Chuyện người quản lý:

Những ngón nghề cạnh tranh xấu trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

Thứ Năm, 28/06/2012, 19:52
Dư luận râm ran chuyện văn phòng tổng đại lý được “mua” với giá 8 tỷ, hay giám đốc văn phòng tổng đại lý được ngã giá tiền trao tay 2 tỷ để “đoạn tuyệt” với công ty của mình. Người ta cũng nói đến những chiêu PR này nọ, chuyện các “nhân vật” gặp gỡ để mua chuộc nhân viên công ty đối phương một cách lén lút…

Những lùm xùm xung quanh hiện tượng cạnh tranh xấu trong ngành Bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử trong ngành Bảo hiểm nhân thọ, về chuyện đức - tài của những người kinh doanh bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang phát triển rất năng động và đầy tiềm năng. Ít nhất hơn 230.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ đang trực tiếp phục vụ ngành. Hàng triệu khách hàng đang sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và đang được bảo vệ tài chính bởi 14 công ty bảo hiểm lớn nhỏ.

Trước đây, thị trường vẫn tồn tại cạnh tranh giữa các công ty, cũng có khi có khúc mắc này nọ nhưng nhìn chung không đi đến mức cực đoan. Tuy nhiên, thời gian gần một năm trở lại đây, mọi chuyện đã đổi khác, với chiến lược chiếm thị phần bằng mọi giá một số công ty đã thực hiện việc “giật” nhân sự của công ty bạn một cách dồn dập với quy mô lớn.

Việc cạnh tranh sẽ trở nên không bình thường khi các công ty sử dụng các biện pháp tiêu cực, ăn xổi ở thì. Đó là khi công ty bảo hiểm trực tiếp thực hiện hoặc dung túng cho nhân viên thực hiện việc chiêu dụ đại lý, quản lý cấp cao của công ty khác bằng cách “thưởng nóng” hoặc “tiền mặt trao tay”! Xa hơn nữa là chính sách khuyến khích đại lý dụ dỗ khách hàng của công ty đối thủ hủy hợp đồng đang hiệu lực để chuyển sang công ty của mình. Đi đầu trong những hoạt động này thường là một số nhân viên, đại lý đã từ bỏ công ty cũ để chạy sang công ty mới.

Với chính sách tiếp tay hoặc những tín hiệu khuyến khích được “hiểu ngầm” trong nội bộ, họ sẵn sàng chèo kéo khách hàng, dẫu rằng với tư cách là người hành nghề bảo hiểm nhân thọ, họ hiểu hơn ai hết rằng đã hủy ngang hợp đồng, kiểu gì khách hàng cũng bị thiệt thòi.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, một số đại lý một công ty bảo hiểm lớn trên thị trường bày tỏ: Chúng tôi làm đại lý, nên phần nhiều nương theo chính sách của công ty. Nếu công ty làm ăn đường đường chính chính, đại lý không dễ gì làm bậy. Công ty nào cũng có đội ngũ quản lý đại lý rất chuyên nghiệp, không có chuyện đại lý cạnh tranh xấu dài dài mà họ không biết.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty bảo hiểm, đồng thời cũng là một chuyên gia trong ngành chia sẻ: Doanh nghiệp không nên vì mục tiêu đi tắt đón đầu mà khuyến khích cạnh tranh xấu. Nói xấu công ty bạn, dùng chiêu trò để cản trở hoạt động kinh doanh của nhau v.v…, dù có khoác tấm áo “chiến lược kinh doanh” cũng sẽ nhanh chóng bị khách hàng, bị chính nhân viên trong công ty nhận ra là “thủ đoạn kinh doanh” ngay.

Trong ngành Bảo hiểm nhân thọ, người ta biết tiếng nhiều “nhân vật” đã gắn bó lâu năm với ngành. Họ đã có đóng góp vào sự phát triển của ngành, được nhiều người thần tượng. Tuy nhiên, khi lao vào cuộc cạnh tranh trên thị trường, không phải ai cũng giữ được bản lĩnh.

Đã có không ít “nhân vật” vì thành tích cá nhân mà sẵn sàng chỉ huy các “đại chiến dịch” cạnh tranh xấu một cách “bài bản” với công ty bạn, quyết ăn thua đủ với đồng nghiệp cũ. Công ty bạn mở ra một văn phòng đại lý là tìm cách “mua” lại để gây khó khăn cho đối phương.

Tinh thần thu hút, trọng dụng nhân tài không còn nữa, thay vào đó là việc “giành” nhân sự chủ chốt với 2 mục tiêu: bổ sung lực lượng cho mình, đồng thời làm suy yếu đối thủ. Thoạt trông, tưởng đó là “fair play”, nhưng sâu xa, đó là những ngón đòn “ngáng” chân đối thủ trên sân mà “trọng tài” không dễ gì tuýt còi.

Dư luận râm ran chuyện văn phòng tổng đại lý được “mua” với giá 8 tỷ, hay giám đốc văn phòng tổng đại lý được ngã giá tiền trao tay 2 tỷ để “đoạn tuyệt” với công ty của mình. Người ta cũng nói đến những chiêu PR này nọ, chuyện các “nhân vật” gặp gỡ để mua chuộc nhân viên công ty đối phương một cách lén lút…

Người bắt gặp cảnh này thấy hoang mang, hoặc ngao ngán. Lãnh đạo như vậy, trách gì nhân viên. Thế nên, với một ngành kinh doanh bằng uy tín như bảo hiểm nhân thọ “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dư luận mong muốn cần có chế tài để xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên để lập lại trật tự trong thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

Trường Minh
.
.
.