kế hoạch xây dựng thương hiệu trên thị trường môt cách bài bản. Nhà sản xuất đưa hàng mới ra thị trường đòi hỏi phải làm các chương trình khuyến mại và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhà sản xuất nên tìm đến nhà phân phối cụ thể, kênh siêu thị để nhận tư vấn cho sản phẩm của mình. Đó là con đường nhanh nhất đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bán lẻ là cầu nối nhanh nhất và tốt nhất”.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu nhấn mạnh để giúp hàng Việt tăng được sức cạnh tranh, tìm được chỗ đứng trên thị trường chính là phải ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Các nhà sản xuất và bán lẻ đều kiến nghị Bộ Công thương cần tăng cường công tác quản lý thị trường, chặn đứng hàng nhập lậu, hàng giả...

Từ tháng 7/2009 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý một lượng lớn hàng hóa vi phạm là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng được sản xuất trong nước hoặc được đặt hàng tại nước ngoài như: 35.500 chai rượu, hơn 500.000 chai bia, hơn 150.000 chai nước giải khát nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng; hơn 110 tấn mỳ chính, bột ngọt nhập lậu, kém chất lượng; gần 4.000.000 bao thuốc lá nhập lậu, giả nhãn hiệu các loại; gần 1000 tấn trái cây, hoa quả, nông sản nhập lậu; gần 190 tấn đường kính nhập lậu, quá hạn sử dụng; 109kg và gần 500.000 hộp, vỉ, viên tân dược nhập lậu, quá hạn sử dụng; hơn 420 tấn gia súc, gia cầm và phụ phẩm gia súc, gia cầm cùng gần 1.000.000 quả trứng gia cầm các loại.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa:
Tìm chiến lược dài hơi cho hàng Việt

“Hội nghị này với mong muốn tăng cường liên kết giữa 3 nhà gồm nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối, trên cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp, qua đó có thể kết nối và tăng cường phối hợp giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nông thôn với thị trường trong nước thông qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; từ đó có những chiến lược dài hơi hơn từ việc nghiên cứu phát triển và mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm, định hướng sản xuất phù hợp, hình thành chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả…”.

Vũ Hân
.
.
.