Những giải pháp tổng thể có tính khả thi trong quản lý thị trường vàng

Thứ Năm, 03/01/2013, 11:49
Một năm đầy xáo trộn trên thị trường vàng vì những chính sách mới khiến vàng luôn trở thành “điểm nóng”, nhất là vào thời điểm cuối năm. Dù mục đích của chính sách là để ổn định thị trường vàng, nhưng chưa bị cấm, thị trường đã có hiện tượng lách, đến khi quy định có hiệu lực thi hành, liệu thị trường sẽ còn biến tướng như thế nào?

Không liên thông, không bình ổn

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây. Nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định này từ phía NHNN, vì việc không liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới chắc chắn sẽ gây ra sự độc quyền dẫn đến độc đoán, mà hậu quả nhãn tiền là vàng SJC luôn đứng cao hơn giá vàng thế giới, có lúc tới 5 triệu đồng/lượng, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho thị trường. “Nếu vàng tiếp tục tăng giá sẽ là quả bom tài chính nổ chậm cho tình hình tài chính nước ta. Vì lẽ đó, rất cần đem lại ngay sự liên thông giữa giá vàng trong nước và quốc tế”, TS Phạm Đỗ Chí, Chuyên gia kinh tế tài chính IMF khẳng định.

Một mình một chợ, “cung” không thay đổi, trong khi “cầu” là nhu cầu thiết thực và chính đáng của người dân, thì việc hạ giá vàng về mục tiêu chênh 400.000 đồng/lượng của NHNN chắc chắn sẽ càng trở nên xa vời và không mấy ai tin vào điều này. Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin từ NHNN chỉ là sẽ có truyền thông đến người dân từng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng và chi tiết đến điểm bán hàng cuối cùng, chứ chưa hề có thêm một động thái nào từ phía cơ quan chức năng để “hạ nhiệt” cơn sốt ảo của vàng SJC.

Thị trường vàng có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Như vậy, nhiều người lo lắng thị trường sau thời điểm 10/1/2013 sẽ còn nhiều biến động hơn so với thời điểm hiện nay không phải là không có cơ sở. Bằng chứng là càng tiến đến sát giờ G, thì độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới càng cao. Các chuyên gia đưa ra 2 kịch bản cho giá vàng sau ngày 10/1/2013 như sau: Một là nếu giá vàng SJC vẫn tiếp tục đà tăng cao, vênh với giá thế giới, rủi ro tiềm ẩn sẽ càng lớn hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay cho những người mua vàng; Hai là nếu có sự can thiệp của cơ quan chức năng, giá vàng SJC bỗng dưng “ngã ngựa”, hậu quả là những người đang “ôm” vàng SJC sẽ mất trắng ít nhất tới 5 triệu đồng/lượng - một khoản tiền không nhỏ đối với cả giới đầu cơ nói riêng và cả với những người dân mua vàng chỉ là để tích trữ, phòng rủi ro nói chung.

Đấy là chưa kể, với phần đông người dân Việt Nam có thu nhập rất thấp, thì một vài cây, thậm chí một vài chỉ vàng đã là cả tài sản mà cả đời tích cóp làm lụng vất vả mới có được với quan niệm “làm khi lành để dành khi đau”. Lúc đó, nếu cần bán vàng vì có biến cố, thì nỗi đau sẽ bị cộng hưởng thêm vì sự “mất mát” đầy vô lý của vàng. “Theo tôi, cần phải liên thông, và liên thông ngay giá vàng trong nước và giá vàng thế giới để đưa SJC về với giá trị thực của nó. Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội 2013 cũng yêu cầu NHNN phải "bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá thế giới”. Bởi vậy, phía NHNN cần có giải pháp để nhanh chóng hạ nhiệt giá vàng SJC, coi đây là việc làm quan trọng thiết thực nhất trong thời điểm hiện nay, lúc đó hãy tính tới các chủ trương bình ổn giá vàng khác”, một chuyên gia về vàng bức xúc kiến nghị.

Nên thực hiện các giải pháp tổng thể

Chuyên gia kinh tế Hoàng Huy Hà (Ngân hàng BIDV) cho rằng giải pháp tổng thể cho thị trường vàng là phải thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia. Đây là một thị trường chung tạo ra một tổng thể rõ ràng trong tổ chức và quản lý thị trường vàng, chấm dứt tình trạng tồn tại của hình thức kinh doanh biến tướng trái phép, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư của người dân, đồng thời gia tăng sự chủ động của các nhà quản lý trong kiểm soát và quản lý thị trường vàng.

“Việc thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia sẽ tạo ra một mặt bằng thị trường, một sân chơi chung cho các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo thị trường được vận hành một cách an toàn, minh bạch, và có kiểm soát, không chỉ hạn chế được những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn huy động được nguồn lực vàng còn tích trữ trong dân”, ông Hà thẳng thắn kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng việc thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia đi đôi với tái lập hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, đồng thời từng bước phát triển các sản phảm phát sinh trên thị trường vàng. NHNN sẽ chịu trách nhiệm tạo dựng khuôn khổ pháp lý, tổ chức và quản lý thị trường vàng nói chung, Sở Giao dịch vàng Quốc gia nói riêng. Sở Giao dịch vàng Quốc gia sẽ hoạt động tương tự như Sở Giao dịch chứng khoán, nghĩa là trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung cầu quyết định, tất cả các nhà đầu tư không phân biệt tổ chức hay cá nhân đều được mở tài khoản kinh doanh.

Về vấn đề huy động vàng trong dân, TS Vũ Đình Ánh cũng đề xuất rằng, Chính phủ có thể huy động vàng tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. NHNN sẽ đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi thành ngoại tệ hay nội tệ tùy theo yêu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng.

“Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân, vừa tăng thanh khoản của vàng, giúp NSNN có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Trái phiếu Chính phủ bằng vàng cũng được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay”, ông Ánh đề xuất.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VGTA thì góp ý: Sau khi ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại, NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để ngân hàng thương mại kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Song, để thực hiện điều này, Nhà nước sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và ngân hàng thương mại. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho rằng, với đặc thù thị trường Việt Nam, thay vì người dân nắm giữ vàng vật chất thì họ sẽ nắm giữ “chứng chỉ vàng”. Chứng chỉ vàng này do NHNN phát hành, có các mệnh giá 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng, 2 lượng, 10 lượng… Người dân mang vàng vật chất tới ngân hàng và sẽ đổi lấy chứng chỉ vàng. Nếu người dân có nhu cầu đầu tư vào vàng thì họ tới ngân hàng mua chứng chỉ vàng theo giá thị trường. Khi cần bán, họ cũng sẽ đến ngân hàng bán chứng chỉ lấy tiền đồng theo giá thị trường. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng… Về vĩ mô, nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD vì không phải nhập khẩu hàng trăm tấn vàng vật chất mỗi năm.

Đánh giá về tính khả thi của chứng chỉ vàng, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đưa ra những nhận định lạc quan: Việc cấp chứng chỉ vàng có thể nói là phương pháp huy động vàng trong dân hữu hiệu nhất. Khi đó, Nhà nước sẽ là người giữ vàng hộ dân. Và người dân có quyền sử dụng chứng chỉ vàng để cầm cố, mua bán, trao đổi trên thị trường và khi cần có thể rút vàng bất cứ lúc nào.

Với cách làm này, sẽ loại bỏ những tồn tại đã ăn sâu hàng thế kỷ nay của người dân, đó là giữ vàng im một chỗ mà không phát huy được tác dụng gì. Tuy nhiên, việc hạn chế mua bán vàng miếng, chuyển sang chứng chỉ vàng chỉ là một giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng. Về dài hạn, Chính phủ phải bắt tay vào xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước và thế giới liên thông với nhau, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia. 

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch kinh tế xã hội 2013, Quốc hội tiếp tục yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý và ổn định thị trường vàng, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân. Về nguyên tắc, Nhà nước không ngăn cấm hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của người dân. NHNN độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng cung ứng cho thị trường, đồng thời có trách nhiệm ổn định thị trường, đảm bảo giá trong nước bám sát thế giới.

Nguyễn Tuấn - Lệ Thúy
.
.
.