Những kẽ hở trong đấu tranh chống buôn lậu ở Quảng Ninh

Chủ Nhật, 15/01/2006, 08:33

Vào dịp cuối năm, thời điểm được coi là hoạt động buôn lậu "nóng" nhất, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có nhiều thay đổi, vẫn là những "chiêu" cũ nhưng tương đối "hiệu quả".

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, liên tục trong năm qua, đặc biệt trong đợt cao điểm 3 tháng tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Bính Tuất, Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an Quảng Ninh (nhất là ở các tuyến địa bàn trọng điểm như thị xã Móng Cái, Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, huyện Đông Triều) triển khai đồng bộ các biện pháp nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả, đấu tranh kiên quyết, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, các điểm tập kết hàng lậu.

Hai tháng qua, riêng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện trên 60 vụ vận chuyển hàng lậu, tịch thu lượng hàng hóa trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Tính chung trong năm 2005, Công an tỉnh đã bắt giữ gần 1.500 vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, tịch thu hàng hóa trị giá lên tới 32 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là đã tập trung giải quyết cơ bản tình hình đối tượng sử dụng xe ôtô du lịch loại từ 6-15 chỗ ngồi và xe tải 1-1,25 tấn để vận chuyển hàng lậu, triệt phá kịp thời một số điểm tập kết hàng ven QL18A và khu vực biên giới.

Dù vậy, theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh, kết quả trên góp phần kiềm chế hoạt động buôn lậu, không để hình thành các "điểm nóng", nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ở Quảng Ninh vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Hiện nay, để tạo thuận lợi cho chủ hàng, hàng hóa nhập khẩu được kê khai ở cửa khẩu nhưng lại tiến hành kiểm hóa tại một địa điểm sâu trong nội địa theo yêu cầu của chủ hàng. Không ít chủ hàng lợi dụng sự ưu đãi này để "đánh" hàng lậu.

Bên cạnh đó, do có lúc, có nơi công tác quản lý bị buông lỏng, không phân định rõ trách nhiệm đối với từng lực lượng chức năng trong kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa đã dẫn đến tình trạng hàng hóa bị thẩm lậu trở lại nội địa.

Thứ đến, là sự chồng chéo, "mạnh ai nấy làm" trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu của các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh. Lý do là dù đã phân công nhưng sự kiểm tra, quy kết trách nhiệm đối với từng lực lượng thì không rõ ràng. Một nguyên nhân khác là sự vào cuộc thiếu tích cực, kém hiệu quả của chính quyền cơ sở, một số địa phương coi công tác đấu tranh chống buôn lậu là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách và đứng ngoài cuộc hoặc vì lợi ích cục bộ địa phương mà buông lỏng công tác chống buôn lậu.

Theo thông tin của chúng tôi, Công an tỉnh Quảng Ninh sẽ tham mưu đề nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo đối với cấp ủy và chính quyền các cấp về trách nhiệm khi để tình hình buôn lậu xảy ra phức tạp trên địa bàn, gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở với công tác đấu tranh chống buôn lậu, đồng thời đề nghị Ban chỉ đạo 127 của tỉnh quy định và chỉ đạo thống nhất để phân định trách nhiệm đối với từng lực lượng theo tuyến, địa bàn và lĩnh vực đấu tranh

Nguyễn Minh Châu
.
.
.