“Nhìn thẳng vào sự thật” để ngành Nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn!

Thứ Tư, 02/01/2013, 15:50
Thể hiện tinh thần cầu thị, Bộ Nông nghiệp đã tạm dừng việc thực hiện 2 Thông tư 33 và 34 (có hiệu lực từ ngày 3/9/2012) về siết chặt an toàn thực phẩm đối với thịt và phụ phẩm, với trứng gia cầm. Một quyết định thể hiện sự dũng cảm, sự lắng nghe trước phản ứng của doanh nghiệp và người dân.

1. Ngược với kết quả kinh doanh bết bát của nhiều lĩnh vực, dù giá nhiều mặt hàng nông sản cả trong nước và XK giảm mạnh, thiên tai gây thiệt hại lớn... thì năm 2012, ngành Nông nghiệp lại gặt hái được rất nhiều thành công. Có thể kể đến tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước trong đó có 3 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên là: gạo, cà phê và đồ gỗ. 5 mặt hàng khác là cao su, cá tra, tôm, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn đã đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong số này có nhiều mặt hàng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu so với năm ngoái là cà phê (tăng 36%), sắn và các sản phẩm từ sắn (tăng hơn 40%), đồ gỗ và lâm sản (tăng 17,6%)... Bên cạnh đó thì “rau cỏ” cũng có bước tiến vượt bậc khi đem lại lợi nhuận khá cao và là một bất ngờ đối với ngành Nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu sắp “chạm” mốc 1 tỷ USD. Trong bối cảnh nhiều “đại gia” vẫn tắc lối ra với thị trường thế giới thì “con cá, lá rau” xuất đi toàn cầu đang mang về cho Việt Nam không chỉ là ngoại tệ mà còn là sự “đánh dấu” trên bản đồ thế giới. Sản lượng tăng cũng đã góp công lớn vào việc kiềm chế lạm phát khi nhóm hàng hóa về lương thực, thực phẩm có mức tăng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng chung.

2. Mừng đó nhưng lo cũng còn đó. Vẫn còn tình trạng “được mùa rớt giá” xảy ra với nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, với những trồng dừa ở Bến Tre… Với chè Văn Chấn, với chuối Tân Long, với dưa hấu Đắk Lắk(?!). Người chăn nuôi thì phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong đó có nạn gà thải “vượt biên” ầm ầm vào các chợ. Ngay tại Hà Nội, dù vào cuộc rốt ráo nhưng tới tháng 11/2012, vẫn còn có khoảng 2 - 3 tấn gà lậu hằng ngày về chợ đầu mối Hà Vĩ để chuẩn bị len lỏi đến từng ngõ, từng nhà dân ở Thủ đô và một số tỉnh.

3. Không phải là ngành Nông nghiệp “thúc thủ”. Có nhiều phong trào, mô hình tốt như “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cơ giới hóa trong nông nghiệp”… của ngành Nông nghiệp đang được các địa phương tích cực triển khai đạt hiệu quả cao. Nhiều chủ trương “gỡ khó” cho nông dân như mua tạm trữ lúa gạo, tăng tín dụng nông nghiệp… cũng đều đến từ cấp cao nhất của Bộ quản lý ngành. Nhưng nói như một cán bộ trong ngành, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới vẫn lạnh”. Lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ còn chỉ ra thực trạng, chính sách, chủ trương và chỉ đạo của TW thường quyết liệt, tuy nhiên khi triển khai tới cơ sở thì rất chậm, kém hiệu quả do thiếu sự hợp tác của địa phương. Chưa kể đến việc tham mưu những chính sách “xa dân” như bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ, đánh số chó mèo…

4. Bộ Nông nghiệp đã thể hiện tinh thần cầu thị khi tạm dừng việc thực hiện 2 Thông tư 33 và 34 (có hiệu lực từ ngày 3/9/2012) về siết chặt an toàn thực phẩm đối với thịt và phụ phẩm, với trứng gia cầm. Một quyết định thể hiện sự dũng cảm, sự lắng nghe trước phản ứng của doanh nghiệp và người dân. Cùng với tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp sẽ gần dân hơn “nhìn thẳng vào sự thật” để năm 2013 làm có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả cao hơn” như quyết tâm của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Để mỗi chính sách của ngành Nông nghiệp không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của những hộ nông dân “chân lấm tay bùn” - những người đang chiếm hơn 70% dân số và trên 50% lực lượng lao động xã hội Việt Nam

Diệp Linh
.
.
.