Những bài học đắt giá trong quá trình liên doanh liên kết

Thứ Bảy, 14/01/2006, 08:51
Theo như quy định của giấy phép đầu tư thì trường chỉ được phép đào tạo con em người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, nhưng qua 9 năm hoạt động, trường đã đào tạo 100 học sinh Việt Nam và đến thời điểm kiểm tra, trường vẫn còn 16 học sinh Việt Nam.

Ngày 9/1, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận chính thức về kết quả thanh tra tại Công ty liên doanh Trường Quốc tế Hà Nội. Theo như bản kết luận này, hàng loạt sai phạm nơi đây bước đầu đã được làm rõ. Cho đến nay, sau 9 năm hoạt động, trường vẫn chưa có quy chế hoạt động, chương trình giảng dạy được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt. Trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT trong việc kiểm tra, quản lý Nhà nước về giáo dục và trách nhiệm thuộc về nhà trường. Theo như quy định của giấy phép đầu tư thì trường chỉ được phép đào tạo con em người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, nhưng qua 9 năm hoạt động, trường đã đào tạo 100 học sinh Việt Nam và đến thời điểm kiểm tra, trường vẫn còn 16 học sinh Việt Nam tuyển sinh trước đây đang tiếp tục theo học....

Đối với những sai phạm trong việc góp vốn pháp định và chi phí trước khi liên doanh hoạt động, Thanh tra Chính phủ xác định được những khoản "góp vốn khống", "chi khống" cụ thể như: Khoản chi phí 250.000 USD trước khi thành lập Công ty liên doanh của bên nước ngoài (gần tương đương với số vốn góp của phía Việt Nam), theo báo cáo đây là khoản chi phí do phía nước ngoài chi trước khi thành lập liên doanh, nhưng qua thanh tra, trường đã không cung cấp được các chứng từ chi hợp pháp. Ngoài ra, còn có khoản chi hơn 103.000 USD trước khi liên doanh hoạt động cũng không hề có hoá đơn, chứng từ.

Về những sai phạm trong thu chi tài chính, Thanh tra Chính phủ phát hiện Trường Quốc tế Hà Nội đã miễn giảm học phí cho 797 lượt học sinh với tổng số tiền hơn 2,3 triệu USD. Trong số này có tới 606 lượt học sinh miễn giảm học phí không theo các quy định. Đặc biệt vì đối tượng miễn giảm là người nước ngoài, nhiều người đã về nước, thế nên Đoàn Thanh tra chưa làm rõ được các đối tượng miễn giảm cũng như mức độ được miễn có đúng như hồ sơ lưu giữ tại trường hay không.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển nội dung này sang Bộ Công an để điều tra làm rõ. Đây cũng chính là "thủ thuật" rút ruột liên doanh mà Báo CAND đã đề cập trong loạt bài điều tra trước đó. Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện cá nhân ông Nguyễn Đình Hoan, Tổng Giám đốc đương nhiệm (đại diện cho phía nước ngoài) đã tự ý lấy tiền liên doanh chi tiêu cho cá nhân mình hơn 90.000 USD. Ngoài ra, qua thanh tra cũng đã phát hiện hàng loạt khoản mua sắm tài sản với tổng số tiền hơn 481 ngàn USD không hề có hoá đơn hoặc hóa đơn phô tô; khoản tiền hơn 4,6 tỷ đồng đơn vị này "tự nguyện" trả lãi cho phía đối tác xây dựng mặc dù lúc ký hợp đồng không yêu cầu phải trả lãi và khoản quỹ dự phòng nợ quá hạn hơn 13.000 USD được lập trái phép... Tất cả những thủ thuật rút ruột đó đã góp phần làm cho "bài ca nợ, lỗ" ở đơn vị này ngày càng trở nên trầm trọng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính chỉ đạo Trường Quốc tế Hà Nội thực hiện các nội dung chấn chỉnh công tác quản lý. Đồng thời, ngoài những kiến nghị xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị bàn giao toàn bộ tài liệu qua thanh tra lần này cho Bộ Công an nghiên cứu, trong đó đề nghị tiếp tục điều tra xác minh làm rõ hai vấn đề: Việc đóng góp và khoản chi 250.000 USD của phía nước ngoài trước khi thành lập công ty liên doanh và xác minh tính chính xác của các đối tượng học sinh được miễn giảm và số tiền được miễn giảm như đã nêu phần trên.

Mặc dù bản kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ hết tất cả những sai phạm diễn ra, đồng thời chưa chỉ rõ được trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong những vi phạm cụ thể  tại Trường Quốc tế Hà Nội, nhưng với kết quả nêu trên, cơ quan điều tra (Bộ Công an) sẽ có thêm cơ sở để tiến hành điều tra làm rõ những sai phạm diễn ra tại đơn vị này trong suốt nhiều năm qua

Xuân Luận - An Bình
.
.
.