Những người “nhảy việc”

Thứ Ba, 15/03/2005, 10:01
Trong vòng 8 tháng qua, Nguyễn Toàn, 24 tuổi, công nhân khu chế xuất đã thay đổi tới 4 chỗ làm. Toàn bảo: "Có gì lạ đâu. Tụi bạn em nó còn làm cho chị chóng mặt hơn nữa kìa".

Nhóm bạn của Toàn cũng có tính “bay nhảy” như Toàn. Nhóm Hùng và Tứ trước phục vụ cho nhà hàng ở quận 1 nay chuyển về quận 5 đầu quân cho một cửa hàng cơm Trung Hoa Chợ Lớn. Nhóm của Tú Uyên gồm 3 người, tháng trước còn đi hết quận này đến quận khác năn nỉ tư vấn bảo hiểm cho khách hàng, nay đã thấy chuyên nghiệp trong trang phục váy đen áo vét đỏ giới thiệu mỹ phẩm cho một hãng tên tuổi ngay tại trung tâm thành phố.

Người nhảy việc phần đông đang ở giai đoạn thử việc. Nhóm nữ công nhân ở Công ty May xuất khẩu X.G quận Tân Bình kể: "Tụi em ở quê vô nhờ người quen xin vào công ty thử việc trong 3 tháng, nhưng gần 3 tháng mới tạm ứng có 30% lương. Bất mãn quá tụi em nộp hồ sơ xin việc nơi khác".

Giám đốc nhân sự một công ty bảo hiểm than thở: "Với chiêu giật hoa hồng lên cao để thu nạp đại lý, nhiều công ty sinh sau đẻ muộn đã sẵn sàng bóp kèn qua mặt "anh Hai". Tiếc là tiếc công đào tạo, nhưng giữ người ở chứ ai giữ được người đi". Quan niệm về công việc của những người nhảy việc rất đơn giản: "Công việc chỉ là quả bóng, nó rơi xuống rồi nó sẽ nảy lên ngay thôi mà".

Bỏ cơ quan này đến một cơ quan khác làm việc, người ra đi thường để lại sau lưng mình những hậu quả khó giải quyết. Đại lý bảo hiểm ra đi bỏ lại những khách hàng "mồ côi" không người chăm sóc, nhân viên mỹ phẩm mang theo cả những khách hàng thân thiết của công ty.

Những công ty độc quyền chiêu thức kinh doanh hoặc ở vào địa bàn cạnh tranh gay gắt thì càng khổ, nhân viên cũ bỏ đi mang theo cả những bí mật độc quyền và mánh lới cạnh tranh. Như trường hợp công ty taxi M., trong số quân nhảy việc ra đi còn có một tướng tài và đau nhất đó lại là một "nghịch tướng". Khi về công ty mới, nhân vật này đã tìm đủ mọi cách chống phá đơn vị cũ từ việc đi cửa sau hất chân hợp đồng, đến việc thuê người chụp ảnh cảnh tài xế đánh nhau dồn bất lợi về cho công ty cũ.

Tuy nhiên, không phải đơn giản mà nhiều người bỏ một chỗ làm khá để đến một công ty khác có mức lương tương đương. Thu Minh - Trưởng phòng nhân sự một công ty liên doanh vừa chuyển công ty nói: "Đồng ý tiền là quan trọng, nhưng ở đó hay bị mắng vô cớ thì ở làm chi"

Ngọc Hân
.
.
.