Những dấu hiệu bất thường trong việc tăng giá xi măng

Thứ Ba, 12/04/2011, 11:51
Không phải mùa cao điểm về xây dựng nhưng tại Hải Phòng, xi măng tăng giá từng ngày, cách bán hàng quay trở lại thời bao cấp, cung ứng nhỏ giọt khiến cho thị trường vật liệu xây dựng đảo điên, náo loạn trong ngày qua. Có nhiều dấu hiệu đáng để ngờ rằng, đây là hiện tượng đầu cơ, đội giá gây biến động thị trường.

Đang xây ngôi nhà 60m2 tại xã An Đồng, huyện An Dương nhưng suốt một tuần nay, anh Vị, chủ công trình phải dừng việc chạy đôn đáo khắp nơi để tìm mua... xi măng. Người này cho biết, giữa tháng 3, thời điểm mặt bằng giá mới vừa được điều chỉnh, giá xi măng Hải Phòng tăng vọt lên 1 triệu đồng/tấn, tương đương 50.000đ/bao vẫn phải chấp nhận chốt giá hợp đồng mua 5 tấn/lần. Song, chỉ ít ngày sau, cửa hàng đã thông báo giá lại được điều chỉnh tăng.

Quá bực, anh Vị đặt mua trọn gói (tổng số lượng dự kiến cho đến khi kết thúc công trình khoảng 15 tấn. Thế nhưng vô lý ở chỗ, không một cửa hàng VLXD nào chấp nhận cách thức mua đặt trước, chốt giá theo cách của anh Vị mà chỉ bán nhỏ giọt theo ngày.

Ông Thọ, chủ cửa hàng VLXD trên đường Tôn Đức Thắng giải thích, không phải do đại lý đầu cơ ép giá nhưng bản thân chúng tôi cũng lo chạy "xi" từng bữa một. Nhà máy chỉ cấp cho mỗi điểm bán từ 5-10 tấn/ngày, mỗi ngày một giá, dĩ nhiên là tăng dần.

Một đại lý khác là chị Oanh ở Vĩnh Khê thừa nhận đúng là giá "xi" tăng quá nhanh, quá dày. Điều này khiến khách hàng dễ hiểu lầm là đại lý thông đồng ép giá nhằm trục lợi như nhiều mặt hàng khác. Nhưng nếu muốn chiều lòng khách hàng, bán theo giá ngày hôm trước thì chỉ có lỗ nặng.

Bất kỳ kho hàng của đại lý nào cũng chỉ kết dư một số lượng xi măng Hải Phòng rất khiêm tốn.

Khảo sát tình hình tại nhiều địa bàn khác, nhiều đại lý quy mô lớn cũng đều thu nhận kết quả giống nhau: Giá xi măng Hải Phòng tại Hải Phòng có gì đó rất bất bình thường. Chưa đầy 1 tháng, giá tăng đã vượt ngưỡng 20% so với mốc trước ngày 1/3. Đến ngày 30/3, giá bán lẻ ở mức 1,2 triệu đồng/tấn (20 bao) tại kho cửa hàng, chưa bao gồm phí bốc xếp, vận chuyển. Nếu tính cả khoản này, giá xi măng đến chân công trình đã ở ngưỡng 1,25 đến 1,3 triệu đồng/tấn.

Bất hợp lý hơn khi thời điểm sau Tết Nguyên đán dù không phải là cao điểm mùa xây dựng, VLXD chưa bao giờ khan hiếm nhưng Công ty Xi măng Hải Phòng chỉ cung cấp số lượng rất hạn chế cho từng đại lý. Điều này tạo nên tâm lý khan hiếm hàng cộng thêm với bước giá tăng theo từng ngày, thậm chí từng giờ khiến nhiều người cho rằng có động thái đầu cơ. Chưa hết, trong hệ thống đại lý rò rỉ nhiều nguồn tin, giá 1,2 triệu đồng/tấn chưa phải là mốc cuối cùng.

Trước tình hình trên, chúng tôi đã cố tìm cách liên lạc với bộ phận kinh doanh từ Công ty Xi măng Hải Phòng để tìm hiểu lý do vì sao xi măng tăng giá và khan hiếm nguồn hàng. Song, chưa nhận được câu trả lời chính thức.

Từ những thực tế trên, đề nghị Công ty CP Xi măng Hải Phòng cần có lời giải thích rõ ràng, thuyết phục trước hiện tượng tăng giá, làm khan hiếm nguồn hàng trong thời gian trong vòng 1 tháng qua. Tiếp đó, các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo thành phố về thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về một số giải pháp kiềm chế lạm phát cần tiến hành kiểm tra, xem xét hiện tượng tăng giá, khan hiếm nguồn hàng xi măng Hải Phòng là vô tình hay hữu ý

Lê Minh Triết
.
.
.