Những mách khóe đưa - nhận hối lộ hợp thức hóa 85 xe môtô gian

Thứ Ba, 26/08/2014, 09:27
Ngày 25/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (Cục CSĐT tội phạm kinh tế) đã kết luận điều tra vụ án “Đưa và nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đội Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương. Vụ án này có tính chất rất phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. Bọn tội phạm đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan Nhà nước, từ đó móc nối với một số cán bộ mất phẩm chất để hợp lý hóa những xe môtô phân khối lớn, do nước ngoài sản xuất thẩm lậu vào Việt Nam.

Tại thời điểm này, theo quy định của Nhà nước, chỉ có cơ quan Công an, Kiểm lâm, QLTT, Đội thể thao hoặc các cá nhân trong Đội thể thao được phép đăng ký xe phân khối lớn do nước ngoài sản xuất. Nhưng các đối tượng lại dùng mánh khóe và đồng tiền để phù phép cho những chiếc xe này được đăng ký và lưu hành…

Chở xe cũ nát ra Bắc để báo… QLTT bắt giữ

Thủ đoạn ranh ma này được nghĩ ra bởi Huỳnh Văn Xuân, 44 tuổi, trú tại Lê Hồng Phong, phường 3, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Thành Công Sài Gòn (Công ty Thành Công), chuyên kinh doanh xe phân khối lớn tại địa bàn TP Hồ Chí Minh. Xuân còn có biệt danh Công “môtô”, thường được nhiều người nhắc đến như “ông vua” trong làng siêu xe môtô.

Tại thời điểm 2007-2008, Xuân mua thu gom trôi nổi trên thị trường 85 chiếc xe môtô phân khối lớn (xe gian, xe lậu). Để hợp lý hóa số xe môtô trên, Xuân đã ra Bắc, tìm gặp Vũ Thị Huệ, 47 tuổi, trú tại phường Hải Tân, TP Hải Dương (Hải Dương), một người đàn bà chuyên buôn bán tuyến biên giới, có những mối quan hệ rộng rãi với cán bộ QLTT. Xuân đã bày cách cho Huệ móc nối với cán bộ Đội QLTT số 3 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương để hợp thức hóa hồ sơ cho lô xe môtô trong Sài Gòn bằng cách mua lại xe thanh lý. Nhận lời Xuân, Huệ đã liên hệ với người quen là Trần Quốc Huy, Đội trưởng Đội QLTT số 3 để nhờ giúp Xuân. Hám lời và nghĩ quyền hạn trong tay mình có thể che chắn được, Huy nhận lời Huệ với yêu cầu số tiền bồi dưỡng cho mỗi xe là 18 đến 20 triệu đồng.

Ba đối tượng: Xuân, Huệ, Huy.

Để thực hiện công nghệ “biến xe cũ nát thành tiền tỷ”, Xuân đã gửi theo tuyến vận tải đường sắt 3 chiếc xe môtô cũ nát ra cho Huệ. Theo quan sát, những chiếc xe môtô này loại khung lớn, cái mất bình xăng, cái mất yên, nói chung chỉ còn khung sườn. Huệ đã điện thoại báo cho Đội trưởng Huy để chuẩn bị “phương án” bắt giữ lô hàng “xe lậu” trên. Huệ nhớ, chuyến đầu chị ta thuê xe lam chở số xe máy cũ nát về hướng cây xăng Gia Lộc. Sau đó, cán bộ của Đội QLTT số 3 do Huy chỉ đạo đã “phục” để bắt số xe môtô “đồng nát” trên, đưa về kho. Hôm sau, Huệ đến, tự bịa ra một số cái tên người vi phạm (không có CMND, địa chỉ cụ thể) để viết bản tường trình và nộp tiền phạt theo sự hướng dẫn của Huy. Sau đó, Xuân đã gửi tiền cho Huệ nộp phạt và làm hồ sơ mua lại xe.

Hồ sơ xe kí xong, Huệ chuyển theo đường bưu điện vào Nam cho Xuân, còn 3 xe cũ nát Huệ mang về nhà cất giấu. Sau chuyến xe đầu tiên làm thủ tục trót lọt, Xuân còn gửi 2-3 lần nữa với gần chục chiếc xe môtô cũ nát nữa. Số xe môtô này được Huệ và Huy cho quay vòng nhiều lần theo kiểu báo QLTT bắt giữ, rồi đến làm hồ sơ mua lại. Những lần bắt sau này, Huy cử cán bộ cấp dưới trong Đội đến các địa điểm khu vực bãi mía đường đi Ninh Giang mà Huệ và Huy đã ám hiệu trước đó tổ chức bắt giữ. Còn số khung, số máy, nhãn hiệu xe của những chiếc xe cần hợp lý hóa, Xuân nhắn tin bằng điện thoại cho Huệ, rồi Huệ chuyển tiếp cho Huy để Huy lập hồ sơ. Vì những lần sau không có xe môtô cũ nát thế chân nên Huy đòi tiền công cao hơn (20 triệu đồng/ xe).

Sau này, khi đã hoàn thiện việc hợp lý hóa 85 xe môtô cho Xuân, Huệ cũng đem hơn chục chiếc xe môtô cũ nát “thế thân” kia ra bán hết cho hàng sắt vụn. Còn 85 chiếc xe môtô phân khối lớn của Xuân, đương nhiên, trở thành tài sản hợp pháp, được bày bán công khai tại salon của Xuân trên đường Trần Phú, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Những chiếc xe này mang nhãn hiệu Kawasaki, Yamaha, Honda, BMV, Triumph… có dung tích từ 244 phân khối đến 1.700 phân khối, hầu hết đều còn mới, nhiều chiếc vẫn nguyên 100%.

Xuân bán các xe này với giá 6.000 USD đến 21.000 USD/ chiếc tùy theo loại xe. Toàn bộ việc đăng ký, lệ phí sang tên đổi chủ và nộp thuế trước bạ, Xuân đứng ra chi trả. Người mua xe chỉ việc nhận đăng ký xe sang tên mình. So với giá thị trường thời điểm ấy, Xuân bán các xe trên rẻ hơn khoảng 2.000 USD. Chính vì thế, Xuân đã bán hết được toàn bộ số xe môtô trên. Chỉ căn cứ vào bảng giá tối thiểu được áp dụng của tính lệ phí trước bạ tại địa bàn TP Hồ Chí Minh thời điểm 85 môtô của Xuân đã được hợp thức hóa để đưa vào sử dụng (đăng ký lần 2) khi anh ta bán cho người sử dụng là hơn 19 tỷ đồng.   

Cán bộ Nhà nước tiếp tay cho việc hợp thức hóa xe gian

Lại nói về Trần Quốc Huy, Đội trưởng Đội QLTT số 3 và các đồng phạm. Vì hám tiền, Huy đã thông đồng với Huệ, Xuân để tổ chức bắt các xe cũ nát, hoặc làm khống việc bắt giữ tổng cộng 85 xe môtô, sau đó làm các thủ tục bắt giữ như… thật. Để thực hiện trót lọt việc này, ngay tại biên bản thu giữ và xử lý, Huy chỉ ghi trị giá của từng chiếc xe bị bắt giữ từ khoảng 2 triệu đến 5 triệu đồng (Huy được quyền quyết định xử lý hàng hóa phạm pháp dưới 10 triệu đồng). Một số cán bộ chưa được cấp thẻ kiểm tra thị trường theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ kiểm tra với tư cách là người giúp việc nhưng Huy vẫn yêu cầu kí vào ô “đại diện cơ quan kiểm tra” cho đủ thủ tục.

Sau khi hoàn tất hồ sơ bắt giữ ban đầu, Huy đã trao đổi với Bùi Mạnh Hùng, Phó Phòng TC-KH huyện Ninh Giang (Hải Dương) về việc Đội của Huy bắt giữ được một lượng mô tô phân khối lớn cũ nát muốn chuyển giao hồ sơ cho huyện Ninh Giang để tổ chức định giá và bán đấu giá, tận thu ngân sách cho huyện. Hùng đã báo cáo lên lãnh đạo UBND huyện và được lãnh đạo huyện đồng ý. Sau đó, lãnh đạo đã giao cho Hùng làm Trưởng ban để tiến hành các thủ tục tiếp nhận và bán đấu giá. Tuy nhiên, Hùng chỉ đạo các nhân viên làm mọi thủ tục trên hồ sơ, chứ thực tế không hề biết về những chiếc xe này, chỉ dựa trên hồ sơ vụ việc do Huy chuyển đến. Khi làm thủ tục bán đấu giá, Hùng cho Vũ Thị Huệ, đại diện Công ty Thành Công đứng ra mua toàn bộ với tổng số tiền là hơn 291 triệu đồng. Trong số tiền này, Huy đã làm tờ trình xin trích lại hơn 24 triệu đồng bồi dưỡng cho anh em trực tiếp tham gia bắt giữ hàng hóa.

Về số tiền chiếm hưởng, theo lời khai của Xuân thì đã chuyển cho Huệ từ 3 đến 4 tỷ đồng, nhưng Huệ khai chỉ nhận và chuyển cho Huy từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng và Huy thì chỉ thừa nhận đã nhận khoảng 360 triệu đồng. Số tiền này, Huy khai được 40 triệu đồng, chia cho các Đội phó của mình là Phạm Đình Quang khoảng 30 triệu đồng; Ngô Văn Tới khoảng 10 triệu đồng; Phạm Đăng Duyên khoảng 20 triệu đồng, số tiền còn lại dùng vào việc sửa chữa trụ sở, mua sắm trang thiết bị, phụ tùng xe ôtô, xăng dầu phục vụ công tác. Nhưng Quang khai chỉ được Huy đưa 22 triệu, Tới được 6 triệu đồng…

Sau khi sự việc bị bại lộ, Huy đã dùng ảnh hưởng của mình khống chế, đe dọa cán bộ trong Đội không được nói ra sự thật. Bản thân Huy cũng khai báo quanh co, thiếu thành khẩn, đổ lỗi cho người khác gây khó khăn cho công tác điều tra. Còn Xuân thì đổ rằng toàn bộ 85 xe môtô trên là của ông Nguyễn Thế Thảo thuê Xuân tìm cách hợp thức hóa rồi gửi bán tại cửa hàng của Xuân. Sở dĩ anh ta đổ vậy vì ông Thảo đã chết từ năm 2009 do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã lần lượt bóc trần được sự thật về vụ việc và kết luận về hành vi phạm tội của đối tượng.

Hiện cơ quan điều tra đã kết luận và chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 2 đối tượng Huỳnh Văn Xuân, Vũ Thị Huệ về tội “Đưa hối lộ”; Trần Quốc Huy về tội “Nhận hối lộ”; 5 đối tượng Phạm Đình Quang, Ngô Văn Tới, Phạm Đăng Duyên, Bùi Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Thắng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

T. Hòa - M. Khoa
.
.
.