Nhiều nông dân làm kinh tế giỏi sau khi được học nghề

Thứ Năm, 13/09/2012, 16:31
Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, hiện có gần 132 nghìn lao động nông thôn (LĐNT) có nhu cầu học nghề; ngoài ra, 8.320 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hộ gia đình sử dụng từ 10 lao động trở lên có nhu cầu bổ sung hơn 311 nghìn lao động cho giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Trong khi đó, tuyệt đại bộ phận chưa qua đào tạo, vì thế nếu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động là tất yếu.

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn thành phố Hà Nội đã mở được 60 lớp dạy nghề cho 11.849 LĐNT. Ngành nghề đưa vào giảng dạy đa dạng phong phú, tập trung vào hai nhóm nông nghiệp (chiếm 34,7%) và phi nông nghiệp (chiếm 65,3%). Tại một số địa phương như huyện Thanh Trì, Từ Liêm đã xuất hiện nông dân trí thức, làm kinh tế giỏi. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề khá cao, đạt 70% trở lên. Một số ngành nghề như may công nghiệp, điêu khắc, mây tre giang đan và một số ngành nghề nông nghiệp tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Từ Liêm, sau đào tạo gần 100% lao động có việc làm ổn định.

Năm 2012, mục tiêu của thành phố dạy nghề cho 30.500 LĐNT, trong đó trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng là 30.000 người, trình độ trung cấp, cao đẳng 500 người; 80% lao động sau khi học nghề có việc làm; 2.300 cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Tính lũy kế trong 2 năm (2010-2011), ngân sách thành phố đầu tư hơn 85,2 tỷ đồng cho đề án đào tạo nghề cho LĐNT

PV
.
.
.