Những tội phạm kinh tế điển hình trong năm 2004

Thứ Năm, 06/01/2005, 10:52
Trong năm 2004, dư luận chú ý đến vụ "chạy" mua quota xuất khẩu các mặt hàng dệt may với việc Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Lê Văn Thắng và 10 đối tượng khác.

Một tiêu cực gây nhức nhối là vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở nhiều công trình, dự án. Thất thoát chủ yếu do sự thông đồng giữa các đơn vị tư vấn, khảo sát, thiết kế, thẩm định, giữa chủ đầu tư với các bên B thi công.

Để rút tiền, những “con sâu” này đã áp dụng nhiều tiểu xảo như: nâng khống giá trị dự toán, thay đổi chủng loại vật tư, thi công sai thiết kế làm cho không ít công trình xây dựng sai quy hoạch, thậm chí ngoài quy hoạch, chất lượng kém.

Năm 2004, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ trong cả nước đã phát hiện, điều tra 7.937 vụ tội phạm kinh tế, trong đó 802 vụ xâm phạm sở hữu, thiệt hại 946.566 triệu đồng, thu hồi 81.032 triệu đồng và 7.135 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác, thu giữ hàng hóa trị giá 119.060 triệu đồng, truy thu phạt thuế 34.897 triệu đồng. Đã khởi tố 571 vụ, 1.142 bị can; chuyển ngành khác xử lý 315 vụ; xử lý 5.215 vụ, 1.836 vụ đang điều tra.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai nổi lên nhiều vụ giao đất, chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái thẩm quyền; quy định giá đền bù không thống nhất, tùy tiện; tham ô trong đền bù giải phóng mặt bằng. Thủ đoạn chính là chứng nhận cho dân bán đất để lấy tiền, lập hộ "ma", ruộng "ma", thậm chí mộ "ma"…

Tại một số dự án cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, cán bộ địa chính đo thừa hàng ngàn m2 đất so với diện tích được giao, còn doanh nghiệp thì lập dự án "ma" để được mua đất, cấp đất, thuê đất, sau đó bán lại để lấy chênh lệch như Công ty Giống lợn miền Bắc ở Khu công nghiệp An Khánh, Hà Tây thừa trên 5.000m2, không xây dựng khu chế biến thực phẩm như cam kết mà cho 15 đơn vị, cá nhân thuê lại, thu lời bất chính 35 tỷ đồng.

Công an Tp.HCM phát hiện Phạm Thị Tuyết Lan thông đồng với Công ty Địa ốc Gò Môn thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn mua gom đất của dân, sau đó bán lại cho Công ty Địa ốc Gò Môn thực hiện dự án khu nhà ở tại phường 12, quận Gò Vấp, số tiền chênh lệch bước đầu xác định khoảng 17 tỷ đồng.

Lực lượng Công an tiếp tục phát hiện 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt 30 tỷ đồng thông qua hoàn thuế và mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn VAT.

Đã xuất hiện loại tội phạm mới, lợi dụng quy chế chậm nộp thuế nhập khẩu 1 tháng, một số đối tượng thành lập nhiều công ty, nhập xe ôtô với số lượng lớn, tổ chức tiêu thụ nhanh rồi giải thể công ty, bỏ trốn, chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền thuế.

Qua đấu tranh đã phát hiện những tổ chức, đường dây sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả mang tính chuyên nghiệp với từng công đoạn khác nhau. Lực lượng Công an đã khám phá 206 vụ, bắt giữ 222 đối tượng, thu giữ trên 4 tỷ đồng tiền giả, điển hình như vụ Tô Quang Hồng đang vận chuyển 229,7 triệu đồng tiền giả bị Công an Hà Nội bắt giữ.

Xuất hiện thủ đoạn phạm tội mới trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng như lợi dụng công nghệ tin học để tham ô, chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn lập giả các chứng từ, lợi dụng sơ hở trong việc bảo mật mạng máy tính, lấy cắp mật khẩu của giao dịch viên, dùng thao tác nghiệp vụ trên máy tính để che giấu hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn diễn ra ở nhiều nơi, như Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Công ty In Bộ Văn hóa, chi nhánh Tp.HCM tham ô 70 tỷ đồng; vụ Trần Văn Đạt - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành, An Giang chiếm đoạt 5,8 tỷ đồng…

Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, mỳ chính, thuốc lá. Điển hình như Cao Thị Xuyến, ở Thái Bình buôn bán 62kg mì chính Ajinomoto giả; vụ Nguyễn Hoàng Phúc - Đồng Nai tàng trữ 759 thùng rượu giả và nhiều bao bì, nhãn mác làm rượu giả các loại.

Đáng chú ý, gần đây xuất hiện tình trạng làm giả một số mặt hàng có uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam như thuốc lá, mỹ phẩm… từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ.

Ngoài ra, lợi dụng sự chênh lệch về giá vàng giữa Việt Nam và nước ngoài, các đối tượng buôn lậu gom ngoại tệ từ nội địa chuyển qua nước ngoài mua vàng vận chuyển trái phép về Việt Nam. Công an Quảng Ninh khám phá đường dây buôn lậu vàng với số lượng lớn. Các đối tượng này, từ ngày 30/5 đến 27/7/2004, một đường dây buôn lậu đã đưa về Việt Nam 1.929kg vàng

Nguyễn Hoa
.
.
.