Những “kẽ hở” trong quản lý khiến hàng rởm lộng hành

Thứ Hai, 11/04/2016, 10:25
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gần như bị thả nổi trên thị trường, cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi. Bất kỳ ngành hàng nào, khi sản phẩm có uy tín với người tiêu dùng (NTD) thì ngay lập tức sau đó hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhan nhản. 


Ông Vũ Hồng Sơn, Trưởng văn phòng đại diện phụ trách phía Nam Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho biết, riêng trong năm 2015 qua tổng đài 1800 6838, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được 4.000 phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng (NTD).

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng chưa dẹp được thì đối tượng bị tổn thương nghiêm trọng nhất là NTD. 

Chính phủ đã có qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật bảo vệ quyền lợi NTD, quy qui định rõ, UBND cấp huyện quyết định đơn vị giúp UBND thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn của mình. Tuy nhiên, thực tế là có những vụ Hội bảo vệ quyền lợi NTD tiến hành hòa giải giữa doanh nghiệp bị khiếu nại có sản phẩm kém chất lượng với NTD nhưng không thành công thì sau đó Hội cũng không biết hướng dẫn NTD đi đến đâu để khiếu nại, bởi vì đến giờ vẫn chưa có một đơn vị nào ở quận, huyện đứng ra giải quyết NTD khiếu nại, trừ toà án. 

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả.

Mặt khác luật cũng qui định là khi khiếu kiện đến toà án, NTD sẽ được miễn nộp tạm ứng án phí nhưng thực tế là NTD khi khiếu kiện tại toà án thì phải tạm ứng án phí, nên NTD không mặn mà khiếu kiện tại tòa án. “Cục Quản lý cạnh tranh có hứa chỉ đạo thành lập những đơn vị tiếp nhận giải quyết khiếu nại cho NTD, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì”, bà Thu cho biết.

Ở góc độ là cơ quan thực thi, trực tiếp kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương nêu ra những “kẽ hở” khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và đây cũng chính là điều kiện để nạn hàng rởm có đất sống. Đó là hệ thống pháp luật vừa thiếu lại vừa chồng chéo. 

Điển hình, như Luật ATTP phân công ngành Công Thương quản lý 6 nhóm ngành hàng gồm rượu bia nước giải khát, bánh kẹo, dầu thực vật, bột và các sản phẩm từ bột. Nhưng thực tế, một nhà máy của doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm có thể được qui định quản lý bởi nhiều ngành chứ không phải một ngành. Hay trường hợp hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, lẽ ra khi phát hiện phải tịch thu tiêu huỷ để đảm bảo sức khoẻ an toàn cho người sử dụng. 

Nhưng các Nghị định có những qui định khác nhau, dẫn đến có những cách hiểu khác nhau, áp dụng mức xử lý của các cơ quan chức năng cũng khác nhau. 

Dễ thấy nhất là hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trong tình trạng “cha chung không ai khóc”, bởi có tới 3 đơn vị là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Khi có vấn đề xảy ra thì cả 3 đơn vị ngồi lại phân tích, đổ lỗi, và cuối cùng là không ai nhận trách nhiệm, NTD lãnh đủ...

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Phó Chủ tịch Hội Mũ bảo hiểm TP Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành công ty Nón Sơn cũng nêu bức xúc, hiện nay đối tượng làm giả ở trong nước rất nhiều. 

Chẳng hạn như sản phẩm mũ bảo hiểm là hàng hoá trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ có đầy đủ theo qui định mới được cấp phép nhưng cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho các cơ sở không thực hiện đầy đủ theo quy định. 

Vì vậy, có những cơ sở làm giả, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra vẫn có giấy phép đàng hoàng nên chỉ bị xử phạt hành chính 400 ngàn đồng, trong khi khoản lợi nhuận thu về hàng tỉ đồng, nên các đối tượng không sợ, sẵn sàng đóng phạt để sau đó tiếp tục... vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp là phải tiến hành song song hai việc phòng vệ và tấn công. Phòng vệ, tức là làm sao để NTD có công cụ để kiểm tra được hàng thật - hàng giả một cách trực tiếp và nhanh chóng nhất trước khi quyết định mua sản phẩm. 

Còn tấn công, có nghĩa là phải xác định đối tượng làm hàng giả, hàng nhái là loại tội phạm nguy hiểm nên phải kiên quyết xử lý. Để thực hiện tốt giải pháp trên, cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Thúy Hà
.
.
.