Những thông tin mới nhất về sai phạm của ông Mạc Kim Tôn

Thứ Năm, 28/09/2006, 15:00

Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thái Bình, đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, bị bắt về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Để đáp ứng yêu cầu độc giả, chúng tôi đã theo sát và xin chuyển tải những thông tin mới nhất về vụ án.

Theo tài liệu sơ kết của cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình thì đến thời điểm này đã có 46 trường học và các nơi thuộc diện được lắp máy trong dự án phải chi tiền "lại quả" cho ông Tôn và Trần Thị Ánh số tiền 549 triệu. Đến nay Ánh mới khai đã nhận 281 triệu đồng. Còn ông Tôn khai nhận 63 triệu từ các trường và một số quà biếu từ thị Ánh. Tuy nhiên, trong quá trình khai báo tại cơ quan điều tra, ông Tôn có thái độ không hợp tác, chống đối bằng cách khi các điều tra viên hỏi về các vụ việc liên quan đến các sai phạm cũng như các hành vi phạm tội, ông Tôn luôn trả lời: "Không biết, lâu ngày không nhớ!...", dù có thể sự việc đó là hiển nhiên, nhiều người cùng chứng kiến và khai nhận.

Chẳng hạn, ông Tôn khai nhận được thư của Ánh gửi vào ngày 2/6, nhưng Ánh lại khai rằng chị ta và một người bạn gái khác đã gặp ông Tôn tại một khách sạn ở phố Lò Sũ để ông hướng dẫn Ánh viết thư. Sau đó ông Tôn phê gửi ông Trần Văn Điền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo để ông Điền xác nhận số máy đã nhận của Công ty Kiên Cường và đề nghị ông Điền ký hợp đồng mua máy với Công ty ASP (Hà Nội) (nói nại ra rằng chỉ ký như vậy trên giấy tờ, còn thực tế coi như hợp đồng vận chuyển hàng hóa). Cơ quan Công an cũng đã lấy lời khai của những người chứng kiến sự việc, xác minh được tại thời điểm mà Ánh khai báo, sổ sách của khách sạn trên còn lưu lại tên của Trần Thị Ánh và Mạc Thanh H. thuê một phòng để "bàn chuyện".

Ai cũng hiểu rằng Trần Thị Ánh đã nhiều tuổi và hình thức không có gì nổi trội, còn H. là người trẻ tuổi và cũng có danh vị trong xã hội, đâu thể xảy ra chuyện "cọc lệch" như vậy. Thế nhưng, ông Tôn vẫn nói không biết, vì đấy có phải tên ông đâu(?). Ngoài ra, Ánh và những người có liên quan khai nhận, trong một lần làm việc với các công ty có máy tính bán tại Hà Nội, ông Tôn và Ánh không đi xe công vụ, mà thuê xe ngoài, sau đó đi thẳng lên Sa Pa chơi 3, 4 ngày. Thực ra, chúng tôi không muốn đi sâu vào những mối quan hệ riêng tư của mỗi người, nhưng đưa ra những dẫn chứng cụ thể này để thấy ông Tôn luôn tìm cách quanh co chối tội dù đã có đủ lời khai và từ mối quan hệ có vẻ "không bình thường" này mới dễ giải thích hơn nguyên nhân vì sao ông Tôn bị Ánh "dắt mũi" trong trò lừa đảo của chị ta.

Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, do đã có thời gian dài chuẩn bị tư tưởng về việc sẽ bị cơ quan Công an bắt giữ nên ông Tôn có biểu hiện tiêu hủy chứng cứ, tài liệu. Trong khi các trường khai nhận đưa cho ông Tôn số tiền 179 triệu đồng, nơi nào đưa cũng có nhiều người chứng kiến và thể hiện trên sổ sách thu chi, nhưng trước sau ông Tôn vẫn chỉ nhận đã cầm 63 triệu của các trường và không biết những số tiền khác.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi điều tra những việc vi phạm pháp luật của ông Tôn và cô Ánh trong vụ lừa dự án máy tính hóa trường học, cơ quan Công an còn làm rõ thêm một số sai phạm của ông Tôn trong quá trình công tác. Trước đây, vì quan hệ với Ánh nên ông Tôn đã đưa 2 cháu học sinh thi trượt THPT do Ánh nhận "chạy" vào học tại các trường của Sở. Sau phi vụ này, Ánh khai đã biếu vợ chồng ông Tôn 2 chiếc điện thoại di động trị giá khoảng chục triệu đồng. Ngoài ra, sau khi ông Tôn bị bắt, cơ quan Công an đã liên tiếp nhận được đơn tố cáo về việc ông Tôn đã lợi dụng chức danh Giám đốc Sở để nhận 20 triệu đồng trở lên đối với mỗi trường hợp giáo sinh muốn xin vào dạy tại các trường trên địa bàn tỉnh. Cơ quan Công an cũng đã thu thập được nhiều tài liệu liên quan.

Một vấn đề nữa được đặt ra trong vụ án này là 4 bị hại là các công ty kinh doanh máy tính trên địa bàn tỉnh Thái Bình và TP Hà Nội. Các công ty đều xin được khắc phục nhanh hậu quả, có nơi còn đòi được tháo máy mang về. Thực ra điều lo lắng của các doanh nghiệp trên là dễ hiểu. Vì thế, thiết nghĩ, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan chức năng cũng nên nhanh chóng thành lập Hội đồng thẩm định giá để định giá những tang vật này, trên cơ sở đó các cơ quan tố tụng trao trả cho doanh nghiệp bị hại, như vậy sẽ khắc phục tốt hơn một phần hậu quả của vụ việc. 

Các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình đang tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ để định rõ tội danh của các bị can, chẳng hạn sẽ xác định tội danh của Trần Thị Ánh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay là lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi…

T. Hòa
.
.
.