Nhiều phi vụ nhập ôtô nguyên chiếc gian lận thuế: Xử lý phải theo luật, không thể vì lệ

Chủ Nhật, 15/01/2006, 08:48
Đến nay, kết quả xác minh của lực lượng chống buôn lậu Hải quan đã xác định được 51 doanh nghiệp "nhúng chàm" trong các phi vụ nhập ôtô du lịch nguyên chiếc gian lận thuế. Theo Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, thì vì số lượng các doanh nghiệp có hành vi sai phạm quá lớn nên đến thời điểm này Cục mới làm rõ được những phi vụ cũng như số ôtô có gian lận của 15 doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng số lượng xe trốn thuế mà 15 đơn vị này "cõng" về đã lên đến 350 chiếc, số tiền gian lận thuế lên đến 110 tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách những doanh nghiệp nhập khẩu ôtô số lượng lớn   có thể kể đến: Chi nhánh Công ty Thiết bị XNK toàn bộ và kỹ thuật (Hải Phòng) 45 xe; Công ty Interserco có địa chỉ tại 358 đường Láng - Hà Nội trên 40 xe. Chi nhánh Công ty Thương mại Quảng Nam - Đà Nẵng số 25 Lê Duẩn- Hà Nội 51 xe. Công ty CPTM vận tải và Xây dựng Trường Sơn trên 40 xe. Ngoài ra, còn có hàng loạt đơn vị khác như Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Việt Long, Chi nhánh Công ty Cổ phần XNK Thanh Hóa tại Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư XNK Nghệ An, Công ty TNHH Đức Hòa, Công ty TNHH Thiết bị môi trường Việt Nam, Công ty TNHH Minh Đạo, Công ty Du lịch Thương mại Vạn Hoa, Công ty TNHH Sơn Hải, Công ty Thương mại Du lịch, Công ty cổ phần Thăng Long...

Giải thích với các cơ quan chức năng về lý do mua được nhiều loạt ôtô "xịn" nhưng giá rẻ bất ngờ, phần lớn các doanh nghiệp này thừa nhận là họ nhập thuê cho các đầu nậu để kiếm lời. Họ đưa ra đủ lý do về sự khó khăn của doanh nghiệp, nhưng thực tế không gì ngoài lợi nhuận lớn, thu hồi nhanh và coi là hợp pháp do đầu nậu ban lại. Vì thế, chủ số doanh nghiệp này sẵn sàng nhắm mắt ký vào các chứng từ, còn thực tế nhập xe gì, thương thảo giá cả, đối tác là ai và bán chác như thế nào đều không biết. Một số doanh nghiệp khác không thừa nhận hành vi gian lận thuế, nhưng khi yêu cầu giải trình khả năng về vốn, chi tiết các bạn hàng giao thương, giá từng xe... thì "tắc" nên nói thẳng là họ đã bị cánh đầu nậu xỏ mũi.

Cán bộ Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho hay, ước tính số lượng xe mà các doanh nghiệp "down" giá để gian lận thuế phải gần 600 xe. Tương ứng với nó là số tiền trốn thuế lên đến vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, điều mà dư luận hết sức quan tâm là vì sao sự việc diễn ra đã lâu nhưng đến nay mới chỉ có 15 doanh nghiệp bị "sờ gáy"? Danh tính và hành vi sai phạm của hơn 30 doanh nghiệp còn lại có lý do gì vẫn nằm trong tủ sắt? Đấy là chưa nói đến số doanh nghiệp vi phạm chưa dừng ở đó, và những phi vụ làm ăn tương tự hiện vẫn diễn ra tuy màu sắc có đổi khác như một số cán bộ Hải quan cho biết. Sau việc xử lý 15 doanh nghiệp nêu trên, số còn lại hơn 30 doanh nghiệp liệu có được xem xét hay "chìm xuồng"?.

Xử lý phải theo luật, không thể vì lệ!

Để trả lời câu hỏi này, nhóm phóng viên Báo CAND đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan và được biết: Lý do sự việc đang dừng ở đó vì tính chất nghiêm trọng và quy mô ảnh hưởng của nó quá lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp nên Tổng cục Hải quan chờ xin ý kiến Bộ Tài chính và Chính phủ. Cơ quan Hải quan cho biết thêm, về hình thức thì hành vi, thủ đoạn gian lận thuế của tất cả các doanh nghiệp vi phạm tương tự nhau. Nên sau khi các cơ quan chức năng có hướng xử lý cụ thể đối với 15 doanh nghiệp, thì Hải quan sẽ căn cứ vào đó để áp dụng đối với số những doanh nghiệp vi phạm còn lại?!

Tuy vậy, đã là tháng 1-2006 nhưng việc xử lý 15 doanh nghiệp vi phạm vẫn chưa đến hồi kết. Hàng loạt các cuộc họp để xử lý vi phạm đã diễn ra nhưng chưa đem lại kết quả nào. Lúc đầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo mời các Cục Hải quan địa phương - nơi có hàng thông quan cùng với số doanh nghiệp vi phạm họp bàn đưa ra giải pháp: Buộc các doanh nghiệp tự hoàn lại số thuế đã trốn. Nhưng nếu theo phương án này thì có doanh nghiệp như Công ty Thiết bị XNK toàn bộ và kỹ thuật phải nộp tới 20 tỷ đồng, và ngay lập tức họ đưa ra lý do không thể thực hiện được. Một số đơn vị khác thì cãi chày cãi cối với chiêu nộp hết thì phá sản, rồi công nhân mất việc làm...

Bởi vậy, đến ngày 15/12/2005 là hạn chót mà ngành Hải quan đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp lại số thuế đúng như đã thông báo, nhưng đáp lại, một số doanh nghiệp đề xuất xin nộp lại phần lãi do các đầu nậu kia ban cho, một số xin xử lý hành chính chứ không phải là chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an... và phần lớn là sự im lặng mang tính chất thoái thác trách nhiệm. Trước tình hình thực tế không thu được khoản thuế trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Tài chính tính toán áp dụng phương án tạm truy thu thuế, nghĩa là thu ở mức thấp hơn số thuế tính đúng theo hồ sơ gian lận để doanh nghiệp có khả năng nộp.

Ngành Hải quan cũng nhấn mạnh rằng, đây chỉ là mức tạm truy thu đối với các doanh nghiệp. Nói cách khác là nếu như truy thu cùng lúc cả chục tỷ đối với một doanh nghiệp sẽ khó khả thi. Chính vì vậy, ngành Hải quan phải đưa ra một "lộ trình" để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm có điều kiện và khả năng thực hiện. Nhưng theo chúng tôi, việc gian lận thuế qua nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của những doanh nghiệp nêu trên đã vi phạm pháp luật rõ ràng. Cách giải quyết trên là một bước lùi và sẽ tạo ra tiền lệ xấu khó giải quyết đối với những trường hợp sau. Điều cốt yếu là phải làm sao để nâng cao tính răn đe của pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập khẩu hiện nay

Nhóm PVĐT
.
.
.