Gia tăng tranh chấp thương mại trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng:

Nhiều thương nhân Việt Nam “chưa thuộc bài”

Thứ Bảy, 30/06/2012, 12:10
Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có cái nhìn toàn diện hơn về  những tranh chấp thường gặp cũng như những bài học kinh nghiệm về tranh chấp thương mại qua các vụ kiện thực tế, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cảnh báo về các tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” tại Hà Nội vào ngày 28/6.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các tác động chính của khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến lực cầu xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài đều giảm. Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư xã hội trong nước cũng giảm mạnh.

Đơn cử nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cam kết đang giảm liên tục, hiện vẫn còn hơn 100 tỷ USD chưa được giải ngân… khiến tăng trưởng kinh tế trong nước giảm đáng kể. Trước thực trạng đó, TS. Nguyễn Đình Cung đưa ra dự báo, các tranh chấp thương mại sẽ có nguy cơ tăng mạnh trong thời gian tới.

Chặt chẽ trong các điều khoản ngay từ khi ký kết hợp đồng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp thương mại.

Trong đó, tình trạng các dự án hủy bỏ, đình hoãn, rút giấy phép… sẽ xảy ra nhiều yếu tố liên quan đến việc xử lý đất đã giao, đã cấp cho các dự án đồng thời phát sinh vấn đề giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư, nhà đầu tư với người nông dân… Chưa kể, một số dự án rơi vào trường hợp đã chuyển nhượng cho nhà đầu đầu tư khác (hoặc nhà đầu tư thứ cấp) những vấn đề phát sinh còn phức tạp hơn nhiều.

Đối với những doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa… chủ sở hữu và người quản lý bỏ về nước, sẽ xuất hiện phát sinh tranh chấp giữa người lao động và chủ nợ, cùng các bên liên quan. Đặc biệt, với thị trường xuất khẩu, nhiều hoạt động thương mại tiểu ngạch qua biên giới, đặc biệt là Trung Quốc thiếu minh bạch, rõ ràng nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Thương nhân Việt Nam đã từng gặp phải rất nhiều bài học đau xót trong tranh chấp thương mại. Thậm chí, các bài học này vẫn luôn lặp đi, lặp lại song DN Việt Nam dường như  “vẫn chưa thuộc bài”.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đình Cung cũng bày tỏ quan ngại về một số nguy cơ phát sinh tranh chấp từ hoạt động vay nợ tín dụng giữa DN với ngân hàng, cá nhân. Trong đó riêng tình trạng chiếm dụng vốn, nợ xấu, quá trình xử lý tài sản thế chấp… dự báo trong thời gian tới sẽ rất phức tạp về pháp lý và nguy cơ diễn ra các vụ tranh chấp trong lĩnh vực này là rất lớn.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội đã đưa ra những cơ chế giải quyết và kinh nghiệm phòng ngừa tranh chấp dựa trên cái nhìn thực tế từ các vụ tranh chấp đã được xử lý tại VIAC.

Trên thực tế, sẽ có rất nhiều hình thức và cách thức để giải quyết các tranh chấp này. Tuy nhiên, các luật sư, các chuyên gia về trọng tài quốc tế có mặt tại hội thảo đều thống nhất ở một điểm chung. Đó là phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn là phương thức giải quyết được lựa chọn nhiều nhất trên thế giới, bởi nó có những ưu điểm như tính xét xử bí mật, qua đó đảm bảo được bí mật kinh doanh và uy tín của cá nhân, DN.

Mặt khác, vụ việc cũng thường được giải quyết xét xử một lần với thủ tục đơn giản, thời gian nhanh chóng, linh hoạt, tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên tranh chấp, độc lập trong xét xử và phạm vi công nhận, thi hành rộng khắp trên 144 quốc gia là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài

Huyền Thanh
.
.
.